Phú Yên phấn đấu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững

Đức Huy
Đức Huy
03/03/2024 11:57 GMT+7

Sáng 3.3, tại TP.Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư.

Đến dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Theo quy hoạch, Phú Yên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics. Cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước...

Du lịch là mũi nhọn

Trong đó, Phú Yên xác định mũi nhọn là du lịch. Vì vậy tỉnh này định hướng hình thành một số khu du lịch có thương hiệu tầm quốc gia và quốc tế; thu hút đầu tư vào các địa điểm tiềm năng như: Vũng Rô, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan; phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng tại các khu vực miền núi phía tây.

Phú Yên phấn đấu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững- Ảnh 1.

Khu vực sẽ được đầu tư cảng nước sâu ở Phú Yên

PHUONG MINH

Về hành lang phát triển, Phú Yên xác định hai hành lang. Một là là hành lang ven biển Bắc - Nam (gắn với trục QL1, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển của tỉnh): là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị, công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thủy, hải sản; tập trung du lịch ở phía bắc, công nghiệp ở phía nam, TP.Tuy Hòa là trung tâm phát triển tổng hợp của hành lang.

Hai là hành lang đông - tây (gắn với trục QL25 và QL29): phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hình thành vùng chuyên canh lớn; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ logistics… Đồng thời, xác định một vành đai phụ trợ để phát triển (gắn với trục QL19C): là vùng phát triển song song dọc theo tuyến giao thông QL19C kết nối với tỉnh Bình Định và tỉnh Đắk Lắk.

3 trụ cột để phát triển kinh tế

Trong quy hoạch, tỉnh Phú Yên cũng xác định 3 trụ cột để phát triển kinh tế, đó là công nghiệp - xây dựng đô thị; dịch vụ - du lịch và nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Riêng về công nghiệp - xây dựng đô thị, Phú Yên sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh có lợi thế và tạo cơ sở phát triển của tỉnh trong dài hạn. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và đầu tư xây dựng cảng Bãi Gốc.

Phát triển đô thị xanh, bền vững gắn với bản sắc của Phú Yên, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển TP.Tuy Hòa trở thành đô thị biển với hệ thống công viên, cây xanh và có rừng trong trung tâm thành phố; phát triển mở rộng địa giới hành chính của thành phố để đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1; trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp toàn tỉnh. Phát triển đô thị Sông Cầu là trung tâm tiểu vùng phía bắc của tỉnh, là thành phố du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng của vùng là đô thị du lịch vệ tinh cho TP.Quy Nhơn (Bình Định).

Phú Yên phấn đấu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững- Ảnh 2.

Núi Nhạn nằm giữa lòng TP.Tuy Hòa

PHƯƠNG MINH

Trong khi đó, dịch vụ - du lịch sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc làm cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp và phát triển cảng biển Vũng Rô trở thành cảng du lịch. Hình thành một số trung tâm logistics.

Phát triển du lịch với hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm du lịch, giàu bản sắc văn hóa; từng bước hình thành các trung tâm du lịch lớn, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong năm 2030.

Sẽ phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, hình thành các vùng nguyên chuyên canh quy mô lớn (như vùng cây ăn quả, cây dược liệu..), có giá trị gia tăng cao gắn với hình thành chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.

Sẽ có 18 đô thị

Phú Yên cũng đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, đó là cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Tích cực, chủ động phối hợp, liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hình ảnh và quảng bá du lịch cả trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có của địa phương.

Phú Yên phấn đấu trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững- Ảnh 3.

Tháp Nghinh Phong - một địa điểm du lịch mới, nổi tiếng tại Phú Yên

PHƯƠNG MINH

Để đạt được các mục tiêu trên, Phú Yên đưa ra 5 giải pháp thực hiện quy hoạch, gồm: nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút vốn đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu vực chức năng, phát triển đô thị và nông thôn.

Đến năm 2030, tỉnh Phú Yên sẽ có 18 đô thị, trong đó TP.Tuy Hòa là đô thị loại 1, TP.Sông Cầu là đô thị loại 2, TX.Đông Hòa đô thị loại 3; có 6 đô thị loại 4 và 9 đô thị loại 5.

Phú Yên cần tìm lối đi riêng

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để Phú Yên trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, amoniac xanh...), Phú Yên cần có tư duy, giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển. Đi kèm với đó là tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và khu công nghiệp trên địa bàn.

Phó thủ tướng đồng tình với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên. Theo Phó thủ tướng, đây là lợi thế lớn của tỉnh nhưng cần phải đổi mới cách làm.

Tại hội nghị, tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương đầu tư và chứng nhận đầu tư cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỉ đồng và 6 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 128.800 tỉ đồng.

Có 15 lĩnh vực dự kiến ưu tiên thực hiện trong kỳ quy hoạch với khoảng hơn 150 dự án, cụ thể: lĩnh vực giao thông 30 dự án; lĩnh vực phát triển đô thị 16 dự án; lĩnh vực công nghiệp 7 dự án; lĩnh vực điện năng 3 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, thể dục - thể thao 16 dự án; lĩnh vực thủy lợi 8 dự án; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 40 dự án; lĩnh vực văn hóa, xã hội 8 dự án; lĩnh vực giáo dục và đào tạo 3 dự án; lĩnh vực y tế 3 dự án; lĩnh vực thông tin truyền thông 3 dự án; lĩnh vực cơ quan nhà nước 2 dự án; lĩnh vực khoa học công nghệ 2 dự án; lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 3 dự án, và các công trình an ninh, quốc phòng, quân sự.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.