Mất năng lực hành vi vẫn điều hành các phi vụ phạm pháp lớn

Thoát tội nhờ giấy chứng nhận tâm thần?

09/08/2023 05:34 GMT+7

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc giám định tư pháp xác định tâm thần đối với bị can, bị cáo rất quan trọng. Kết luận giám định chuyên môn này sẽ buộc kẻ phạm tội phải bị trừng trị hoặc có thể bỏ lọt tội phạm, nếu có sai sót.

TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ ĐỂ THOÁT ÁN TỬ

Năm 2021, dư luận bàng hoàng trước thông tin Công an TP.Hà Nội triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần (BVTT) T.Ư 1 do "bệnh nhân" tâm thần Nguyễn Xuân Quý (40 tuổi, ngụ Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu.

Sau đó, vụ án này đã được TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm vào năm 2022, tuyên phạt Quý án tử hình. Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thị Lưu (54 tuổi, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền, BVTT T.Ư 1) lãnh 3 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; các bị cáo còn lại là cựu cán bộ, nhân viên y tế BVTT T.Ư 1, gồm: Nguyễn Minh Huệ (43 tuổi, điều dưỡng viên Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền) và Bùi Thị Hạt (47 tuổi, hộ lý Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền) cùng nhận mức án 5 năm tù về tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…".

Vụ việc gây chấn động trong ngành y, tuy nhiên đây không phải lần đầu tại BV này xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy. Trước đó, đầu tháng 8.2018, Công an TP.Hà Nội khởi tố bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong (cựu Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi) và ông Nguyễn Tuấn Sơn (kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng) vì đã làm hồ sơ bệnh án giả nhằm giúp một đối tượng phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra tháng 8.2019, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt Phong 8 năm tù về tội "nhận hối lộ"; Sơn 24 tháng tù về tội "môi giới hối lộ".

Thoát tội nhờ giấy chứng nhận tâm thần? - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Luật sư (LS) Lê Văn Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho hay, theo quy định của điều 21 bộ luật Hình sự, về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo điều 49 bộ luật Hình sự, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại điều 21 của bộ luật này, viện kiểm sát hoặc tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh; còn đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

LS Hùng cho hay, theo quy định, thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. "Vì quy định tạo điều kiện này, nhiều người tìm mọi cách để có giấy chứng nhận tâm thần, theo khuynh hướng đi chữa bệnh sẽ thoải mái hơn ở tù", LS Hùng nhìn nhận và cho rằng, đây được xem như là "biện pháp giải cứu" nên người phạm tội bằng cách nào đó tạo ra các giấy chứng nhận tâm thần, dù không bị bệnh, nhằm thoát tù tội.

Bên cạnh đó, theo LS Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), bệnh án tâm thần đã đem đến cho các đối tượng phạm tội thêm "cánh cửa" đầy hứa hẹn khác. Cụ thể, đối tượng phạm tội có thể thoát án tử hình nếu được xác định bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. "Đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định trong điều 51 bộ luật Hình sự 2015. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thường được tòa án không áp dụng hình phạt tử hình", LS Nghiêm nêu.

Vì vậy, LS Nghiêm nhìn nhận, có một thực tế rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho thấy nhiều bị can, bị cáo lấy lý do có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, từ đó yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định tâm thần.

GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN ĐANG DỄ DÀNG?

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để người tâm thần chưa hoặc không phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm một phần là của cơ quan giám định khi việc giám định dấu hiệu tâm thần đang khá dễ dàng, và các đối tượng muốn giả tâm thần cũng qua mặt được bác sĩ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Trường, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần T.Ư (Bộ Y tế), cho biết quy trình giám định pháp y hiện được thực hiện theo Thông tư 23/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành.

Để thực hiện giám định cần có các điều kiện về nhân lực và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thuốc theo quy định của Bộ Y tế. Tùy các trường hợp cụ thể, giám định pháp y tâm thần có thể là hồi cứu dựa vào tài liệu của cơ quan trưng cầu; có thể giám định đồng thời trên hồ sơ và tình trạng sức khỏe hiện tại. Việc giám định tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại phục vụ cho công tác tố tụng.

Theo bác sĩ Trường, cơ quan trưng cầu chịu trách nhiệm về hồ sơ, tính pháp lý của tài liệu; cơ quan y tế chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đánh giá sức khỏe người được giám định. Trong trường hợp nghi ngờ hồ sơ giả, cơ quan khác có thẩm quyền, chức năng sẽ xác minh và kết luận.

Với trường hợp người thuộc đối tượng cần giám định giả vờ mắc bệnh tâm thần để tránh chịu trách nhiệm về hành vi do mình gây ra, bác sĩ Trường cho hay, cơ quan giám định pháp y tâm thần có trách nhiệm để đánh giá cá nhân đó. Hiện các phương pháp cận lâm sàng, các biện pháp chuyên môn sẽ đánh giá, xác định người đó có giả vờ mắc tâm thần hay thực sự là người bệnh tâm thần.

Bác sĩ Trường cũng chia sẻ, với các hồ sơ bệnh án tâm thần có kết quả khám do cá nhân tự đi khám tâm thần là tình huống có thể xảy ra, bởi việc đi khám sức khỏe, bao gồm sức khỏe tâm thần này, là quyền của mỗi cá nhân, tương tự như đi khám các bệnh lý khác.

"Tự đi khám là quyền của họ, còn trưng cầu là do bên cơ quan tố tụng. Về chuyên môn, quá trình giám định thực tế, chúng tôi sẽ có các biện pháp chuyên môn để đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của cá nhân do cơ quan trưng cầu yêu cầu giám định", bác sĩ Trường nói. 

Theo Thông tư 23/2019/TT-BYT, hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định do người trưng cầu hoặc người yêu cầu giám định cung cấp. Hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định sức khỏe tâm thần sẽ được gửi trước tới tổ chức pháp y tâm thần để nghiên cứu, xem xét quyết định việc giám định. Tổ chức pháp y tâm thần chỉ tiến hành tiếp nhận đối tượng giám định và tổ chức giám định khi nhận đủ hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.

Giám định pháp y tâm thần còn có quá trình theo dõi đối tượng giám định. Đối tượng giám định được đưa vào buồng theo dõi và trường hợp cần thiết phải theo dõi bằng camera. Giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép đầy đủ, trung thực mọi diễn biến của đối tượng giám định vào bệnh án theo dõi giám định pháp y tâm thần. Thời gian theo dõi giám định tối đa là 6 tuần với một đối tượng giám định.

Trường hợp cần kéo dài thời gian theo dõi giám định, giám định viên tham gia giám định thống nhất báo cáo thủ trưởng tổ chức pháp y tâm thần để xem xét quyết định việc kéo dài thời gian theo dõi và thông báo cho cơ quan trưng cầu hoặc cá nhân yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do, nhưng thời gian kéo dài không quá 3 tuần.

Trường hợp cần điều trị cho đối tượng giám định, đối tượng giám định sẽ được tổ chức pháp y tâm thần hội chẩn theo quy định của Bộ Y tế và thống nhất hướng điều trị...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.