Ông Hun Sen thách EU cắt viện trợ với Campuchia, ca ngợi Trung Quốc

13/06/2016 22:18 GMT+7

Thủ tướng Campuchia thách thức sự trừng phạt từ EU, nói rằng bất kỳ việc cắt giảm viện trợ nào từ khối này sẽ chỉ ảnh hưởng đến lao động nước ngoài làm việc trong các tổ chức phi chính phủ mà thôi.

“Đừng đe dọa tôi vì tôi sẽ không sợ", Thủ tướng Hun Sen nói trong một buổi lễ tốt nghiệp ở thủ đô Phnom Penh, theo Reuters ngày 13.6.
Liên minh châu Âu trước đó kêu gọi Thủ tướng Hun Sen ngưng trấn áp phe đối lập (đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia - CNRP) thông qua việc "sách nhiễu tư pháp" và Liên Hiệp Quốc cũng đã kêu gọi đối thoại giữa đảng cầm quyền và phe đối lập nhằm giải quyết căng thẳng ở quốc gia này trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Nghị viện châu Âu cho biết trong một nghị quyết tuần trước rằng khoản viện trợ 461 triệu USD cho Campuchia nên được xem xét dựa trên mức độ cải thiện nhân quyền ở Campuchia; đồng thời kêu gọi chính phủ nước này dỡ bỏ các cáo buộc chống lại lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, người đang sống lưu vong kể từ cuối năm ngoái nhằm tránh bị bắt.
Cùng lúc đó, ông Hun Sen ca ngợi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia và các nhà tài trợ rằng họ không bao giờ đe dọa hay đặt điều kiện để viện trợ và đầu tư như EU.
Chính phủ của ông Hun Sen phủ nhận cáo buộc của EU rằng Phnom Penh trấn áp phe đối lập hoặc các nhà hoạt động xã hội ủng hộ phe đối lập. Giới lãnh đạo Campuchia nói rằng những người mà Phnom Penh trừng phạt nên tuân thủ pháp luật như mọi công dân khác.
Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập Reuters

Nghị quyết của EU cũng kêu gọi thả ngay lập tức 5 nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ vì có liên quan đến một vụ bê bối tình dục mà người phó của ông Rainsy, tức ông Kem Sokha đang phải đối mặt. Ông Sokha đang lẩn trốn ở Campuchia trước sự truy tìm của cảnh sát để bắt ông vì từ chối lệnh triệu tập của tòa làm nhân chứng trong vụ án trên.

Cũng trong ngày 13.6, một tòa án ở Campuchia đã kết án 3 người ủng hộ của CNRP 7 năm tù vì làm loạn trong một cuộc biểu tình chống chính phủ và biến thành bạo loạn vào năm 2014.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.