Ông Trump ‘lật ngược thế cờ’ sau vụ xả súng ở Orlando?

13/06/2016 15:08 GMT+7

Liệu vụ thảm sát 50 người tại hộp đêm đồng tính ở Orlando sẽ khiến người Mỹ ủng hộ sự cứng rắn của ông Trump với người Hồi giáo, hay họ sẽ suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc sử dụng súng?

50 người chết và 53 người bị thương sau vụ xả súng ở hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính tại Orlando, bang Florida (Mỹ) rạng sáng 12.6. Vụ thảm sát này thêm phần đáng sợ khi tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng ra nhận trách nhiệm. Đồng thời, chi tiết về IS cũng đang tác động lớn tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Donald Trump lại “chớp thời cơ”

Đúng như nhiều người nghĩ, ứng viên đảng Cộng hòa, tỉ phú Donald Trump đã không bỏ qua một vụ việc lớn nào để bày tỏ quan điểm của mình và xuất hiện đình đám trên truyền thông. Và vụ việc này, dẫu thương tâm, nhưng lại xuất hiện đúng vào thời điểm nhạy cảm cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

“Có phải Tổng thống Obama sẽ cuối cùng phải đề cập tới những từ ngữ căn nguyên là khủng bố Hồi giáo không? Nếu ông ta không làm thế, ông ta nên từ chức ngay lập tức trong sự nhục nhã”, The Washington Post dẫn một đoạn ông Trump viết trên Twitter sau thảm kịch ở Orlando.

Xen lẫn với nỗi sợ là sự tức giận. Người Mỹ sẽ phải suy xét tới những phát biểu của ông Trump về đạo Hồi Reuters

Là ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump gặp nhiều chỉ trích qua những phát biểu gây sốc. Một trong những vấn đề lớn nhất có thể kể đến là phát ngôn xúc phạm người Mexico và kế hoạch tạm cấm cửa người theo đạo Hồi tới nước Mỹ. Tỉ phú bất động sản này khẳng định chỉ có cấm cửa người Hồi giáo mới là phương pháp tốt nhất ngăn những cuộc tấn công mang hơi hướng cực đoan của một bộ phận người theo đạo này.

Trong khi tư tưởng ấy bị xem là phân biệt chủng tộc, các cuộc tấn công do IS thực hiện hoặc liên quan tới IS lại liên tục xảy ra như một... cái cớ để ông Trump giành được ủng hộ. Đáng kể nhất trong thời gian gần đây là vụ khủng bố liên hoàn làm hơn 150 người chết tại Paris (Pháp) tháng 11.2015, và vụ máy bay Nga chở 224 người rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) trước đó vào ngày 31.10.2015, vụ việc được phía Nga khẳng định do bị đánh bom.

Sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế với chủ nghĩa khủng bố dường như khiến nhiều người Mỹ dù muốn hay không cũng phải suy xét lại những lời nói của ông Trump qua các sự kiện tương ứng. Sự ủng hộ ấy được kiểm chứng qua việc ông đã thắng gần như áp đảo mọi đối thủ qua cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Hộp đêm Pulse, nơi diễn ra vụ xả súng kinh hoàng làm 50 người thiệt mạng ở thành phố Orlando Reuters
Một buổi thắp nến tưởng niệm những nạn nhân của vụ xả súng tại Orlando Reuters

Lựa chọn của người Mỹ

Vụ thảm sát ở Orlando đã đến như “cứu tinh” cho ông Trump, giữa lúc ông này hứng chỉ trích nặng nề vì phát ngôn “phân biệt chủng tộc” đối với thẩm phán Gonzalo Curiel. Ông Curiel là người thụ lý vụ kiện Đại học Trump lừa đảo. Ngoài ra, Trump cũng nói rằng ông sẽ không để một người Hồi giáo làm thẩm phán, nếu ông là tổng thống.

Sự giận dữ của cử tri trước các chính trị gia, nỗi sợ của người Mỹ từ các vụ khủng bố luôn trùng với các mốc thời gian chứng kiến tỉ lệ ủng hộ ông Trump lên cao. Vụ Orlando cũng góp phần “chữa lành vết thương” cho ông Trump sau vụ lùm xùm với thẩm phán Curiel.

tin liên quan

Đằng sau sự ủng hộ cho Donald Trump là gì?

Những phát biểu của tỉ phú Donald Trump tạo hiệu ứng truyền thông rất lớn, nhưng thậm chí cả những người ủng hộ có hoàn toàn nghĩ rằng ông là một ứng viên tổng thống Mỹ quá nghiêm túc?

Tuy nhiên, không phải không có những người đang tin tưởng bà Hillary Clinton, ứng viên đại diện bên đảng Dân chủ vốn cũng đang nhận sự ủng hộ của Tổng thống Barack Obama, tức chính quyền đương nhiệm.

Trái với những giai điệu hùng hồn của ông Trump, bà Clinton đã gửi lời chia buồn tới nạn nhân và lấy câu chuyện chính sách ra làm tâm điểm. Cựu ngoại trưởng Mỹ nói rằng sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề mà câu chuyện ở Orlando đã chạm tới, bao gồm chủ nghĩa khủng bố, quyền của người đồng tính và đạo luật kiểm soát súng.

Không ít người vẫn đang đứng về phía bà Hillary Clinton sau vụ thảm sát ở Orlando Reuters

Stuart Stevens, người từng là giám đốc chiến lược cho ông Mitt Romney trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012, đã gọi những tuyên bố kiểu như “tôi đã nói về khủng bố như thế đấy” của Donald Trump là trò trẻ con, vì đã mừng như vớ được vàng khi thấy lời “tiên đoán” của mình đánh đổi bằng 50 mạng sống, theo The Washington Post.

Bà Clinton trong khi đó là người được cho rất tích cực trong việc siết chặt luật dùng súng tại Mỹ, cũng như kêu gọi chống phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trong chiến dịch tranh cử của mình.

Bà Clinton (trái) và Tổng thống Obama là những người muốn giải quyết khủng bố và sự thù hằn trong xã hội bằng luật về sử dụng súng và thay đổi thái độ kỳ thị trong cộng đồng Reuters

Cấm người đạo Hồi vào nước Mỹ để ngăn tấn công khủng bố là một cách làm có phần triệt để và cực đoan, nguy cơ phân biệt chủng tộc và chạm tới căn nguyên vấn đề: sự thù ghét.

Giữ sự hòa thuận của các cộng đồng và giải quyết câu chuyện bằng chính sách, xã hội, cũng sẽ đối diện nguy cơ không thể đẩy nhanh tốc độ chấm dứt các cuộc khủng bố.

Hai hướng giải quyết của ông Trump và bà Clinton đều có điểm mạnh, điểm yếu mà người Mỹ chỉ có thể chọn một.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.