Theo dự kiến, đại diện cấp cao các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối tháng này tại đảo Boracay, Philippines. Giới quan sát đánh giá đây là một sự kiện quan trọng vì lần đầu tiên Philippines, nước tham gia tranh chấp trực tiếp, chủ trì thảo luận về COC với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN. Nội dung thảo luận cũng hết sức thời sự khi xoay quanh 2 vấn đề chính là phi quân sự hóa và kiềm chế các hoạt động đơn phương trên Biển Đông.
Ngày 7.2, Đài ABS-CBN dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính sách của Philippines Enrique Manalo thận trọng nhận định việc đạt đồng thuận với Trung Quốc về COC vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình tranh chấp chưa thực sự chuyển biến, dù quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã cải thiện ít nhiều trong thời gian gần đây.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cảnh báo Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ xây dựng tiền đồn quân sự trên bãi cạn tranh chấp Scarborough. “Nếu không ngăn chặn, họ sẽ xây dựng ở Scarborough. Điều này đáng lo ngại hơn nhiều so với việc xây dựng ở đá Chữ Thập bởi gần chúng tôi hơn”, AFP dẫn lời ông Lorenzana nói.
Đá Chữ Thập nằm trong số những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo với các cơ sở phục vụ mục đích quân sự. Bộ trưởng Philippines nhận định xây dựng tại Scarborough sẽ là bước cuối cùng để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông và hành động này “không thể chấp nhận được”.
tin liên quan
Philippines: Trung Quốc chắc chắn sẽ bồi đắp bãi cạn ScarboroughBộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7.2 tuyên bố ông tin rằng Trung Quốc không sớm thì muộn cũng sẽ bồi đắp bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Manalo khẳng định Philippines sẽ kiên quyết chủ trì các cuộc đàm phán theo hướng đây là quá trình làm việc giữa cả khối ASEAN và Trung Quốc. “Sẽ không thể đi theo phương thức từng bên riêng biệt. Nếu không thì đó sẽ không phải là một bộ quy tắc ASEAN - Trung Quốc”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm mọi cách gây khó vì lâu nay nước này muốn giải quyết song phương với từng nước.
“Trung Quốc muốn xem đó là một tiến trình gồm 11 bên chứ không phải giữa ASEAN và Trung Quốc”, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Hellen dela Vega phát biểu tại một diễn đàn mới đây về thách thức hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương ở Manila. Bà cũng cáo buộc Trung Quốc chưa tuân thủ vấn đề tự kiềm chế được đề cập trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). “Trung Quốc vẫn bảo đừng nói về tự kiềm chế mà hãy nói về hợp tác”, bà dela Vega cho biết.
Bình luận (0)