Cán bộ phải chứng minh 'tài sản trong sạch'

29/10/2016 07:47 GMT+7

Tại phiên làm việc hôm qua, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án.

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật.
Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh tài sản trong sạch, nếu không chứng minh được thì tài sản đó do tham nhũng mà có
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Trong khi đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu: có ý kiến cho rằng khoản 3, điều 37 luật Phòng chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”, nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nhiều vụ án được phán xét rất nghiêm khắc làm nức lòng nhân dân nhưng tài sản thu được không đáng là bao so với thất thoát. “Cán bộ công chức có tài sản phải chứng minh tài sản trong sạch, nếu không chứng minh được thì tài sản đó do tham nhũng mà có”, ĐB Sinh kiến nghị.
Chia sẻ ý kiến này, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng 10 năm qua, việc thu hồi tài sản từ các vụ án chỉ đạt 8% so với số tiền tham nhũng phát hiện. Đó là do kê khai tài sản còn hình thức, không đầy đủ, thiếu trung thực. ĐB Diến nói: “Theo tôi, cần khắc phục thực trạng trên, đồng thời phải thu hồi tài sản của đối tượng trực tiếp tham nhũng, cần thu hồi cả tài sản của người trực tiếp quản lý, người được hưởng lợi do người thân, cấp dưới gây ra”.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng Chính phủ báo cáo số vụ vi phạm tăng nhưng xử lý lại giảm, đặc biệt trong 12 lĩnh vực có vi phạm pháp luật phức tạp, đa dạng, nổi cộm như giao thông, xây dựng, môi trường, đất đai... thì tình hình xử phạt lại giảm cả số vụ và số tiền. Qua đó cho thấy các cơ quan thiếu quan tâm, thiếu phối hợp chặt chẽ, để lọt tội phạm. Có vụ việc qua kết luận kiểm tra, thanh tra có dấu hiệu tội phạm tham nhũng nhưng nhiều cấp chỉ xử lý hành chính. “Công tác xử lý tội phạm tham nhũng không nghiêm, thiếu đồng bộ. Người dân cảm thấy chưa yên tâm với cách xử lý như vậy”, ĐB Học đặt vấn đề.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ “thực sự hết sức băn khoăn” và đặt vấn đề tại sao chúng ta “có đầy đủ thể chế, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy chặt chẽ, Đảng và Nhà nước quan tâm mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm của pháp luật”.
Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, Ủy ban Tư pháp đánh giá, vẫn chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước cho thấy năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận 115 cuộc kiểm toán, phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính 14.781,9 tỉ đồng nhưng không phát hiện tham nhũng. Qua công tác thanh tra đã ban hành 138.953 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 13.075 tỉ đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 69 vụ/107 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó có 49/95 vụ đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.