Theo trang tin Science Alert, biến thể này được phát hiện ở Colombia hồi tháng 1.2021, và hiện đã xuất hiện ở khoảng 39 quốc gia. Nhiều người lo ngại vắc xin Covid-19 hiện tại có thể không có tác dụng với loại biến thể này.
Các nhà khoa học vẫn đang liên tục theo dõi sự tiến hóa của virus. Một số đột biến sẽ gây bất lợi cho virus nhưng một số khác sẽ gây bất lợi cho con người (giúp virus lây lan mạnh hơn, kháng lại vắc xin hiện hành hoặc thậm chí có thể “né” được các xét nghiệm Covid-19).
Hầu hết các loại vắc xin Covid-19 nhắm vào "protein đột biến" của virus. Virus dùng protein này để xâm nhập vào tế bào của chúng ta. Vắc xin để cơ thể tiếp xúc với các protein đột biến của virus, vì vậy hệ thống miễn dịch có thể học cách chống lại virus khi phát hiện.
Nếu protein đột biến ở một biến thể tiếp tục biến đổi thì điều này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Theo WHO, bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể Mu có thể "né tránh" một phần các kháng thể từ vắc xin hiện tại.
|
Tuy nhiên kết luận này đúc kết từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Không chắc biến thể này sẽ thực sự phát triển như thế nào. Các nhà khoa học đang nghiên cứu thêm.
Theo trang tin Science Alert, các vắc xin hiện tại vẫn đang bảo vệ con người tốt, nhưng không thể bảo vệ mãi mãi. Có thể là sắp tới sẽ có một biến thể mới kháng vắc xin. WHO không chắc khi nào điều này sẽ xảy ra, nhưng việc lây nhiễm tràn lan trong cộng đồng sẽ làm tăng khả năng xuất hiện của một biến thể như vậy.
Các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 đã chuẩn bị cho kịch bản này và đang phát triển vắc xin cho các biến thể mới như Delta. Thời gian điều chỉnh vắc xin cho phù hợp với biến thể mới có thể mất 6-8 tuần. Về cơ bản, vắc xin mới vẫn có các đặc tính giống với vắc xin hiện tại. Các cơ quan quản lý y tế trên toàn thế giới có thể sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt để hiện thực hóa điều này.
Theo ông Paul Griffin, Phó giáo sư về Bệnh Truyền nhiễm và vi sinh, Đại học Queensland (Úc), có thể sẽ có một biến thể vượt qua Delta về khả năng lây nhiễm. Nó có khả năng lây nhiễm cao hơn ít nhất 50% so với chủng ban đầu.
Thuyết tiến hóa dự đoán, theo thời gian, virus sẽ dễ lây hơn nhưng khả năng gây hại sẽ ít hơn vì virus muốn lây lan càng nhiều càng tốt chứ không nhắm giết nhanh vật chủ. Tuy vậy vẫn còn quá sớm để kết luận virus SARS-CoV-2 có như vậy hay không.
Có một nguy cơ là khi hầu hết con người đã tiêm chủng, vắc xin có thể tạo "áp lực chọn lọc" đối với virus khiến chúng tiến hóa để kháng vắc xin. Nhưng lợi ích của việc tiêm vắc xin vẫn lớn hơn nguy cơ này, theo Science Alert.
Bình luận (0)