Công bố bản án lên mạng

Các bản án có hiệu lực, các quyết định của tòa sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án để mọi người dân đều có thể tiếp cận, thậm chí bình luận.

Đó là nội dung và tinh thần Nghị quyết 03/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hiệu lực từ 1.7.2017.
Dân tham khảo, giám sát
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án là động thái hết sức tích cực trong thực hiện cải cách tư pháp, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc TAND xét xử công khai đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Theo ông Hải, việc này sẽ giúp người dân được tiếp cận, biết và hiểu được công tác xét xử của tòa án, hiểu được bản chất của vụ việc và đường lối giải quyết của tòa.


Mỗi bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của TAND TP.HCM sẽ có phần bình luận của người xem, giống như là một cách phản biện. Từ đó, tòa sẽ đối chiếu, kiểm tra các quy định pháp luật để xem thẩm phán ban hành bản án, quyết định có phù hợp hay không

Ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng TAND TP.HCM


"Đây là nền tảng quan trọng để thực thi nguyên tắc các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời cũng giúp người dân kịp thời phát hiện những bản án, quyết định chưa phù hợp để yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét lại", ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, thông qua việc công khai đường lối xử lý một vụ việc cụ thể cũng giúp người dân tham khảo, có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc tự giải quyết những vụ việc tương tự của mình mà không cần thiết phải có sự tài phán của tòa án, giảm thiểu tranh chấp trong xã hội, chi phí không cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho rằng việc công bố bản án, quyết định của tòa án còn giúp các cơ quan nhà nước có được thông tin đầy đủ hơn về kết quả áp dụng pháp luật, thấy được những vấn đề còn bất cập, vướng mắc để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ, luật sư Phan Thông Anh, Phó trưởng Cơ quan đại diện phía nam - Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng các bản án, quyết định được công bố có ý nghĩa quan trọng để luật sư và những người tham gia tố tụng tham khảo về đường lối xét xử. "Đây cũng là bước cơ bản để tòa án xem xét, lựa chọn và tổng hợp đưa ra các án lệ trong tương lai", ông Phan Thông Anh nói.
Mã hóa thông tin trước khi công bố
Liên quan đến bản án, quyết định được công bố, có luồng ý kiến cho rằng việc công bố các bản án, quyết định của tòa sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan trong bản án. Tiến sĩ, luật sư Phan Thông Anh cho rằng theo nguyên tắc tòa án xét xử công khai, bản án cũng công khai nên nếu không thuộc các trường hợp cấm công bố theo Nghị quyết 03/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì tòa án có quyền công khai bản án, quyết định, phù hợp với các quy định tố tụng.
Theo ông Phan Thông Anh, thực tế cũng có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức không muốn công khai các thông tin, nhất là những vụ việc tranh chấp vì sợ ảnh hưởng uy tín, danh dự, đặc biệt là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một khi đã ra tòa xét xử thì các đương sự phải chấp nhận. "Nếu không muốn công khai, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn hình thức tài phán trọng tài thương mại để giải quyết", ông Phan Thông Anh nói.
Vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết nghị quyết của Hội đồng thẩm phán đã quy định rõ những trường hợp không được công bố. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng quy định bản án phải được mã hóa thông tin trước khi công bố. Theo đó, các thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thông tin khác liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được mã hóa. Như vậy, việc công khai các bản án, quyết định của tòa sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến các đương sự.
Ông Thái Văn Tuấn, Chánh văn phòng TAND TP.HCM, cho biết thêm: “Việc mã hóa này không được làm thay đổi nội dung bản án, quyết định. Ví dụ, ông Nguyễn Văn Huy sẽ được mã hóa bằng ông A, Công ty TNHH Bình Minh sẽ được thay bằng Công ty TNHH B... Tuy nhiên, tên những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, địa danh hành chính tỉnh, TP trực thuộc T.Ư không được mã hóa”.

tin liên quan

Có án lệ 'đỡ cãi nhau'
TAND tối cao đang xây dựng tuyển tập dự thảo án lệ với khoảng 30 bản án, quyết định, dự kiến sẽ đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại hội thảo vào những ngày tới.
Xem bình luận để biết năng lực thẩm phán
Theo ông Tuấn, việc mã hóa thông tin tên, địa chỉ cá nhân, cơ quan và tổ chức hoặc những thông tin khác về họ là đảm bảo quyền lợi cho đương sự, bị cáo... Còn việc giữ nguyên tên những người tiến hành tố tụng là cách buộc các thẩm phán phải hoàn thiện năng lực cũng như nghiệp vụ trong xét xử.
Theo đó, các thẩm phán khi xét xử và viết án phải cân nhắc, thận trọng câu chữ, ngữ pháp và cách phân tích, lập luận, đánh giá tình tiết vụ án. Hơn nữa, việc công khai bản án còn là mục đích để toàn dân được giám sát, kịp thời phát hiện và phòng ngừa vi phạm, tham nhũng trong thụ lý, giải quyết và xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa cũng như tăng cường tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân khi xét xử.
Số hóa hồ sơ tại TAND TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

“Các bản án, quyết định của tòa có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây mới công bố trên cổng thông tin điện tử. TAND TP.HCM đang theo dõi chặt chẽ số liệu các bản án, quyết định sẽ có hiệu lực từ 1.7 và hướng dẫn cho các thẩm phán ban hành bản án, quyết định việc mã hóa và chính thẩm phán phải chịu trách nhiệm trong việc mã hóa thông tin. Khi bản án, quyết định đã được mã hóa thông tin theo quy định, được chuyển lên TAND TP thì văn phòng sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra công tác mã hóa của thẩm phán xác nhận bản án, quyết định này có được công bố hay không”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng chia sẻ mỗi bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của TAND TP.HCM sẽ có phần bình luận của người xem, giống như là một cách phản biện. Từ đó, tòa sẽ đối chiếu, kiểm tra các quy định pháp luật để xem thẩm phán ban hành bản án, quyết định có phù hợp hay không. “Đây chính là kênh thông tin chính thống để người dân, lãnh đạo tòa TP đánh giá được năng lực của thẩm phán”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bản án, quyết định không công bố
(điều 4 Nghị quyết 03)
1. Bản án, quyết định về vụ việc được xét xử kín.
2. Bản án, quyết định về vụ việc được xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN VN;
b) Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;
c) Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;
d) Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
đ) Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại điều 7 của nghị quyết này;
3. Bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.