Trong một cuộc phẫu thuật hiếm gặp, các bác sĩ Ấn Độ đã lấy được nguyên bộ hài cốt của thai lưu đã chết trong bụng mẹ cách đây 36 năm.
|
Một trường hợp thai lưu tồn tại trong bụng mẹ với thời gian dài kỷ lục đã được phát hiện tại Ấn Độ. Theo tờ The Times of India, bà Kantabai Gunvant Thakre (60 tuổi) cách đây hơn 2 tháng đã bắt đầu than phiền rằng mình bị đau bụng không dứt. Sau khi bác sĩ phát hiện một khối u ở phần bụng dưới bên phải của bệnh nhân, họ quyết định siêu âm để xác định liệu đây có phải là khối u ác tính hay không. Kết quả cho thấy đây là một khối đã bị vôi hóa, và bác sĩ chuyển sang chụp MRI, tức phương pháp chụp cộng hưởng từ có thể ghi nhận những hình ảnh hết sức chi tiết về các cơ quan nội tạng cũng như cấu trúc bên trong cơ thể. “Nhờ MRI, bác sĩ mới phát hiện khối u này trên thực tế là một bộ hài cốt thai nhi”, theo bác sĩ Murtaza Akhtar, trưởng nhóm phẫu thuật của Bệnh viện Lata Mangeshkar ở miền trung Ấn Độ.
Lúc này bệnh nhân mới nhớ lại mình từng bị chẩn đoán có thai ngoài dạ con khi mới 24 tuổi. Đây là tình trạng bào thai không phát triển trong dạ con mà thay vào đó lớn lên ở nơi khác trong cơ thể. Không rõ thai nhi trong trường hợp này đã lưu lạc ở đâu, nhưng vị trí thường gặp nhất là ở vòi trứng, trong khi các trường hợp hiếm hơn là ở buồng trứng hoặc khoang bụng. Với kỹ thuật y học hiện nay, bác sĩ buộc phải phẫu thuật để lấy thai, nhưng cách đây 20 năm hoặc hơn, nhiều bác sĩ quyết định kê đơn thuốc methotrexate với mục đích phân hủy mô thai, theo bác sĩ Jonathan Herman của Trung tâm y khoa Do Thái Long Island ở New Hyde Park, TP.New York (Mỹ). Loại thuốc này có thể được sử dụng vào đầu thai kỳ, trước khi có tim thai.
Trong trường hợp ở Ấn Độ, bà Thakre thụ thai vào năm 1978. Tờ The Times of India cho hay thai phụ đã đến bác sĩ, nhưng quá sợ hãi trước viễn cảnh phải phẫu thuật, bà đã rời khỏi bệnh viện và đến phòng khám gần làng điều trị. Cơn đau đã hết sau vài tháng, nhưng 36 năm sau, cơn ác mộng đã trở lại. Đây có thể là một trường hợp thai chết lưu, bị vôi hóa. Khi bào thai chết ngoài tử cung, khối lượng mô có thể quá lớn để tái hấp thu vào cơ thể của người mẹ. Để bảo vệ bản thân trước nguy cơ biến chứng, cơ thể người mẹ có thể đã hóa vôi phần bên ngoài của bào thai. Các bác sĩ không rõ tại sao đến gần đây khối vôi hóa mới phát tác, khiến bà Thakre đau đớn.
Các bác sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật phức tạp để lấy ra toàn bộ khối vôi hóa đã định vị gần 40 năm bên cạnh tử cung, ruột và bàng quang của bệnh nhân. Kết quả là họ đã tìm thấy một bộ xương hoàn chỉnh. Đây có thể cũng là trường hợp thai lưu lâu nhất trong lịch sử y học, vượt xa trường hợp một phụ nữ Bỉ mang theo thai lưu suốt 18 năm mới phát hiện.
Tụ Yên
>> Một cô giáo tử vong sau khi mổ lấy thai lưu
>> Thai lưu nhiều lần
>> Mang thai trễ dễ bị thai lưu
>> Thai lưu do đâu?
Bình luận (0)