Đốt xe sau khi bị CSGT thổi: Người tự đốt có thể bị xử lý hình sự

29/11/2016 13:30 GMT+7

Người tự đốt xe máy vì không “xin” được lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) bỏ qua lỗi vi phạm có thể bị khởi tố hình sự về tội danh tương ứng.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hiệp (33 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị CSGT, Công an thành phố Phủ Lý xử phạt lỗi điều khiển xe máy sai làn đường trên Quốc lộ 1A (đoạn từ vườn hoa Phủ Lý đi qua ngã tư Biên Hòa, thuộc thành phố Phủ Lý).
Khi tổ CSGT ra tín hiệu dừng xe vi phạm, người này đã nhận lỗi của mình. Tuy nhiên, sau một hồi “xin” không được, ông Hiệp bắt đầu có ngôn ngữ thiếu kiềm chế với tổ CSGT và tự tháo vòi xăng rồi bật lửa đốt chiếc xe máy của mình.
Có thể bị khởi tố hành vi đốt xe
LS Nguyễn Trí Đức, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định pháp luật dân sự mọi người đều có quyền tự định đoạt về tài sản riêng của mình. Tuy nhiên, hành động đốt xe của ông Nguyễn Văn Hiệp được xem là hành vi xâm hại đến trật tự công cộng và có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật hình sự.
Bên cạnh đó, tại thời điểm vi phạm, phương tiện là tang vật và là cơ sở để lực lượng CSGT có thể tiến hành lập biên bản sự việc vi phạm hoặc tạm giữ phương tiện để xử lý vi phạm. Do đó, hành vi đốt xe của ông Hiệp đã trực tiếp gây cản trở cho người đang thi hành nhiệm vụ, nên có thể khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 257, Bộ luật hình sự.
“Theo đó, tại Khoản 1 điều 257, của Bộ luật hình sự quy định, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, LS Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh.
Ngoài việc tự ý đốt xe, LS Nguyễn Trí Đức nhận định thêm, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm thì không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm liên quan đến tài sản bị hủy hoại. Tuy nhiên, nếu phương tiện thuộc sở hữu của người khác, đối tượng sử dụng do đi mượn, hoặc thuê, trị giá thiệt hại trên 2 triệu đồng thì còn có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.
“Đốt xe” là phản ứng mang tính tiêu cực
Theo TS Phạm Sanh, Chuyên gia giao thông nhận định, căn cứ vào các thông tin liên quan đến vụ việc trên và các quy định của pháp luật hiện hành, thì hành vi tự ý đốt phương tiện giao thông tại nơi công cộng, trước mặt lực lượng CSGT khi lực lượng này đang tiến hành xử lý vi phạm liên quan đến việc điều khiển phương tiện là phản ứng mang tính tiêu cực của người tham gia giao thông. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà trong mọi trường hợp, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
“Thực tế, việc tự ý đốt cháy xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ, chưa kể gây cản trở đến quá trình thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu không xử lý kịp thời, hành động đốt xe nơi công cộng có thể gây ra nhiều hệ lụy hoả hoạn, cháy nổ tài sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người xung quanh", TS Phạm Sanh nhận định và nói thêm: "Chính vì thế, lực lượng chức năng cần phải xác minh, làm rõ xử lý nghiêm để đảm bảo duy trì trật tự xã hội. Tuy nhiên, khi xử lý cần xem xét thận trọng cả nguyên nhân dẫn đến sự việc để có biện pháp xử lý phù hợp, thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật”.
TS Phạm Sanh còn cho biết thêm, nếu như trong trường hợp ông Hiệp còn có hành vi lăng mạ, xúc phạm lực lượng CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ, thì cơ quan chức năng sẽ xem xét toàn diện về thái độ của người vi phạm và các mặt như nguyên nhân sự việc, hành vi vi phạm, hậu quả gây ra cho xã hội, tính chất nghiêm trọng của vụ việc... để từ đó có thể quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.