“Đừng biến QH thành cây cảnh”
Theo ông Nguyễn Như Du, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Văn phòng Quốc hội (QH), khoảng thời gian trước ĐH Đảng 6 (1986), việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng bước đầu được chuẩn bị.
Lúc đó, các cán bộ Văn phòng QH chưa biết nhiều thông tin về đường lối đổi mới, chỉ mới được phổ biến, hướng dẫn một số điểm sơ bộ về vấn đề này để chuẩn bị một số văn bản đổi mới hoạt động của QH. Dự thảo văn bản được gửi xin ý kiến một số vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Một hôm, Vụ Hành chính - Tổng hợp nhận được ý kiến ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, về vấn đề tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, đề cao vai trò của cơ quan dân cử, trong đó nhấn mạnh: “Đừng biến QH thành cây cảnh”...
Ngày 17.6.1987, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất QH khóa 8, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc bài diễn văn quan trọng, có đề cập đến nhiệm vụ trong việc thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng 6, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bài học lấy dân làm gốc…
Tổng bí thư chỉ rõ: “Tất cả những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định về mặt nhà nước phải được đưa ra QH, Hội đồng Nhà nước (HĐNN), bàn bạc dân chủ trước khi có nghị quyết chính thức, tuyệt đối không đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách là thụ động biểu quyết thông qua”.
Theo ông Vũ Mão, tư duy đổi mới trong quan hệ giữa Đảng với QH mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng lúc đó có thể xem là Đảng “bật đèn xanh” cho QH đổi mới và Đảng đặt QH đúng vào vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, không can thiệp quá sâu vào công việc của QH.
Ông Vũ Mão cho rằng, không phải tất cả các tư tưởng đổi mới đối với QH đều làm được, song tinh thần và tư tưởng đổi mới đã đem lại một số kết quả nhất định, tiêu biểu nhất lúc đó là cuộc bầu cử có tính chất cạnh tranh giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt.
Tranh luận nảy lửa
Ngày 10.3.1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng đột ngột từ trần. Khi đó, Phó chủ tịch thứ nhất HĐBT Võ Văn Kiệt được giao nhiệm vụ quyền Chủ tịch HĐBT. Tại kỳ họp thứ 3, QH khóa 8 (tháng 6.1988), QH bầu Chủ tịch HĐBT mới. Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lúc đó giới thiệu ông Đỗ Mười và trên cơ sở đó, Hội đồng Nhà nước (HĐNN) giới thiệu với QH bầu ông Đỗ Mười làm Chủ tịch HĐBT. Lúc bấy giờ, ông Đỗ Mười là Thường trực Ban Bí thư và từng là Phó chủ tịch HĐBT nhiều năm.
Tất cả các đoàn ĐBQH đồng thuận với sự giới thiệu của HĐNN nhưng đồng thời có tới 37/43 đoàn (lúc đó có tổng cộng 43 đoàn ĐBQH, không phải 63 đoàn như bây giờ) giới thiệu thêm ứng viên nữa để QH quyết định, đó là quyền Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt. “Khi đó tôi là Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp có trách nhiệm tập hợp đầy đủ và trung thực ý kiến các đoàn ĐBQH để báo cáo các đồng chí lãnh đạo về tình hình trên”, ông Vũ Mão cho biết.
Theo ông Vũ Mão, khi giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, các ĐBQH phía nam thể hiện thái độ ủng hộ mạnh mẽ, rất tâm huyết, say sưa. Bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo), lúc đó là Giám đốc Công ty kinh doanh lương thực TP.HCM, đã nói trước QH “tha thiết đề cử ông Võ Văn Kiệt vì đồng chí Võ Văn Kiệt rất tiêu biểu, kiên cường...”. “Thậm chí, bà Ba Thi còn nói đến mức: Nhân dân miền Nam, nhất là Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Chúng tôi chỉ biết ông Võ Văn Kiệt thôi”, ông Vũ Mão kể lại.
Ý kiến của bà Ba Thi bị ĐBQH Nguyễn Thị Kim Đính, Chủ tịch Liên hiệp xã Hải Hưng, phản đối. Bà Đính cho biết đồng tình có 2 ứng viên để lựa chọn, thể hiện đổi mới dân chủ nhưng không đồng ý cách nói của bà Ba Thi, “vì nếu nói vậy chúng tôi cũng có thể nói miền Bắc chỉ biết anh Đỗ Mười thôi. Thì đó đâu phải tinh thần Tổ quốc thống nhất”.
ĐBQH Lý Chánh Trung cho rằng, việc để 2 ứng cử viên là đúng, còn bầu cho ai là quyền của các đại biểu. “Theo ông Chánh Trung, là một đất nước thống nhất, độc lập, dân chủ thì phải có tranh cử, cho nên cần ủng hộ chuyện có 2 ứng viên”, ông Vũ Mão nhớ lại và cho biết, lúc đó Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh hơi ngỡ ngàng, vì đây là điều chưa từng có trong nghị trường. Tuy vậy, tại cuộc họp của Bộ Chính trị để thảo luận về đề xuất trên của các đoàn ĐBQH, Tổng bí thư đã bày tỏ ủng hộ và thuyết phục Bộ Chính trị đồng ý nguyện vọng của đa số ĐBQH về việc muốn có 2 ứng cử viên để bầu. “Thời điểm ấy cũng là lúc ông Võ Văn Kiệt đi công tác nhưng ngay sau khi về, ông Kiệt đã dứt khoát xin rút với lý do là đảng viên, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị phải chấp hành nghị quyết của Đảng”, ông Vũ Mão kể.
Vấn đề này được thảo luận sôi nổi ở phiên họp toàn thể của QH. “Cuộc thảo luận này, nói chính xác là cuộc tranh luận nảy lửa. Tôi nghĩ rằng đây là đỉnh cao trong sinh hoạt dân chủ ở QH VN”, ông Vũ Mão đánh giá. Chiều 22.6.1988, QH bỏ phiếu, kết quả ông Đỗ Mười thắng cử với 63% số phiếu tán thành, ông Võ Văn Kiệt được 37%.
Sau ngoại lệ này, còn có việc một bộ trưởng Bộ GTVT, một thống đốc Ngân hàng Nhà nước không được giới thiệu vào danh sách thành viên Chính phủ để được QH phê chuẩn. Tổng kiểm toán đầu tiên của Kiểm toán Nhà nước cũng không phải là ứng viên được giới thiệu.
Theo ông Vũ Mão, sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn. Mặc dù Đảng không chủ trương tranh cử nhưng tình hình tiến triển từ tiến trình đổi mới dân chủ sau ĐH 6 chứng tỏ sự nghiệp Đổi mới đang đi vào thực chất, với việc dân chủ từng bước được thực hiện. Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao nền chính trị của VN vì chưa từng có nước XHCN nào dám đưa 2 ứng viên cho một chức danh quan trọng như vậy. Đặc biệt, đây là sự kiện chứng minh QH đã và đang đổi mới theo hướng không phải là “cây cảnh”, như cách nói của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tuy nhiên, ông Vũ Mão nhìn nhận: Sự kiện hy hữu này vẫn chưa được tổng kết, đánh giá để sau này có thể có cơ chế hợp lý cho tranh cử. Làm được điều đó, ta sẽ có điều kiện rất tốt để nói với thế giới, rằng tuy chỉ có một chính đảng nhưng chúng ta cũng có tranh cử trong nội bộ giữa những người ngang sức, ngang tài. “Đó là điều thực sự rất đáng tiếc”, ông Vũ Mão bày tỏ. (Còn tiếp)
Bình luận (0)