Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình

09/10/2017 15:46 GMT+7

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình sớm nhất là 1 giờ sáng 10.10, muộn là 7 giờ, với sức gió mạnh cấp 7, thời gian ngắn tăng lên cấp 8.

Chiều nay (9.10), Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh Trung bộ yêu để triển khai khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết hiện có nhiều thông tin dự báo khác nhau về khả năng mạnh lên thành bão của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Cụ thể, cơ quan khí tượng của Nhật Bản và Mỹ cho rằng, trong thời gian ngắn nữa, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên cấp 8 nhưng khi vào bờ giảm còn cấp 7. Cơ quan dự báo của Mỹ nhận định vùng ảnh hưởng của bão là từ Nghệ An đến Hà Tĩnh.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Hồng Kông nhận định, áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão, khi vào bờ vẫn mạnh cấp 7, giật cấp 9 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương cho rằng, áp thấp nhiệt đới sẽ tiếp tục di chuyển chậm với vận tốc 20 - 25 km/giờ theo hướng tây, sau chuyển tây tây bắc.
Đáng chú ý, theo ông Hoàng Đức Cường, quan sát ảnh mây vệ tinh thì xoáy đã hình thành rõ và có dấu hiệu mạnh lên thành bão. Dự kiến, bão sẽ đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình sớm nhất là 1 giờ sáng mai (10.10),  muộn là 7 giờ cùng ngày với sức gió mạnh cấp 7, thời gian ngắn tăng lên cấp 8.
Không để xảy ra sự cố hồ, đập do mưa lớn
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh rút kinh nghiệm từ bão số 10, những địa phương tâm bão không đổ bộ trực tiếp nhưng lại có thiệt hại nghiêm trọng do triều cường, nên các địa phương phải xây dựng phương án, ứng phó với tình huống này.
Theo ông Thắng, dù công tác dự báo của quốc tế và Việt Nam còn có khác nhau, có dự báo mạnh lên thành bão, có dự báo chỉ ở mức áp thấp nhiệt đới, nhưng công tác ứng phó cũng không được chủ quan. "Mục tiêu là giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân”, ông Thắng yêu cầu.
Ông Thắng cũng cảnh báo dù là ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hay bão thì thì hoàn lưu của nó đều sẽ gây ra đợt mưa trên lớn trên diện rộng ở các tỉnh Trung bộ. Đây cũng là khu vực vừa trải qua đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 10, phần lớn các hồ, đập đã đầy nước. Nhìn từ hậu quả vụ vỡ đập hồ Gia Hoét (Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa qua, dù dung tích nhỏ nhưng khi xảy ra sự cố gây ra nhiều thiệt hại, ông Thắng đề nghị các tỉnh phải coi đó là bài học để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ đập trong đợt mưa lớn sắp tới, không để xảy ra các sự cố.
Đối với các phương tiện đang còn hoạt động trên vùng biển có gió mạnh, sóng lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ông Thắng yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu, thuyền vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.