Biển Đông trong đối thoại Shangri-La

07/06/2017 09:00 GMT+7

Một số chuyên gia tham dự Đối thoại Shangri-La vừa qua tại Singapore đã đưa chia sẻ các nhận định với Thanh Niên về vấn đề Biển Đông xung quanh thông điệp của Mỹ và Úc, cũng như diễn biến thực tế.

Tại Đối thoại Shangri-La (SLD) 2017 diễn ra từ ngày 2 - 4.6, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James N.Mattis đều có bài phát biểu chỉ trích các hành động của Trung Quốc (TQ) ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Sau khi dự SLD 2017, 3 chuyên gia gồm ông Jonathan Miller (chuyên gia cấp cao của Chương trình học giả quốc tế tại Nhật, thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) có trụ sở ở Mỹ), tiến sĩ Raji Rajagopalan (Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF) ở Ấn Độ) và tiến sĩ Graham Ong-Webb (chuyên gia của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore) đã trả lời Thanh Niên xung quanh vấn đề Biển Đông ở SLD.
Ông/bà nghĩ thế nào về phát biểu của Thủ tướng Turnbull và Bộ trưởng Mattis đối với tình hình châu Á - Thái Bình Dương cũng như Biển Đông?
Ông Jonathan Miller: Các phát biểu trên đã tái nhấn mạnh sự phát triển an ninh khu vực và tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Phát biểu của Thủ tướng Turnbull còn có ý rằng các nước trong khu vực đừng tìm cách cưỡng chế thay đổi nguyên trạng những khu vực tranh chấp và điển hình là hành động của TQ.
Tiến sĩ Raji Rajagopalan: Thông điệp của Mỹ và Úc rất mạnh mẽ, cùng kêu gọi TQ tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Tuy nhiên, vấn đề tôi cảm nhận được là thông điệp của Bộ trưởng Mattis dường như không đồng nhất với cách Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump nằm ở một phía, còn Bộ trưởng Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì nằm cùng một phía khác.
Tiến sĩ Graham Ong-Webb: Phát biểu của họ là rất rõ ràng. Họ phản đối việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nhưng theo tôi các tuyên bố của họ không hiệu quả. Ngoài biện pháp ngoại giao, Mỹ hay Úc có thể làm gì hơn để phản đối TQ? Họ có sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt hay dùng sức mạnh quân sự để chống lại TQ, đặc biệt trong bối cảnh đang cần Bắc Kinh để giải quyết vấn đề Triều Tiên? Tôi không nghĩ họ có thể làm gì hơn. Dù vẫn ủng hộ giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế bởi tất cả các bên, nhưng tôi cho rằng vẫn phải chấp nhận một thực tế TQ sẽ tiếp tục hành động để đạt lợi ích riêng. Trừ khi chúng ta ngăn chặn điều đó và tất nhiên đi kèm bằng một cái giá nhất định.
Đây không phải là lần đầu tiên đại diện phái đoàn Mỹ tại SLD tỏ ra cứng rắn đối với TQ về Biển Đông. Nhưng thực tế Bắc Kinh vẫn không ngừng xây dựng và quân sự hóa các thực thể ở vùng biển này. Ông/bà nhận xét thế nào về thực tế vừa nêu?
Ông Jonathan Miller: Thực tế bất chấp các chỉ trích của quốc tế, hiện trạng trên Biển Đông có vẻ xấu đi khi Bắc Kinh không ngừng cải tạo, quân sự hóa các đảo nhân tạo. Trong bối cảnh này, Mỹ phải nhìn nhận một biện pháp rõ ràng hơn để kiềm chế các hành vi của TQ.
Tiến sĩ Raji Rajagopalan: Bạn nói hoàn toàn chính xác. Về vấn đề này, trong phiên thảo luận tại SLD, tôi từng hỏi một sĩ quan cấp cao của Quân đội giải phóng TQ (PLA) rằng quân sự hóa các đảo nhân tạo thì làm sao phù hợp với các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp như ông trình bày. Nhưng ông ấy lại bảo rằng đây không phải tranh chấp lãnh thổ!? Mỹ phản ứng rất mạnh nhưng lại chẳng thể hiện rõ ràng về một biện pháp ứng phó.
Tiến sĩ Graham Ong-Webb: Đó là một thực tế. TQ sẽ không ngừng làm như thế. Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông những năm trước. Họ có thể đã tạm ngừng và giảm bớt hành động như thế trong thời gian gần đây để hạ nhiệt áp lực quốc tế, nhưng dường như họ đã đạt được mục tiêu về việc hoàn thiện các công trình.
Ông/bà đánh giá thế nào về các động thái gần đây của TQ trên Biển Đông, dù Tòa trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) năm ngoái ra phán quyết “Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông?
Ông Jonathan Miller: Bắc Kinh đã làm ngơ phán quyết và thậm chí đẩy mạnh hơn các biện pháp nhằm kiểm soát Biển Đông. Tôi có cảm giác rằng TQ đang “tự do” hơn khi làm thế bởi định hướng lãnh đạo và chiến lược thiếu nhất quán của Mỹ.
Tiến sĩ Raji Rajagopalan: TQ đã xem thường phán quyết của PCA. Phán quyết này lại không có biện pháp thực thi, còn các nước lớn cũng không có bất cứ áp lực đáng kể nào. Nên đây chính là khoảng trống để Bắc Kinh “thoải mái”.
Tiến sĩ Graham Ong-Webb: TQ đã bác bỏ phán quyết. Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte thì lại không tận dụng ưu thế từ phán quyết của PCA nên động lực từ điều này đã mất. Theo tôi, Philippines đã lãng phí hàng chục năm nỗ lực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.