Nhiều rủi ro khi mua máy chống ghi âm trên mạng

16/05/2024 14:50 GMT+7

Dù là thiết bị thuộc diện kinh doanh có điều kiện, nhiều thiết bị chống ghi âm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được rao bán công khai trên internet.

Khi tìm kiếm với từ khóa như "máy phá sóng", "máy chống ghi âm, ghi hình" trên công cụ Google Search, người dùng gần như lập tức nhận được hàng trăm nghìn kết quả trả về liên quan đến sản phẩm này. Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý phát ra tín hiệu có tần số hoặc cường độ lớn, mạnh hơn nhằm đè lên tín hiệu của máy bị phá. Tùy thuộc công suất mà tầm ảnh hưởng có thể rộng hoặc hẹp khác nhau.

Một mẫu máy phá ghi âm ngụy trang thành loa Bluetooth được mua dễ dàng trên mạng

Một mẫu máy phá ghi âm ngụy trang thành loa Bluetooth được mua dễ dàng trên mạng

Q.A

Việc bán tràn lan, công khai nêu trên khiến nhiều người lầm tưởng đây là thiết bị được tự do kinh doanh, mua bán. Nhưng mặt hàng này thuộc diện "kinh doanh có điều kiện" và khi sử dụng gây ảnh hưởng tới người khác hoặc an ninh quốc gia có thể dẫn tới vấn đề về pháp lý.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, luật sư Hồ Văn Sơn - Công ty luật TNHH Hồ Gia - Phú Thịnh cho biết với thiết bị phá sóng, chống ghi âm, ghi hình thì luật An ninh quốc gia cũng như Nghị định số 66/2017/NĐ-CP đã có quy định về điều kiện kinh doanh các thiết bị này, phải được cấp phép theo Nghị định 96 về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo ông Sơn, việc kinh doanh tràn lan các sản phẩm này mà không có giấy phép, nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm.

Giải thích rõ thêm về vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết Nghị định 96/2016/NĐ-CP có quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Theo đó, Khoản 19, Điều 3 quy định "Kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động gồm: Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán các thiết bị ngăn chặn tín hiệu liên lạc từ điện thoại di động đến trạm gốc" là Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý.

Khoản 4, Điều 13 về Điều kiện hoạt động kinh doanh áp dụng đối với một số ngành, nghề nêu rõ: "Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động".

"Do đó, việc kinh doanh, sử dụng thiết bị phá, chống ghi âm, ghi hình thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được phép kinh doanh", luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Máy chống ghi âm làm nhái thương hiệu loa Marshall

Máy chống ghi âm làm nhái thương hiệu loa Marshall

Q.A

Về trách nhiệm, tính pháp lý nhìn từ góc độ người mua, luật sư Hồ Văn Sơn cho biết hiện chưa có quy định xử phạt hay truy cứu, nhưng nếu họ sử dụng vào các mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm hại đến an ninh quốc gia thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia công nghệ cũng cho rằng những thiết bị được quảng cáo khả năng phá, chống ghi âm, ghi hình trên mạng đều được "thổi phồng" hiệu quả so với thực tế và được bán với giá "trên trời". Các sản phẩm này đa phần được bán ra không kèm hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có bất kỳ giấy chứng nhận kiểm định chất lượng nào.

"Tất cả công năng đều xuất phát từ lời quảng cáo của người bán, mà mục đích duy nhất là thuyết phục được người mua chi tiền cho sản phẩm", một chuyên gia nhận định.

Chất lượng thực tế của những sản phẩm này cũng được chứng minh phần nào khi thời gian gần đây, một số độc giả Báo Thanh Niên đã phản ánh về việc mua thiết bị chống ghi âm, ghi hình được chào bán trên thị trường công khai, nhưng khi sử dụng thì khác xa với quảng cáo của bên bán. Thậm chí, có những mẫu được mô tả "chống ghi âm trong không gian phòng làm việc" lên tới nhiều mét nhưng chỉ thực sự hoạt động khi máy ghi âm đặt cách máy phá tín hiệu tầm 50 cm, với điều kiện phải đặt đúng hướng, đúng vị trí và nằm trên cùng mặt phẳng với nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.