Chị T. cho biết, trước khi mắc Covid-19, chị thường khó ngủ. Sau khi mắc Covid-19, tình trạng mất ngủ càng trầm trọng hơn, một đêm chỉ ngủ được 2-3 tiếng. Tình trạng kéo dài 2 tuần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, không tập trung vào công việc, sức khỏe suy sút.
Chị sắp xếp công việc đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) để điều trị. Tại đây, chị được điều trị bằng thuốc đông y, kết hợp xoa bóp và gài nhĩ hoàn. Trong đợt điều trị này chị được gỡ kim nhĩ hoàn lần trước và gài kim cho đợt điều trị mới. Sau khi gài kim, bác sĩ hướng dẫn chị cách tự kích thích vào huyệt mỗi ngày.
|
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết: Những năm 60 của thế kỷ trước, liệu pháp châm cứu loa tai được ứng dụng song hành cùng với châm cứu cổ điển, điều trị nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa… Để gài kim tai, đầu tiên bác sĩ khám, tìm điểm phản ứng trên loa tai, quan sát sự thay đổi màu sắc tại điểm có cơ quan bệnh, sau đó tác động vào vị trí huyệt để kích hoạt tác dụng điều trị của huyệt.
Theo bác sĩ Ngân, nguyên tắc là chọn huyệt chính, chọn huyệt tương ứng với vùng hoặc cơ quan bệnh; chọn huyệt theo y học cổ truyền, chọn huyệt theo sinh lý bệnh của y học hiện đại; chọn huyệt theo chức năng và theo phản ứng. Để kích thích huyệt, có thể sử dụng phương pháp châm với kim mảnh, hoặc sử dụng dạng kim cài hoặc nhĩ hoàn lưu lại trên loa tai trong thời gian khoảng 5-7 ngày.
37% người vẫn còn triệu chứng Covid-19 6 tháng sau khi hồi phục |
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3): Thời gian giãn cách xã hội kéo dài đang là một trở ngại đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt ở những người sau nhiễm Covid-19 vẫn còn những triệu chứng như mệt mỏi, ngủ kém, nặng ngực hồi hộp... Y học cổ truyền ghi nhận kinh nghiệm điều trị những triệu chứng trên theo nhiều phương pháp, trong đó có liệu pháp cài kim hoặc nhĩ hoàn trên các huyệt tương ứng ở loa tai.
Trong phác đồ chung, các huyệt như nhĩ thần môn, tâm, giao cảm, dưới vỏ,... ứng dụng trong điều trị rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, các triệu chứng nặng ngực hồi hộp. Các điểm tương ứng với cơ quan như dạ dày, gan, đại tràng,... ứng dụng trong điều trị bệnh lý dạ dày và rối loạn tiêu hóa như tiêu lỏng, cảm giác đầy hơi, ăn uống kém,...
"Khi cài kim, bệnh nhân sẽ có những cảm giác như đau, nóng tại điểm dán hoặc râm ran lan cả loa tai. Cảm giác sẽ giảm dần theo thời gian. Trong ngày, người bệnh cần dùng tay day xoa tại vị trí dán để tăng tác dụng kích thích các huyệt", bác sĩ Mẫn chia sẻ.
Bình luận (0)