Thênh thang con đường của lòng dân

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
03/09/2023 07:06 GMT+7

'Thêm lần này nữa là lần thứ 2 nhà tui hiến đất, tổng cộng hơn 300 m2. Nếu mở rộng đường thêm, tui cũng vui lòng hiến tiếp…", cụ bà Nguyễn Thị Sum (81 tuổi, trú thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cười móm mém khi kể về những lần hiến đất mở rộng con đường đi ngang nhà mình.

HIẾN NHỮNG "TẤC VÀNG"

Những ngày này, đi dọc con đường nối Gò Quảng đến đường Hòa Phước - Hòa Khương băng qua thôn Gò Hà (xã Hòa Khương), tôi nghe người dân bàn về việc mở rộng mặt đường từ 5,5 m lên 7,5 m. Dừng chân ở một quán nước giữa thôn, tôi được nghe kể lại câu chuyện hiến đất mở đường từ 10 năm trước. Để có con đường bê tông phẳng lì như hôm nay, khoảng 100 hộ dân đã đồng lòng hiến hàng ngàn mét vuông đất ở lẫn đất nông nghiệp. "Nhờ đó mà vào năm 2014, xã Hòa Khương đã được TP.Đà Nẵng công nhận là xã nông thôn mới. Nay xã họp dân thông báo chủ trương tiếp tục mở rộng đường lên 7,5 m, bà con chúng tôi lần nữa hiến đất với mong ước xã sẽ "lên" phường vào năm 2025", ông Lê Văn Lộc (69 tuổi) chia sẻ.

Thênh thang con đường của lòng dân - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Thị Sum đã hiến 120 mét vuông đất ở để mở rộng đường

10 năm về trước, khi con đường chạy dọc thôn được mở rộng, ông Lộc đã hiến khoảng 200 m2 đất. Phần sân bị cắt chỉ còn lại khoảng 2 m. Mở đường lần này, ngoài tường rào buộc phải phá dỡ, mái hiên bị cúp 1/3 thì gian nhà bên phải cũng "gọt" gần hết. Nhà bếp, nhà vệ sinh cũng phải dỡ bỏ phần nhiều. Dù vậy, ông Lộc vẫn sẵn lòng hiến đất. "Nhớ lại cảnh hơn 10 năm trước, con đường đi qua nhà tui ngập trong cỏ dại, mưa xuống là bùn lầy. Sau khi đường được bê tông hóa, con em rộn ràng đến trường, tui thấy việc mình làm có lợi cho mọi người. Giờ đường tiếp tục mở rộng như dưới phố, rồi nay mai xe cộ qua lại tấp nập, tui mừng lắm", ông Lộc trải lòng.

Câu chuyện nhà nào hiến đất nhiều nhất được mọi người bàn thảo rôm rả. Theo lời người dân, tôi tìm gặp cụ Nguyễn Thị Sum và được nghe kể về lịch sử thửa đất nhà cụ. 10 năm trước, gia đình cụ đã hiến khoảng 200 m2 đất ở để mở rộng con đường thành 5,5 m. Lần này, thửa đất nhà cụ với 4 lô liền kề sẽ bị thu hẹp khoảng 120 m2 đất ở. Trong 4 lô đó, có 2 lô đã được chia cho hai con gái. Khi có chủ trương mở đường, cụ đã gọi các con để hỏi ý kiến. "Mấy đứa đều bảo hiến đất mở đường là việc ý nghĩa, ý của tui sao thì ý tụi nhỏ vậy. Thế là hiến thôi", cụ Sum nói như đinh đóng cột.

Thênh thang con đường của lòng dân - Ảnh 2.

Vết sơn đánh dấu con đường được mở sẽ khiến phần nhà ông Lê Văn Lộc (trái) bị ảnh hưởng rất lớn

HOÀNG SƠN

"THÊM CHÚT ĐẤT CŨNG KHÔNG GIÀU…"

Có lẽ trong số những hộ dân tại thôn Gò Hà hiến đất, trường hợp của anh Ngô Văn Sơn (41 tuổi) đặc biệt nhất. Gia đình anh là hộ nghèo nhiều năm qua, bản thân anh tàn tật vì mắc bệnh hiểm nghèo. Lúc tôi đến, anh Sơn chống nạng tập tễnh bước từ nhà dưới lên. "Gần 10 năm qua, tui trở thành người sống phụ thuộc vì di chứng của bệnh u não. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào những buổi làm công của vợ. Nhà nghèo, đứa lớn cũng bỏ học. Mấy năm trước, tui phát bệnh, vợ đã bán một thửa đất để có tiền chạy chữa", anh Sơn khó nhọc từng lời.

Dù túng thiếu đủ bề, rất cần tiền để chữa bệnh, thế nhưng khi nghe chủ trương mở đường anh liền gật đầu hiến 40 m2 đất. 10 năm trước, anh cũng đã hiến khoảng 100 m2 đất để mở đường. "Nghèo cũng đã nghèo rồi, thêm chút đất cũng không giàu. Nghĩ vậy nên tui bàn với vợ hiến đất cho nhà nước mở đường. Vả lại, có được căn nhà như hôm nay, tui đã được sự hỗ trợ của nhà nước. Mình hiến đất cũng là cách để trả ơn cho những gì đã nhận được từ cộng đồng…", anh Sơn thật thà.

Cũng với tâm niệm mang lại điều gì đó ý nghĩa cho xã hội nên khi nghe chủ trương mở rộng đường vào Nghĩa trang liệt sĩ TP.Đà Nẵng lên thành 7,5 m, 8 hộ dân thuộc thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) đã thống nhất hiến gần 600 m2 đất. Trong số các hộ dân này, gia đình bà Phạm Thị Mai (50 tuổi) hiến nhiều nhất với hơn 200 m2. Lô đất này bà dự định để đứa con trai đầu khi lấy vợ sẽ có đất làm nhà. Với diện tích được hiến để vừa mở rộng đường vừa làm bãi đỗ xe, lô đất của bà Mai không còn dư phần nào. "Gia đình tui hiến đất không một chút do dự. Bởi đó là việc hết sức ý nghĩa và thiêng liêng. Ba chồng tui là liệt sĩ, cũng như những anh hùng đang ở trong nghĩa trang kia đã không tiếc xương máu vì độc lập cho đất nước. Còn dịp nào tri ân các liệt sĩ tốt hơn dịp này… Tui tin, nơi chín suối ba tui cũng tự hào vì con cháu đã hiến đất mở đường", bà Mai chia sẻ.

Thênh thang con đường của lòng dân - Ảnh 3.

Khoảng 100 hộ dân thôn Gò Hà đồng lòng hiến đất để mở rộng đường từ 5,5 m lên thành 7,5 m

"NÉT VĂN HÓA NGƯỜI HÒA VANG"

Để có được diện mạo H.Hòa Vang khang trang như hôm nay, từ nhiều năm trước, ở khắp các thôn, xóm, phong trào hiến đất mở đường đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Với nghị quyết đưa Hòa Vang trở thành thị xã vào năm 2025, bên cạnh những con đường theo chuẩn đô thị, các tuyến đường nông thôn cũng được bê tông hóa với chuẩn cao nhất là 5,5 m. Công cuộc mở những con đường này thường gian nan hơn vì mặt đường sẵn có thường nhỏ hẹp, vật kiến trúc cần giải tỏa khá lớn. Chính những lúc này, tinh thần cộng đồng như được thổi bùng lên. Người người, nhà nhà lại chung sức chung của để mở đường…

Điển hình là tuyến đường giao thông kiệt hẻm tại thôn Mỹ Sơn (tuyến Ao Cá, xã Hòa Ninh). Mấy mươi năm qua, thôn Mỹ Sơn như "vùng sâu" của xã vì con đường đất cứ nắng bụi mưa bùn. Ông Nguyễn Phú Kiểm, Trưởng thôn Mỹ Sơn, cho biết đầu năm 2023 có 40 hộ trong thôn đã đồng lòng hiến hơn 1.000 m2 đất ở và đất nông nghiệp để mở đường, trong đó hộ hiến nhiều nhất với 200 m2 đất vườn. "40 hộ dân đã tự chặt vườn cây ăn quả, tự san ủi mặt bằng rồi đóng góp tiền mặt, ngày công trị giá đến 200 triệu đồng. Tuyến đường hơn 600 m, rộng 5,5 m mà hoàn thành chỉ trong 20 ngày", ông Kiểm phấn khởi.

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết từ năm 2023 - 2024 trên địa bàn sẽ có 2 tuyến đường mở rộng theo chuẩn đường đô thị rộng 7,5 m. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", qua vận động, tổng cộng 250 hộ bị ảnh hưởng đã đồng ý hiến đất mở đường theo phương thức nhà nước đền bù 100% công trình và 50% giá trị đất được thu hồi.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết thêm sau khi có nghị quyết thành lập thị xã vào năm 2025, huyện đã phát động rộng rãi nhằm chia sẻ với nhà nước trong xây dựng hạ tầng, mở đường… "Tinh thần cộng đồng, vì cái chung là nét văn hóa, bản sắc tốt đẹp của người dân H.Hòa Vang. Từ chương trình giao thông kiệt hẻm vào những năm 90 thế kỷ trước, đến năm 2010 khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn, người dân đã đồng lòng hiến rất nhiều đất cho nhà nước. Đến nay, khi phấn đấu hình thành đô thị để lên thị xã, tinh thần ấy của người dân lại tiếp tục phát huy", ông Dũng chia sẻ. 

Chủ động chỉnh lý biến động đất đai cho người dân

Nhiều người dân cho biết, điều khiến họ lo lắng là sau khi hiến đất, diện tích sẽ thay đổi buộc phải chỉnh lý biến động đất đai gây mất thời gian, công sức. Trao đổi với Thanh Niên, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, khẳng định việc chỉnh lý biến động là trách nhiệm của cơ quan nhà nước theo quy định của Thông tư 09. Nhà nước rất mong dân hiến đất, còn việc chỉnh lý biến động đất đai, địa phương phải có trách nhiệm chứ không chờ người dân đề nghị hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.