Rome từ suy tàn đến thịnh vượng

19/03/2023 07:44 GMT+7

Người La Mã hy vọng rằng khi các vì sao thẳng hàng sẽ ngăn chặn sự suy tàn kéo dài nhiều thế hệ của Rome. Điều đó có thể xảy ra trong thời gian tới.

Sau nhiều năm suy giảm đầu tư, hàng tỉ euro của Liên minh châu Âu, các quỹ nhà nước và tư nhân đang đổ vào kho bạc Rome - thủ đô nước Ý - trước một loạt các sự kiện lớn khiến thành phố choáng ngợp.

"Sức khỏe kinh tế" của Rome không chỉ liên quan đến 2,8 triệu cư dân mà còn đối với toàn bộ nước Ý, vì khu vực đô thị của thành phố tạo ra hơn 9% sản lượng quốc gia.

Rome từ suy tàn đến thịnh vượng - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đấu trường La Mã Colosseum bên cạnh công trường xây dựng tàu điện ngầm ở Rome, Ý

Reuters

Sự kiện lớn đầu tiên bắt đầu vào tháng 9.2023 khi cuộc so tài giữa những tay golf xuất sắc nhất châu Âu với các đối thủ Mỹ - Ryder Cup - được tổ chức gần Rome, thu hút những du khách giàu có.

Năm 2025, dự kiến thành phố chào đón 30 triệu khách du lịch trong Năm Thánh, khi người Công giáo theo truyền thống đổ xô đến Rome để được ân xá.

Một sự kiện lớn khác cũng được lên kế hoạch vào năm 2033 để đánh dấu kỷ niệm 2.000 năm Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Rome đang trong thời gian chờ đợi kèm nỗ lực tổ chức hội chợ thế giới EXPO vào năm 2030 sẽ thành công như thủ đô tài chính Milan của Ý đã sử dụng EXPO 2015 để tự phục hồi.

Lorenzo Tagliavanti, Chủ tịch Phòng Thương mại Rome, nói với Reuters: "Rome có tất cả năng lượng bị dồn nén bị lãng phí trong nhiều năm nhưng cuối cùng cũng có thể được giải phóng".

Rome từ suy tàn đến thịnh vượng - Ảnh 2.

Đài phun nước Trevi theo kiến trúc Baroque

T,L

Thủ đô của Ý đã là một trong những thành phố được du khách ghé thăm nhiều nhất trên thế giới với hơn 15 triệu lượt khách du lịch đến đây vào năm 2022. Tuy nhiên, các dịch vụ công cộng yếu kém có thể khiến thành phố gặp trở ngại.

Vào năm ngoái, Marco Di Tillo, chủ một khách sạn do gia đình quản lý ở trung tâm Rome, đã phải tự xử lý rác vì công ty xử lý rác không cung cấp dịch vụ thường xuyên.

"Tôi không thể để rác bên ngoài khách sạn của mình vì bốc mùi. Vì vậy, mỗi đêm, tôi bỏ rác hữu cơ vào cốp xe, lái đi xa và ném chúng vào thùng rác", anh nói.

Cơ hội độc đáo

Vinh quang của thủ đô Rome đã phai nhạt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến đầu tư giảm mạnh. Một vụ bê bối tham nhũng nổ ra vào năm 2014 khiến phần lớn chính quyền địa phương rơi vào bế tắc trong nhiều năm. Thành phố trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Văn phòng thống kê quốc gia ISTAT cho biết kinh tế của Rome trì trệ ở mức khoảng 138 tỉ euro/năm từ năm 2007 đến năm 2020 trong khi của Milan tăng từ 125 tỉ lên 156 tỉ euro/năm.

Roberto Gualtieri, cựu Bộ trưởng Kinh tế trở thành Thị trưởng Rome vào năm 2021, cho biết thành phố có "cơ hội phi thường" để trở nên đẹp đẽ và hiện đại hơn.

Rome từ suy tàn đến thịnh vượng - Ảnh 3.

Lịch sử Rome trải dài 28 thế kỷ

Reuters

Ông đã vạch ra một kế hoạch trị giá 13 tỉ euro cho đầu tư công và tư nhân trong 5 năm tới, trên mức 5,8 tỉ euro được ấn định nếu dự án EXPO 2030 thành công.

"Đó là kế hoạch đầu tư lớn nhất mà Rome từng có", Gualtieri nói với Reuters.

Trước thềm Năm Thánh 2025, thành phố đã công bố 87 dự án, bao gồm biến khu vực phía trước Vatican hoàn toàn dành cho người đi bộ, tái tạo bề mặt vỉa hè bị nứt và mở các công viên mới dọc theo sông Tiber.

Với số tiền từ quỹ phục hồi sau đại dịch của EU, thành phố có kế hoạch phát triển các trung tâm nghiên cứu và đổi mới, đổi mới đội xe buýt cũ kỹ, cải thiện hệ thống tàu điện ngầm và mở rộng các tuyến đường dành cho xe đạp.

Ngày 17.3, Gualtieri đã tiết lộ một dự án trị giá 100 triệu euro để lắp đặt cơ sở hạ tầng 5G trên toàn thành phố. Tập đoàn đa quốc gia BAI Communications sẽ chi trả 80% khoản đầu tư.

"Milan đã được thay đổi bởi EXPO và đã trở thành một thành phố có khả năng thu hút vốn từ khắp nơi trên thế giới. Rome là một nơi đáng kinh ngạc và không nơi nào sánh kịp", Luca Luciani, người đứng đầu BAI Communications Italia, nói với Reuters.

Một dấu hiệu nữa cho thấy niềm tin của nhà đầu tư, các thương hiệu khách sạn lớn bao gồm Bulgari, Rosewood và Four Seasons đang biến các tòa nhà lịch sử thành khách sạn 5 sao, với ít nhất bảy công trình tân trang sang trọng lớn đang được tiến hành.

Với sự ủng hộ của Thủ tướng Giorgia Meloni sinh ra ở Rome, Gualtieri đang vận động tích cực để giành quyền tham gia EXPO.

Rome đối đầu với Riyadh của Saudi Arabia, Busan của Hàn Quốc và Odessa của Ukraine. Quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 11 tới.

Lần cuối cùng sự kiện này được tổ chức ở châu Âu là tại Milan và Ủy ban thành phố Rome lập luận rằng đến lượt lục địa này đăng cai tổ chức lại.

Rome từ suy tàn đến thịnh vượng - Ảnh 4.

Ngôi đền Pantheon huyền thoại ở Rome

T,L

Gualtieri muốn sử dụng EXPO để phát triển vùng ngoại ô phía đông bị bỏ quên, tạo ra một con đường xanh dài 20 km dẫn trở lại trung tâm cổ kính của Rome.

Địa điểm EXPO tại Rome được đề xuất là một tòa nhà khổng lồ có tên Le Vele (Cánh buồm) của kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava. Ban đầu Le Vele được thiết kế cho Giải vô địch thế giới dưới nước năm 2009, nhưng chưa bao giờ được hoàn thành và trở thành biểu tượng cho sự khó khăn của Ý trong việc hoàn thành các dự án lớn.

Rome là thành phố lớn nhất và đông dân nhất ở Ý với hơn 2,8 triệu cư dân trong phạm vi 1.285 km². Được xây dựng trên địa thế đặc biệt của bảy ngọn đồi, Rome tọa lạc theo hạ lưu dòng Tiber gần nơi cửa sông đổ ra Địa Trung Hải thuộc Trung Tây của bán đảo Ý. Vatican - quốc gia nhỏ nhất thế giới - là một đất nước độc lập nằm trong lòng Rome. Cũng vì lý do này mà Rome thường được xem là thủ đô lưỡng quốc.

Lịch sử Rome trải dài 28 thế kỷ, khiến nó trở thành một trong những khu định cư lâu đời nhất có con người vẫn đang tiếp tục sinh sống tại châu Âu. Rome là cái nôi thứ hai của nền văn minh phương Tây sau Athens. Thành phố sau đó trở thành thủ đô của Vương quốc La Mã, Cộng hòa La Mã và Đế quốc La Mã.

Trong thời kỳ này với câu thành ngữ nổi tiếng "Mọi con đường đều dẫn đến La Mã", quyền lực của Rome phủ khắp phần lớn châu Âu, Bắc Phi và vươn đến Trung Đông, thống trị cả về quân sự lẫn văn hóa, là đầu não của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất lịch sử, có ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến xã hội, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch đô thị, kỹ thuật dân dụng, triết học, tôn giáo, luật pháp và phong tục xuyên suốt trong nhiều thế kỷ tiếp theo.

Rome sở hữu nhiều di tích lịch sử từ vài trăm đến hàng ngàn năm tuổi như Đấu trường La Mã Colosseum, Đài phun nước Trevi, Đền Pantheon, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Bảo tàng Vatican…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.