Người con gái của rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk)

23/09/2023 16:00 GMT+7

1. - Mày về thật à? - Thật.

- Sao đột ngột thế?

- Tao suy nghĩ lâu lắm rồi.

Trong căn phòng trọ giữa Sài Gòn đông đúc, tiếng hai cô gái vang lên không lớn, không nhỏ, đều đều như vòng quay của chiếc quạt nơi góc và đôi chỗ bị át đi bởi những tiếng động chát chúa ở công trường xây dựng cách đó không xa.

Hoa sinh ra ở vùng đất cách Sài Gòn hơn bốn trăm cây số. Nơi ấy rừng bạt ngàn, thác nước chảy róc rách quanh năm. Nhìn về phía nào cũng là núi non sừng sững. Mười tám tuổi, cũng như chúng bạn, Hoa xách va li hành lý xuống Sài Gòn học hành, lập nghiệp với hy vọng về một cuộc đổi đời. Mỗi lần đi về, Hoa lại chen mình trong chiếc xe khách chạy hết tốc lực suốt một đêm dài. Mùi máy lạnh cộng với mùi da ghế trong một không gian vừa chật vừa kín luôn khiến Hoa nhộn nhạo, đầu đau như búa bổ.

Người con gái của rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Shutterstock

Ra trường, Hoa được nhận vào làm kế toán của một công ty khá lớn. Nhận thêm vài công việc bên ngoài nữa nên thu nhập không đến nỗi nào. Cuộc sống cứ thế trôi qua với áp lực, mệt mỏi, công việc chất chồng và vài ba mối tình thoảng qua. Nhìn ra xung quanh, hầu như ai cũng giống mình nên cô không suy nghĩ nhiều. Vả lại, cô đâu có nhiều thời gian để suy nghĩ.

- Cô bị suy nhược thần kinh nặng, thiếu máu lên não. Đơn thuốc tôi đã kê ở đây, cô nhớ lấy và uống đầy đủ. Điều cần thiết nhất bây giờ là cô phải nghỉ ngơi. Thể trạng của cô hiện tại rất yếu - Bác sĩ nói với cô.

Mấy nay Hoa thường xuyên bị chóng mặt, nhức đầu, huyết áp hạ liên tục. Mỗi lần như thế, cô đều bủn rủn hết chân tay, mồ hôi lạnh túa khắp người không làm gì được. Hôm nay, cô xin nghỉ làm để đi khám. Cầm bịch thuốc, Hoa gắng gượng lết về phòng trọ.

Hoa bỏ bớt mấy công việc bên ngoài. Công việc chính cũng xin sếp giảm cho với lý do sức khỏe. Cô ở phòng trọ nhiều hơn. Dạo này cô hay suy nghĩ vẩn vơ, thường nhớ nhà, ngôi nhà xây cũ nằm giữa một khu vườn cà phê. Mùa này, cà phê đang trổ hoa trắng xóa. Ngày nhỏ, cô thường lén bố mẹ bứt từng nụ hoa để nhấm nháp vị ngọt của mật hoa. Cô nhớ mình đã cùng mẹ lên rẫy cà phê đội củi về để đun bếp. Bó củi dập dềnh theo từng bước chân của cô và mẹ. Có hôm đang ngủ cô bỗng giật mình tỉnh giấc vì tiếng thác reo trong mơ…

Những giấc mơ của cô dạo này thường có màu xanh, một màu xanh bạt ngàn, trải dài vô tận.

2.

Bỏ chiếc va li vào góc phòng, cô đưa mắt nhìn quanh. Căn phòng vẫn vậy. Những đồ đạc vẹn nguyên như trước lúc cô đi. Sạch sẽ và ngăn nắp.

- Ra tắm rửa rồi ăn cơm đi con - Tiếng mẹ vọng lên từ dưới bếp.

Mâm cơm có mấy món ăn đơn giản. Khói bốc lên nghi ngút mang theo những mùi thơm quen thuộc. Cô ăn ngon lành. Lâu lắm rồi cô mới được ngồi ăn với bố mẹ.

- Con về được lâu không?

- Con về hẳn ạ. Con nghỉ việc dưới Sài Gòn rồi - Cô chưa nói cho bố mẹ biết tình hình sức khỏe của mình vì sợ họ lo lắng.

- Về hẳn? Công việc dưới kia đang tốt thế mà?

- Vâng! Thu nhập tuy tốt nhưng áp lực quá. Con về đây xem có công việc gì phù hợp thì làm, tiện ở gần bố mẹ luôn.

- Tùy con. Nhưng theo bố, con nên suy nghĩ thật kỹ. Ở đây cơ hội ít ỏi, thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

3.

Hoa đứng trước rẫy nghệ bạt ngàn, gió thổi lồng lộng chỉ chực khiến những cây nghệ ngã rạp xuống. Hoa đã về nhà được ba năm. Hồi đầu, cô cũng tính xin vào đâu đó làm những mãi vẫn chưa kiếm được nơi ưng ý. Một buổi thấy mẹ về, mồ hôi đầm đìa, mặt ỉu xìu.

- Mẹ ốm à?

- Chắc cũng phát ốm mất thôi. Mấy sào nghệ nhà mình trồng chẳng ai mua, cứ vứt đấy. Mà cũng đâu chỉ có mỗi nhà mình…

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Hoa.

- Mẹ… bán lại cho con số nghệ ấy đi.

- Con hâm à? Mua làm gì? - Mẹ nhìn cô với ánh mắt khó hiểu.

- Mẹ cứ kệ con, chỉ cần bán cho con với giá mềm nhất là được - Hoa vừa nói vừa cười.

Từ đó Hoa lao đầu vào công việc nghiên cứu không kể ngày đêm. Nếu không bán được nghệ, tại sao mình không làm ra các sản phẩm từ nghệ? Và Hoa nghĩ ngay tới việc sản xuất mỹ phẩm. Vì lâu nay ai cũng biết tới công dụng làm đẹp tuyệt vời của loại củ dân dã này. Mọi người cũng đang dần tìm về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. Cô liên tục gửi mẫu tới các viện nghiên cứu. Có những ngày, Hoa chôn chân ở trong phòng làm việc của mình từ sáng sớm tới tối mịt mà không thấy mệt. Ban đầu thất bại cũng nhiều. Có lần hết sạch vốn, Hoa phải vay của bố mẹ, họ hàng. Có khi, nhìn những thỏi son hỏng để tràn lan ở trên bàn, Hoa lại thấy nhụt chí, muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nhớ lại khuôn mặt buồn rầu của mẹ, nhớ đến bao công sức, tiền bạc đã bỏ ra, nhớ những lời động viên và niềm tin của bà con, Hoa lại cố gắng thêm một chút, lại thêm một chút…

Bây giờ công ty của Hoa đã có mấy chục nhân công hầu hết đều là dân địa phương. Thành phẩm làm ra không chỉ có son mà còn có kem chống nắng, kem dưỡng da, xà bông tắm… Tất cả đều được làm từ nghệ. Một quãng đường nói thì ngắn chứ đi thì dài dằng dặc, cũng may bây giờ mọi thứ đã dần đi vào ổn định.

Hoa nhớ lại, mỗi lần tưởng như kiệt sức, cô lại ra vườn, hòa vào sắc xanh của cây cối. Đi tới cuối vườn nhà cô là một con suối nước chẳng bao giờ cạn. Đi ngược lên sẽ gặp thác nước, nhỏ thôi. Nhưng tiếng nước dội vào đá đủ khiến Hoa thấy nhẹ nhõm. Nước mát rượi dưới chân, nước bắn lên người. Hoa đưa tay vốc nước vỗ vào mặt, thấy mặt trời đi trốn sau bụi cây, tiếng mấy con chim thi nhau hót… Hoa sinh ra từ rừng và Hoa biết, mình có thể đi rất nhiều nơi nhưng chỉ thuộc về duy nhất nơi này.

Nếu lúc ấy mà dựa vào gốc cây để ngủ, thể nào Hoa cũng mơ thấy mình biến thành con bướm vàng xanh, đang đậu vào một chùm hoa nào đó.

- Mẹ gọi điện kêu chị em mình tối nay về nhà ăn cơm đấy! - Tiếng Huấn, em trai cô cắt ngang dòng suy nghĩ.

- Ừ. Thế còn chuyến đi vào chủ nhật này, em chuẩn bị xong chưa?

- Rồi ạ. Chị yên tâm.

4.

Điểm trường nằm trên một quả đồi cao, cách úy ban xã Mang Yao tầm mấy chục km đường đất. Khi Hoa và mọi người vào tới nơi thì trời đã gần trưa. Bụi đất bám vàng cả quần áo, tóc tai.

Nhìn những em bé người H'Mông mặt mũi nhem nhuốc, tóc vàng hoe cháy nắng, quần áo cũ sờn, Hoa thấy lòng dậy lên một niềm thương xót khó tả. Những nụ cười vẫn tươi rói, tỏa rạng. Nụ cười của trẻ thơ vẫn luôn là nụ cười đẹp nhất. Càng sống trong nghịch cảnh bao nhiều, sức sống của mầm non lại càng mạnh mẽ, mãnh liệt bấy nhiêu. Nhìn các em, Hoa lại nhớ về tuổi thơ chân đất đầu trần lấm lem của mình. Nhưng cũng như mấy em bé H'Mông bây giờ, Hoa và bạn bè ngày ấy cũng không hề thấy mình khổ. Núi rừng đã cho Hoa có một tuổi thơ trọn vẹn, đủ đầy. Núi rừng đã ôm ấp Hoa cả thời thơ dại, để rồi giúp cô vẽ nên bao ước mơ và biến nó thành hiện thực. Bây giờ, núi rừng lại giúp Hoa khởi nghiệp. Bấy nhiêu thôi đã khiến Hoa thấy mình mắc nợ mảnh đất này quá nhiều. Cô không muốn chờ tới lúc giàu sang đủ đầy rồi mới nghĩ tới chuyện trả ơn. Mà chờ tới lúc ấy thì biết đến bao giờ. Vậy là cứ lâu lâu, Hoa lại chuẩn bị quà, đi tới các điểm trường như thế này. Quà là chiếc cặp sách, bộ quần áo mới, bánh kẹo… Dù quà nhỏ nhưng bọn trẻ vẫn vui, ai chẳng vui khi nhận được quà. Hoa chỉ muốn góp chút sức lực bé nhỏ của mình khiến sức sống của những mầm non ấy thêm phần mạnh mẽ hơn. Cũng như Hoa, các em rồi sẽ rời khỏi núi rừng khi lớn lên. Trong số ấy nhất định có người quay trở lại, tiếp tục những gì Hoa và mọi người đã và đang làm. Hoa tin chắc thế.

Hoa nhìn vào mấy phòng học. Chúng đã cũ lắm rồi, tường sơn tróc lở vì mưa nắng, mái tôn hoen rỉ, méo mó, bàn ghế xiêu vẹo. Mùa mưa có lẽ phòng học sẽ dột tứ tung. Nhìn ra sân trường, nền sân nhiều chỗ đã bị vỡ, lởm chởm đá. Đặc biệt, điểm trường này có cả học sinh mầm non học nhưng lại chẳng có khu vui chơi đúng nghĩa như những ngôi trường khác.

5.

Bữa nay Hoa về nhà chơi với bố mẹ, tiện thể hoàn thành nốt mấy công việc còn dang dở. Sau chuyến đi lần trước, Hoa đã kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay với mình để tu sửa lại phòng học, thay mới bàn ghế, đổ lại mặt sân và đặc biệt là làm thêm một khu vui chơi nho nhỏ cho các em. Vì chi phí khá lớn nên mình Hoa không thể kham nổi. Tới nay, kinh phí gần như đã đủ. Nếu có phát sinh khoản nào Hoa sẽ tự bù vào. Hoa cũng đã làm xong bản kế hoạch chi tiết của dự án để gửi cho các nơi, hoàn thành dự trù kinh phí, đã xin phép nhà trường và chính quyền địa phương. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là sẽ khởi công. Nghĩ tới đó, Hoa cảm thấy nôn nao, chỉ mong thời khắc ấy nhanh nhanh tới. Thú thật, đây là dự án thiện nguyện lớn nhất từ trước đến nay mà Hoa phụ trách.

Xong xuôi mọi việc, gửi nốt cái mail cho Huấn, Hoa tắt máy tính, đi ra vườn, lần theo lối nhỏ xuống suối. Vừa đi, Hoa vừa hít hà mùi hoa cà phê thơm ngọt ngào. Thấy trời còn sớm, cô men theo bờ suối đi ngược lên phía trên, chẳng mấy chốc đã tới chỗ thác nước. Thác nhỏ nhưng nước vẫn xối ào ào vào bãi đá phía dưới. Đá nhỏ, đá to phủ đầy rêu trơn trượt, đủ mọi hình thù xếp cạnh nhau, giữa chúng có những khoảng trống mà nếu chẳng may trượt chân xuống đó thì rất đau. Cô ngồi lên một tảng đá, ngâm chân dưới nước, ngó nghiêng. Không khí mát rượi làm dịu đi cái nắng gắt của thời điểm giữa chiều. Cạnh bãi đá có một khoảng nước tĩnh lặng, trong veo. Dường như mọi ồn ã đã bỏ lại trên bãi đá này, để khi nước chảy lại chỗ đó, nó trở về với sự trầm tĩnh vốn có. Chỗ nước ấy nước khá sâu. Ngày nhỏ, Hoa và các bạn vẫn thường rủ nhau ra đó tập bơi suốt.

Bỗng Hoa thấy mặt nước xao động. Có ai đó đang vùng vẫy. Nãy giờ Hoa mải nhìn thác, tiếng nước chảy át đi tiếng động do người ấy tạo ra nên Hoa không để ý.

Một khuôn mặt trẻ con trồi lên. Trời ơi, bé Mây, con của cô Toàn, có rẫy ở gần đây. Con bé mới sáu tuổi, chắc đi cùng mẹ rồi nhân lúc mẹ không để ý, xuống đây nghịch nước, bị sẩy chân.

Hoa chạy vội đến rồi lao mình xuống nước, nơi khuôn mặt, bàn tay của cô bé đang chìm dần…

Nước mát lạnh, cả người Hoa chìm sâu. Cô quờ quạng tay chân. Bắt đầu thấy cái lạnh tê tái thấm sâu vào từng tế bào. Tay cô đã chạm vào lưng của Mây. Cô nắm chặt lấy áo của cô bé, cố sức kéo, đẩy lên khỏi mặt nước. Hoa sải mạnh cánh tay còn lại, đạp chân đưa cả hai cô cháu lại phía tảng đá gần nhất. Cũng may, bé Mây vẫn còn tỉnh táo, mặt tái xám vì sợ và có lẽ cũng vì đã ngâm nước quá lâu.

Sao tự nhiên chân Hoa cứng đờ, đau nhói. Tảng đá đã ở rất gần. Hoa càng tìm cách cử động chân thì cảm giác buốt nhói lại càng khiến cả người Hoa tê dại, buốt tới tận óc. Tay Hoa vẫn đang giữ chặt Mây. Hoa biết, mình đã bị chuột rút. Nước chỗ này sâu, Hoa cố đạp xuống phía dưới để tìm đáy nhưng vô vọng.

Không ổn rồi. Hoa gắng sức, đẩy mạnh Mây về phía tảng đá. Mắt cô mờ dần. Mây đã bám vào được rồi. Trước mắt Hoa, Mây đã ngồi lên được vào phía trong. Cô bé run rẩy, khóc không thành tiếng.

Bóng một người phụ nữ chạy vụt xuống. Hình như còn có tiếng kêu. Nước lạnh. Tiếng chim thảng thốt vọng về từ một nơi nào đó.

Hoa thấy mình nhẹ bẫng. Trên người mọc thêm đôi cánh mỏng. Hoa soi mình vào nước. Ồ, mình đã hóa thành bướm sao? Một chú bướm vàng xanh chấp chới trên mặt nước. Mình rời khỏi đây thôi. Mọi người đang đợi mình ở trên kia, nơi khu rừng có những giò phong lan đỏ đang nở rộ.

Nước lấp lóa trong ánh mặt trời. Tiếng nước chảy vọng đi bốn phía. Có một chú bướm vàng xanh, cất cánh, vút đi…

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Người con gái của rừng - Truyện ngắn của Nguyễn Hiên (Đắk Lắk) - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.