2.000 giám đốc ngân hàng sẽ có quyền 'xiết nợ'?

26/05/2017 19:59 GMT+7

Nghị quyết xử lý nợ xấu có phải là một sự ưu ái đối với ngành ngân hàng hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu 2.000 giám đốc ngân hàng, chi nhánh có quyền ký quyết định trưng dụng, thu giữ tài sản?

Một loạt các câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận tổ chiều 26.5 về Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng. Đến nay dự thảo Nghị quyết đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu tại phiên họp 4.2017 và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14.
Đại biểu Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP.HCM bày tỏ băn khoăn về tính hợp hiến, tính liên quan các luật khác của nghị quyết này. Theo đại biểu Châu, nghị quyết có một số điểm mâu thuẫn một số luật như Bộ luật Dân sự, Tố tụng dân sự, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Thi hành án dân sự, luật Thuế… “Nghị quyết cũng cần được xem xét thận trọng để tránh việc một số đơn vị, cá nhân lợi dụng trục lợi hoặc thoát trách nhiệm lẽ ra phải chịu về vấn đề này thời gian qua”, đại biểu Châu nói.
Về phạm vi thời hạn các khoản nợ xấu cần xử lý đại biểu Châu đề nghị chỉ điều chỉnh đối với những khoản nợ xấu phát sinh đến 31.12.2016 và quy định thời hạn áp dụng Nghị quyết là 5 năm kể từ 1.7.2017.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, với nội dung như hiện nay thì tính khả thi của nghị quyết không cao vì sẽ có những mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ vì sao đã thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC để giải quyết nợ xấu nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng lớn. “Chính phủ đã đưa ra lý do vướng quy định của pháp luật. Vướng thì ra Nghị quyết để xử lý là đúng. Nhưng tính khả thi không cao chính là tài sản thế chấp, khả năng thu hồi nợ xấu thông qua tài sản thế chấp còn không? Còn bao nhiêu phần trăm khả năng thu hồi đến đâu”, đại biểu Quyết Tâm đặt câu hỏi.
2.000 giám đốc ngân hàng sẽ có quyền “xiết nợ”?
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM bày tỏ sự quan tâm về quyền thu giữ tài sản đảm bảo quy định tại Nghị quyết. “Thực thi việc này phải có công quyền. Giờ 2.000 ông giám đốc các ngân hàng, chi nhánh, hội sở có quyền ký một cái là đi trưng dụng tài sản, thu giữ tài sản là không ổn”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, nghị quyết phải tôn trọng pháp luật hiện hành, có thể rút gọn các thủ tục nhưng phải tôn trọng và sử dụng các cơ quan công quyền hợp pháp trong việc trưng dụng tài sản. “Nếu để các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẻ ra một bộ máy thay cho công quyền đi trưng dụng các tài sản thì trật tự xã hội sẽ có vấn đề”, ông Quốc nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Chính phủ cần phải giải trình rõ tình hình nợ xấu hiện nay như thế nào để các đại biểu Quốc hội có thể hình dung được. Các thông tin cần làm rõ như: phân loại nợ xấu, tài sản, nguyên nhân, tình trạng sở hữu chéo...
Đại biểu Ngô Minh Châu Ảnh Ngọc Thắng
Cần giám sát việc thực hiện Nghị quyết
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đặt câu hỏi: “Có phải nghị quyết này dành sự ưu ái với ngành ngân hàng không? Liệu ngành ngân hàng có lợi dụng nghị quyết này để biến các khoản nợ quá hạn thành nợ xấu không?”.
Đại biểu Khuê cho biết, ông rất lo lắng điều này vì khả năng nghị quyết bị lợi dụng là nằm trong tầm tay do vậy cần mổ xẻ thấu đáo vấn đề. “Hoàn toàn có khả năng kẽ hở bị khai thác dẫn đến tháo gỡ không được lại tạo thành vòng luẩn quẩn nợ xấu tiếp theo”, ông Khuê bày tỏ.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) việc Quốc hội ra Nghị quyết này là vì lợi ích của xã hội, nhân dân, còn lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức có liên quan thì đã có pháp luật hiện hành. “Quốc hội không có trách nhiệm ra nghị quyết đặc thù để hỗ trợ những người đó, vì sẽ không công bằng, hợp lý”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, có nhiều loại nợ xấu và do nhiều nguyên nhân. Ví dụ có nợ xấu “hợp pháp” có nguyên nhân khách quan và cũng có nợ xấu “bất hợp pháp” do tiêu cực hay tham nhũng của cán bộ ngân hàng. Do đó việc xác định ngân hàng nào, khoản nợ nào thuộc diện áp dụng của nghị quyết này là hết sức cần thiết. “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải trình ra Quốc hội các chi tiết này để đưa vào nghị quyết”, ông Nghĩa nói.

tin liên quan

‘Giải phóng’ nợ xấu, thông vốn cho kinh tế
Theo các chuyên gia, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nếu được thông qua sẽ tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong xử lý nợ tồn đọng nhiều năm nay trong hệ thống ngân hàng.
Ông Nghĩa cho rằng Quốc hội cần có nghị quyết riêng giao cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu. Đồng thời Quốc hội phải giám sát việc thi hành nghị quyết. “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần soạn thảo Đề án chi tiết thực hiện nghị quyết để các Ủy ban của Quốc hội theo dõi, giám sát và Quốc hội phải quy định về tính giải trình”, ông Nghĩa nói.
Cần minh bạch hoá nguyên tắc, phương pháp xác định nợ xấu
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị loại bỏ trong dự thảo việc nguyên tắc, phương pháp xác định nợ xấu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo bà Tâm, giải quyết nợ xấu là giải quyết tồn đọng của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng nhưng nguyên tắc theo Ngân hàng Nhà nước là không ổn.
“Đề nghị nguyên tắc, phương pháp xác định nợ xấu này do Chính phủ trình Quốc hội kèm theo phụ lục để đảm bảo công khai minh bạch. Nếu quy định như hiện tại có nghĩa là Quốc hội quyết nhưng không biết mình đang quyết nội dung gì. Điều đó hoàn toàn thì không chấp được”, đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.