Cân nhắc việc lập 'siêu' phố đi bộ

25/03/2017 06:25 GMT+7

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng việc quy hoạch phố đi bộ là cần thiết với những TP lớn như TP.HCM, nhưng quy hoạch cả một khu vực lớn thành phố đi bộ thì cần cân nhắc, nhằm tránh lãng phí và xáo trộn đời sống người dân.

Hôm qua 24.3, Sở GTVT TP.HCM nghe Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường đại học Việt Đức, đơn vị được giao lập đề án nghiên cứu các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP.HCM, báo cáo. Trước đó, Sở GTVT giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư nghiên cứu dự án này.
Ảnh: Bạch Dương

221 ha khu trung tâm thành phố đi bộ
Theo báo cáo, dự kiến khu phố đi bộ ở trung tâm có chu vi 7,35 km, tổng diện tích là 221 ha bao gồm các đoạn trên tuyến đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở Q.1.
Nên giao Sở QH-KT thực hiện
Theo TS Phạm Sanh, việc lập phố đi bộ là vấn đề về kinh tế đô thị, xã hội, quy hoạch, nên nếu chỉ giao cho Sở GTVT xây dựng đề án thì chưa hợp lý. “Các nước trên thế giới khi làm sẽ giao cho chính quyền địa phương cùng sở kiến trúc, sở quy hoạch thực hiện. Và họ cũng chỉ đích danh một vị kiến trúc sư trực tiếp chịu trách nhiệm”, ông Phạm Sanh nói.

Không gian phố đi bộ được xác định nằm trong khu vực có nhiều công sở, công trình văn hóa như trụ sở UBND TP, TAND TP, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, công viên Tao Đàn, Nhạc viện TP, Nhà hát lớn TP, Thảo Cầm viên, Đại học Y Dược, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,... Sau khi hình thành, các phương tiện cá nhân sẽ không được phép đi vào khu phố đi bộ, nhằm để người dân và khách tham quan ra vào khu vực đi bộ thuận tiện, an toàn. TP sẽ bố trí một số bãi đậu xe trên các đường xung quanh như đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cảnh, đồng thời sẽ tổ chức xe công cộng như xe buýt điện, monorail để vận chuyển hành khách ra vào khu phố đi bộ.
Trong buổi báo cáo hôm qua, đề án xác định một số nhiệm vụ nghiên cứu chính như khảo sát điều tra, xây dựng mô hình giao thông, xác định được các vùng phát sinh chuyến đi bộ tương lai; đồng thời tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm quy hoạch tổ chức phố đi bộ của các TP tiên tiến trên thế giới như Copenhagen, London, New York…; đánh giá các tác động giao thông, kinh tế - xã hội và môi trường của đề án; tổ chức phỏng vấn lấy ý kiến người dân và chuyên gia, tham vấn các bên liên quan; lập quy hoạch chi tiết và kế hoạch triển khai thực hiện các tuyến phố đi bộ; ước tính kinh phí và xác định các khung phối hợp thực hiện.
Trước mắt, Sở GTVT TP.HCM sẽ định hướng ưu tiên chọn một số tuyến đi bộ có điều kiện như đường Nguyễn Huệ (đã đưa vào sử dụng) kết nối với đường Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, Lê Lợi... Trong tương lai, khu vực này sẽ đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Thời gian đầu chỉ đi bộ vào các buổi tối thứ bảy, chủ nhật, các ngày lễ, sau đó sẽ tăng thêm thời gian và dần dần tiến tới đi bộ các ngày trong tuần.
Chưa nước nào dám làm
Hầu hết các chuyên gia đều không đồng tình với đề án quy hoạch trung tâm TP thành khu đi bộ. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông vận tải TP.HCM, nêu quan điểm: Ý tưởng của đề án là giúp TP có nhiều khu vực đi bộ, tạo một môi trường thân thiện và cải thiện tình trạng ách tắc giao thông. Tuy nhiên, nếu đề án được thực hiện thì sẽ đẩy cảnh kẹt xe, ách tắc từ chỗ này qua chỗ khác. Không được đi trong khu vực trung tâm, xe cộ phải dạt hết về phía quận 4, 7... vốn đã không thông thoáng gì. Như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt giao thông. “Dự tính xây dựng các bãi xe cũng không thể có đất làm. Một đường đi bộ Nguyễn Huệ thôi đã nảy sinh ra biết bao nhiêu vấn đề về hạ tầng, giao thông, nay làm nguyên cả một khu vực 221 ha thì TP làm sao chịu nổi. Quy mô đi bộ như vậy, chưa nước nào trên thế giới dám làm. Ngay cả Mỹ, vào những năm 1950 - 1960, nước này tổ chức quy hoạch khoảng 100 khu vực đi bộ thì cho đến bây giờ chỉ còn 11 khu vực. Mà để xây dựng một khu phố đi bộ như vậy, các nước cũng cần phải có lộ trình từ nhỏ đến lớn, có thí điểm dần dần chứ không ai làm một lần 221 ha hết", TS Phạm Sanh nói.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM, nói thẳng “TP không nên quy hoạch vùng đi bộ mà chỉ nên quy định phố đi bộ”. Ông Ninh đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người dân nếu đề án được triển khai. Theo ông, những con đường xưa nay vốn thu hút khách du lịch như Bùi Viện, Lê Duẩn thì nên có những quy định phù hợp để tạo không gian vui chơi, đi bộ thoải mái cho du khách. Tuy nhiên, quy hoạch cả một khu lớn như vậy không chỉ gây lãng phí những con đường nằm trong quy hoạch nhưng không có tầm ảnh hướng lớn tới nhu cầu đi bộ của du khách, mà còn gây nhiều khó khăn cho đời sống của người dân. Ông Ninh đề nghị TP nên có nhiều buổi tọa đàm tham khảo ý kiến của các chuyên gia giao thông, chuyên gia xã hội, làm sao có những phương án quản lý vừa giúp dân yên ổn, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Khu vực được đề xuất nghiên cứu thành khu đi bộ của TP Đồ họa: Hồng Sơn

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận các TP lớn đều phát triển phố đi bộ, tuy nhiên cần tính cho kỹ, có lộ trình cụ thể và đặc biệt đã làm phải làm triệt để. “Không thể vội vã chuyển phố đang hoạt động giao thông thành phố đi bộ được. Các nhà hàng, khách sạn, ngân hàng lớn đều tập trung ở đây, không cho xe đi vào thì làm sao họ kinh doanh được? Làm gì có khách sạn nào đón khách mà cho xe thả khách ở đầu đường rồi đi bộ vào cả ki lô mét? Chính vì thế, nếu quyết định làm, TP cần có những phương án linh hoạt như quy định ban ngày đi bộ, ban đêm cho xe lưu thông như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Hoặc nếu có thể, TP quy hoạch xây đường hầm cho xe lưu thông phía dưới, người đi bộ đi phía trên. Đây cũng là sai lầm khi chúng ta không xây dựng tuyến đường hầm trên đường Nguyễn Huệ hiện nay. Chính vì thế, cải thiện được hơn thì làm, còn không thì đừng tiếp tục đi theo vết xe đổ”, ông Hòa đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.