Chân dung giáo sĩ bị cáo buộc chỉ đạo cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

16/07/2016 15:02 GMT+7

Một số đơn vị thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15.7 tiến hành cuộc đảo chính và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là người đứng sau cuộc đảo chính này.

Trước đám đông ủng hộ tại sân bay Ataturk ở thành phố Istanbul rạng sáng 16.7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hoảng sợ trước cuộc nổi dậy này và "đất nước không thể bị điều hành từ Pennsylvania” (tiểu bang ở Mỹ, nơi giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống), theo NBC News ngày 16.7.
“Họ đã được chỉ đạo từ Pennsylvania”, ông Erdogan nói tiếp về cuộc đảo chính của quân đội. Các quan chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng cáo buộc nỗ lực đảo chính lần này là do những tín đồ của giáo sĩ Fethullah Gulen thực hiện. Đây không phải là lần đầu tiên ông Erdogan cáo buộc ông Gulen can thiệp vào tình hình chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Fethullah Gulen (75 tuổi) sống lưu vong tại vùng núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị buộc tội phản quốc, sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỹ giữa lúc bị cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan dù trước đó từng là đồng minh của ông Erdogan.

tin liên quan

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bất thành
Âm mưu đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại vào rạng sáng ngày 16.7 (giờ địa phương) sau khi người dân đáp lời kêu gọi của Tổng thống nước này Tayyip Erdogan, xuống đường ủng hộ ông, ngăn chặn phe đảo chính.
Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ mở một cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông Erdogan, khi đó là thủ tướng, và những phụ tá của ông. Erdogan gọi cuộc điều tra là một chiến dịch bẩn thỉu chống lại việc lãnh đạo của ông, đồng thời tố cáo ông Gulen đã dàn xếp vụ bê bối này.
Sự bất hoà kéo dài nhiều năm giữa 2 người được mở rộng ra sau khi chính phủ của ông Erdogan tiến hành một loạt cuộc phản công, ra kế hoạch bãi bỏ các trường dự bị tư nhân, gồm cả các trường thuộc phong trào giáo dục và văn hoá Hizmet của ông Gulen.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa nhiều trường học thuộc Hizmet và sa thải 2.000 cảnh sát ủng hộ giáo sĩ Gulen. Ông Erdogan còn thông báo kế hoạch cho phép chính phủ giám sát chặt chẽ hơn đối với các thẩm phán chịu sự ảnh hưởng của ông Gulen.
Giáo sĩ Fethullah Gulen có mối thù với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan AFP
Theo Los Angeles Times, ông Gulen, người điều hành mạng lưới có tài sản theo ước tính của The Hill là 25 tỉ USD, thuyết giáo về một sự hoà trộn bất thường giữa lòng mộ đạo Hồi giáo và phái thần bí Sufi của Hồi giáo. Bên cạnh đó, ông cũng nói về những thị trường tự do, nền dân chủ và sự khoan dung của tôn giáo.
Tín đồ của ông có mặt ở nhiều nơi trên thế giới và hợp thành phong trào tôn giáo, xã hội và dân tộc Hizmet. Phong trào này kiểm soát một mạng lưới trường học, công ty và các tổ chức từ thiện trên toàn cầu. Các trường học này được thành lập tại khoảng 180 nước với mục đích phi lợi nhuận và từng là đối tượng của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Theo trang Heavy, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn huỷ hộ chiếu của ông Gulen vì những mối thù với Tổng thống Erdogan. Ông Erdogan và đảng AK cầm quyền còn cáo buộc ông Gulen cố thành lập một nhà nước tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi dẫn độ giáo sĩ này về từ Mỹ.
Năm 2015, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản 22 công ty trong đó có 2 đài truyền hình thuộc công ty Koza Ipek, có liên quan với ông Gulen. Đầu năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát luôn tờ báo Zaman vì báo này bị cáo buộc trung thành với ông Gulen.
Tổng thống Erdogan và các quan chức chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen chỉ đạo vụ đảo chính ngày 15.7 Reuters
Hồi tháng 10.2015, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị toà tối cao ra phán quyết tù chung thân đối với ông Gulen. Ông Erdogan hồi tháng 5 còn thông báo đưa phong trào của ông Gulen vào danh sách khủng bố, theo hãng thông tấn Anadolu.
Tuy chịu nhiều cáo buộc từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ ông Gulen có tên Liên minh vì những giá trị được chia sẻ đã lên án cuộc đảo chính ngày 15.7, theo AFP.
"Trong hơn 40 năm qua, Fethullah Gulen và những người theo phong trào Hizmet đã chủ trương, thể hiện cam kết đối với hoà bình và dân chủ. Chúng tôi nhấn mạnh sự bác bỏ đối với việc can thiệp quân sự vào nền chính trị trong nước. Đó là những giá trị cốt lõi của người tham gia Hizmet”, tổ chức này tuyên bố. Liên minh này cũng cho rằng những bình luận của các quan chức chính quyền Erdogan đối với Hizmet là cực kỳ vô trách nhiệm.
Hãng thông tấn Anatolia ước tính có khoảng 1.800 người gồm 750 cảnh sát và 80 binh sĩ đã bị bắt giữ trong cuộc đàn áp chống lại phong trào của ông Gulen trong 2 năm qua, theo AFP. Khoảng 280 người trong số này vẫn đang ngồi tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.