Thiếu trầm trọng bãi đậu xe ô tô ở TP.HCM: Nhà giàu cũng... khổ!

03/04/2006 22:40 GMT+7

Ở TP.HCM hiện nay, cứ mỗi ngày có khoảng trên dưới 100 chiếc ô tô được đăng ký mới. Người sắm ô tô để đi lại được xem là giàu, là sướng vì "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu". Nhưng lắm lúc, trong cái sướng cũng có nhiều nỗi khổ, mà khổ nhất là tìm chỗ đậu xe khi đi vào khu trung tâm...

Không cấm là đậu

Con đường nhỏ Nam Quốc Cang, Q.1 chỉ dài vài trăm mét nhưng có đến hàng chục công ty lớn nhỏ chen chân đặt văn phòng. Hằng ngày, xe hơi của các ông chủ công ty ra vào tấp nập. Đưa chủ vào công ty xong, tài xế thường cho xe ra đậu bên lề đường vì hầu hết các trụ sở doanh nghiệp ở đây đều không có nhiều diện tích để đậu xe. Khổ nỗi lòng đường nơi đây chỉ vừa đủ cho 2 làn ô tô lưu thông, nên khi xe của các ông chủ ào ra, cộng với xe khách đến giao dịch thì con đường trở nên kẹt cứng. Chẳng may, vào lúc nào đó có hai xe ô tô lưu thông ngược chiều nhau thì y như rằng, cảnh ùn tắc ắt xảy ra. Từ cuối năm 2005, khi tòa nhà Center Park được đưa vào sử dụng, lượng xe đổ về con đường này càng nhiều hơn, thường xuyên đậu kín luôn phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Cộng với việc thành phố chính thức thu phí đậu xe trên nhiều tuyến đường ở trung tâm nên nhiều tài xế, kể cả taxi khi rảnh rỗi cũng đổ về đây, làm tuyến đường trở nên quá tải nghiêm trọng. Chuyện ùn tắc xảy ra như cơm bữa...


Mỗi ngày, bình quân có cả trăm xe ô tô đăng ký mới (Trong ảnh là CSGT kiểm tra xe khi đến đăng ký). ảnh: Đ.Trung
Nhưng Nam Quốc Cang chỉ là một trong số hàng chục tuyến đường ở trung tâm khổ vì lượng xe hơi đổ về tránh phí đậu xe, nhất là xe taxi. Bước chân ra khỏi tuyến đường này, ngó ra Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Tôn Thất Tùng, Lê Lai, Cống Quỳnh... đường nào xe hơi cũng chen nhau đậu sát lề, hôm thì bên phải, hôm thì bên trái tùy theo biển báo cho phép. Ra xa chút nữa, các tuyến đường Calmette, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Bến Chương Dương, Pasteur... xe cũng san sát nhau. Hầu như nơi nào không có bảng cấm là giới tài xế cho xe vào đậu. Thậm chí, có bảng cấm... cũng đậu vì "không biết đậu ở đâu" - lời một tài xế. Đậu ở những nơi có bảng cấm, thường tài xế phải ngồi... canh công an hoặc trật tự đô thị đi kiểm tra, hễ thấy bóng hai lực lượng này phải vội vàng... biến! Bằng không, chắc chắn sẽ "ăn ngay một biên bản". Không ít trường hợp tài xế lơ là, nhất là các doanh nhân tự lái xe đi làm ăn, thấy lề trống là tấp vào đậu. Đến khi xong việc quay ra không thấy xe của mình đâu, hỏi thăm mới biết CSGT đi kiểm tra, do không có tài xế đã kêu xe chuyên dùng tới cẩu về đội xử lý! Theo Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, trong năm 2005 CSGT đã xử phạt đến hơn 83.000 trường hợp dừng đậu xe không đúng nơi quy định, là lỗi nhiều thứ hai sau lỗi lưu thông không đúng phần đường. Trong đó, có hàng chục trường hợp xe hơi không có chủ, phải dùng xe chuyên dùng kéo về trụ sở để xử lý...

Nỗi khiếp đảm của giới xế hộp!

8 khu vực được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm

1. Công trường Lam Sơn
2. Công viên Chi Lăng
3. Công viên Bách Tùng Diệp
4. Công viên Lê Văn Tám
5. Khu vực số 116 đường Nguyễn Du
6. Sân vận động Hoa Lư
7. Sân bóng Tao Đàn
8. Khu vực bờ sông Sài Gòn (dọc bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ)

Ngoài chuyện bị CSGT "hỏi thăm sức khỏe", giới chủ xe và tài xế sợ nhất là con xe của mình bị vặt đồ. Thường những con đường ngành giao thông công chính (GTCC) kẻ vạch sơn cho đậu miễn phí là những con đường làm ăn, buôn bán phát đạt, giá một mét vuông mặt tiền tính bằng vàng ròng. Vì thế, việc đậu xe ngay trước mặt tiền các căn nhà kinh doanh làm giới làm ăn khó chịu. Hải, chủ xe cho thuê kiêm luôn tài xế, đang lái cho một doanh nhân Hàn Quốc, kể: Vào đầu tháng 2.2006, khi đưa khách đến khách sạn New World giao dịch, anh đánh xe về đậu sát lề trên đường Tôn Thất Tùng đoạn gần Bệnh viện Phụ sản quốc tế, rồi băng qua đường ngồi uống cà phê chờ khách gọi. Đến khi xong cữ cà phê, quay ra thì hỡi ôi, một chiếc gương chiếu hậu của chiếc Nubira đã bị vặt! Chưa hết bàng hoàng, soi kỹ lại thì mặt kính cửa hông đã bị một vật thể lạ tấn công làm rạn chân chim. Tổng cộng, cả hai hư hỏng hết ngót nghét 2 triệu đồng, mất gần nửa tháng tiền cho thuê xe!

Một kiểu chơi khăm khác mà giới xế hộp luôn khiếp vía là rạch sơn xe. Từ Hà Nội vào TP.HCM công tác, anh Đỗ Hưng, làm ở một hãng bảo hiểm nước ngoài, đánh theo chiếc Lexus 470 láng coóng, trị giá gần 200 ngàn USD. Một lần vào Bưu điện thành phố giao dịch, nhưng sân trước cửa bưu điện đã chật cứng, khu vực đậu xe có thu phí ở Công xã Paris cũng hết chỗ, anh đành phải đánh xe đậu sát lề đường Hàn Thuyên. Hai mươi phút sau khi xong việc quay ra, anh không thể tin nổi vào mắt mình: ai đó đã dùng vật nhọn cày gần chục vết bên thành xe! Hỏi những người bán thiệp gần đó họ đều lắc đầu: không biết. Hưng đành ngậm ngùi đánh xe về Hà Nội bỏ tiền ra sửa.

Cả hai trường hợp trên dù sao cũng xảy ra ở những chỗ đậu xe không thu phí, nghĩa là không có người trông giữ xe và không ai chịu trách nhiệm. Nhưng đậu xe ở những địa điểm có thu phí, có người trông coi cũng chưa chắc an toàn. Trên địa bàn Q.1, thành phố quyết định kẻ ô, khoét lề đường... làm nơi đậu xe có thu phí trên 23 tuyến đường, giao cho Đội quản lý đô thị quận trông giữ và thu phí. Giá thu phí từ đầu năm 2006 là 5.000 đồng/lượt xe. Ông Nguyễn Thế Định, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, cho biết tại các điểm đậu xe có thu phí, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng gương chiếu hậu bị bẻ, thành xe bị rạch... "Trong 23 tuyến đường có nơi đậu xe thu phí, nhiều khu vực trước đây do một nhóm người lạ mặt đứng ra thu tiền trái phép và khả năng chính những người này phá hoại xe của khách. Không chỉ vậy, nhân viên của đội đi thu phí cũng thường xuyên bị những người lạ mặt đến kiếm chuyện như: xịt keo dán sắt vào ổ khóa xe gắn máy của nhân viên, cố tình kiếm cớ va quẹt gây thương tích cho nhân viên... Ngay bản thân tôi cũng bị những người này "khủng bố" qua điện thoại. Có ngày, chỉ từ 22 giờ đến 24 giờ, tôi nhận đến 39 tin nhắn, cuộc gọi chửi bới, hăm dọa..." - ông Định lý giải về hiện tượng xe ô tô tại các bãi thu phí, có người trông coi vẫn bị..."xử".

Bãi đậu xe: Chờ đấy!

Cho đến thời điểm hiện nay, toàn TP.HCM có khoảng 120.000 ô tô con, chưa kể khoảng 6.000 taxi tham gia lưu thông 24/24 giờ. Thế nhưng, cả thành phố không hề có một bãi đậu xe quy mô đúng nghĩa, mà chủ yếu là tận dụng các tầng hầm của nhà cao tầng, một vài bãi đất trống và lòng lề đường rộng, với quy mô khoảng 4.000 xe, không đủ cho taxi đậu. Tình trạng này, Sở GTCC đã nhìn ra và từ giữa năm 2005 đã đề xuất, được UBND TP.HCM chấp thuận quy hoạch 8 khu vực để làm bãi giữ xe ngầm tại khu vực trung tâm. Đến nay, 6/8 khu vực quy hoạch đã tìm được nhà đầu tư và theo kế hoạch, thời gian xây dựng hoàn thành của mỗi công trình kéo dài khoảng 2-3 năm. Tuy nhiên, khi được hỏi bao giờ các công trình này khởi công thì một cán bộ Phòng Quản lý giao thông, Sở GTCC, lắc đầu trả lời: "Bó tay!".

Trong khi đó, việc đăng ký xe ô tô ở thành phố hiện còn thoáng hơn xe gắn máy. Không cần phải hộ khẩu, chỉ cần KT3 và có tiền mua xe là đã có thể đứng tên sở hữu một chiếc xe ô tô. Vì thế, lượng xe ô tô ngày càng gia tăng đến chóng mặt. Ở thời điểm hiện nay, mặc dù rất nhiều "thượng đế" còn chờ với hy vọng sau ngày 1.5 sẽ mua được xe đã qua sử dụng nhập về với giá rẻ, nhưng mỗi ngày cũng có khoảng 100 xe ô tô được đăng ký mới. Nhiều dự báo cho thấy sau ngày 1.5, lượng xe mới bổ sung vào đường phố sẽ rất cao và áp lực thiếu bãi đậu xe càng thêm trầm trọng.

Minh Đức - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.