'Giám sát' thủ tục hành chính công

Hữu Trà
Hữu Trà
22/05/2018 09:55 GMT+7

Sau thành công của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, Quảng Nam tiếp tục triển khai mô hình này tại một số huyện, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và mở ra hướng “giám sát” việc giải quyết thủ tục hành chính.

Sau thành công của Trung tâm Hành chính công (HCC) cấp tỉnh, Quảng Nam tiếp tục triển khai mô hình này tại một số huyện, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và mở ra hướng “giám sát” việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của cán bộ, công chức. Các địa phương khác tại miền Trung cũng đã có sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận, giải quyết TTHC...
Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá mô hình Trung tâm HCC đã giúp tăng tính minh bạch, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với người dân và doanh nghiệp (DN). Ông Thanh cho biết:
Mô hình Trung tâm HCC đã khẳng định hiệu quả, tăng tính minh bạch, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh với tổ chức, cá nhân.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Sau thành công của Trung tâm HHC, Quảng Nam tiếp tục chọn Tam Kỳ, Hội An và TX.Điện Bàn để thí điểm mô hình HCC cấp huyện, do 3 địa phương này có hồ sơ TTHC phát sinh lớn như về thu hút đầu tư, đất đai, môi trường, các hoạt động về lưu trú, đăng ký hộ khẩu thường trú, cấp CMND và là địa bàn đông dân cư. Các địa phương này cũng có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt, đồng bộ và thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ của công dân theo mô hình một cửa/một cửa liên thông. Đồng thời, đã thí điểm kết nối TTHC từ cấp huyện lên cấp tỉnh hiệu quả (về đất đai, chế độ chính sách người có công..).
* Theo kế hoạch, năm 2018-2019 sẽ triển khai tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh. Vì sao Quảng Nam không triển khai đồng loạt cho các huyện còn lại?
- Về lâu dài sẽ thành lập ở tất cả các địa phương. Tuy vậy, theo kế hoạch đã được Ban cải cách hành chính tỉnh chỉ đạo, trong năm 2018 sẽ triển khai tại các địa phương vùng đồng bằng vì các địa phương này có phát sinh TTHC nhiều hơn so với các địa phương miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của TTHC đảm bảo hơn.
* Với Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp TP, thị xã, người dân và cộng đồng DN sẽ hưởng lợi những gì, thưa ông?
- Ngoài việc giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân và những tiện lợi đã đề cập ở trên, tại Trung tâm HCC, người dân và DN có thể tham gia vào quá trình giám sát việc giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, viên chức và theo dõi tình hình hồ sơ, tra cứu kết quả giải quyết.
Năm 2017, Trung tâm HCC và xúc tiến đầu tư tiếp nhận hơn 51.300 hồ sơ, đã giải quyết hơn 47.200 hồ sơ, tỉ lệ giải quyết trước và đúng hạn 97,6%, còn 2,4% trễ hạn. Hầu hết các hồ sơ trễ hạn đều có nguyên nhân rõ ràng và được thông báo trực tiếp đến người nộp biết.
* Chỉ số PCI năm 2017 của Quảng Nam đứng thứ 7/63 tỉnh, thành. Ông có hy vọng gì về chỉ số PCI khi các Trung tâm HCC hoạt động ở các địa phương, kể cả miền núi?
- Năm 2017, PCI của Quảng Nam xếp thứ 7 nhưng đã tăng 3 bậc so với năm 2016 và thuộc nhóm 4 tỉnh có chỉ số điều hành tốt. Kết quả này cho thấy cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã đánh giá cao nỗ lực của chính quyền trong năm 2017 khi Quảng Nam đã thành lập Trung tâm HCC và xúc tiến đầu tư tỉnh. Ngoài ra, tôi xin thông tin thêm là chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 của Quảng Nam cũng tăng 3 bậc so với năm 2016, trong đó chỉ số TTHC công được đánh giá tăng điểm cao. Điều này cho thấy việc triển khai mô hình Trung tâm HHC góp phần tăng điểm và thứ hạng các chỉ số PCI và PAPI. UBND tỉnh cũng tổ chức thực hiện nghiêm túc phần mềm theo dõi, đôn đốc công việc các sở ban ngành và lần đầu tiên sẽ tiến hành đánh giá Năng lực cạnh tranh các sở ngành và UBND cấp huyện (DDCI). Hy vọng chỉ số PCI của Quảng Nam sẽ giữ vững ổn định trong top 10.
Thừa Thiên - Huế: 99% hồ sơ được trả đúng hẹn
Đưa vào hoạt động từ tháng 1.2018, đến nay Trung tâm HCC tỉnh Thừa Thiên - Huế kết nối liên thông với tất cả trung tâm hành chính cấp sở, cấp huyện và trở thành đầu mối quan trọng giải quyết nhanh chóng TTHC cho công dân, tổ chức. Bà Trần Thị Hoài Trâm, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm HCC tỉnh, cho biết trung tâm có 34 quầy tiếp nhận và trả kết quả (gồm các cơ quan chuyên môn của tỉnh và 6 cơ quan T.Ư trên địa bàn), bộ phận bưu chính công ích (VNPT) và thu phí tập trung (VietinBbank). Tính đến hôm qua 21.5, trung tâm đã tiếp nhận 22.819 hồ sơ, giải quyết thủ tục trước hạn 19.300 hồ sơ, đúng hạn 18.900 hồ sơ, trễ hạn 331 hồ sơ (chủ yếu do lỗi khách quan của phần mềm, thiếu các giấy tờ cần phải bổ sung). Bình quân, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 250-280 hồ sơ. (Bùi Ngọc Long)
Quảng Trị: tăng mức độ hài lòng sau chương trình “Dân chấm điểm”
Ngày 21.5, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, cho biết dù đã lập đề án nhưng hiện Quảng Trị vẫn chưa thành lập được Trung tâm HCC cấp tỉnh. Với các huyện, các trung tâm 1 cửa đã thành lập từ lâu; kết quả phục vụ dân đang được cải thiện mạnh mẽ sau khi HĐND tỉnh phối hợp với Tổ chức Oxfam áp dụng chương trình “Dân chấm điểm M-Score”. Theo khảo sát, mức độ hài lòng chung được người dân chấm điểm tăng đáng kể từ năm 2014 đến năm 2017, dao động từ 8 - 8,3 điểm (thang điểm 9). Những phản hồi về chất lượng dịch vụ, tỉ lệ người dân bị hẹn lại… cũng giảm dần. Tuy nhiên, thủ tục đất đai chưa khiến người dân hài lòng; người dân có ý kiến về việc “nộp tiền không có phiếu thu” nhưng tình hình chưa được cải thiện. (Nguyễn Phúc)
Quảng Bình: thăm dò mức độ hài lòng trên mạng
Trung tâm HCC tỉnh Quảng Bình hoạt động từ tháng 1.2018 với 1.070 TTHC, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và trả kết quả gần 200 hồ sơ. Đến nay, trung tâm đón tiếp hơn 7.000 lượt người, tiếp nhận và giải quyết 6.927 hồ sơ các loại, trong đó trả kết quả trước hạn đạt tỷ lệ 75,14%, đúng hạn 24,86%. Kết quả lấy phiếu đánh giá công chức, viên chức tại các quầy giao dịch thực hiện từ đầu tháng 3.2018 cho thấy 100% phiếu đánh giá mức độ “rất hài lòng” và “hài lòng”. Tuy nhiên, trung tâm sẽ mở rộng tham mưu đề xuất hoàn thiện chuyên mục đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trên mạng Internet qua hệ thống dịch vụ công của tỉnh tại địa chỉ http://motcua.quangbinh.gov.vn.
Trương Quang Nam
Đà Nẵng: Tích hợp 200 đầu số đường dây nóng
Từ năm 2012, TP.Đà Nẵng thành lập Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin và truyền thông (sau đổi tên thành Trung tâm Thông tin dịch vụ công) với 3 nhiệm vụ: thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; giải đáp, hướng dẫn TTHC cho công dân; góp ý tiếp nhận, chuyển kiến nghị của công dân đến cơ quan chức năng. Không chỉ thay mặt chính quyền “chăm sóc” công dân, DN về các giao dịch hành chính, Trung tâm này còn tham gia xây dựng chính quyền điện tử và chương trình cải cách hành chính của TP.Đà Nẵng.
Ngoài ra, Trung tâm Thông tin dịch vụ công còn có tổng đài 1022, đã tích hợp 200 đầu số đường dây nóng của các sở, ban ngành như y tế, công thương, du lịch... thành một đầu mối, tránh tình trạng quá nhiều đường dây nóng nhưng không ai giải quyết. Trong đó, Cổng góp ý trung bình tiếp nhận, giải quyết hơn 600 ý kiến/tháng của công dân với hiệu quả cao (99% ý kiến được giải quyết, phản hồi kết quả trong vòng 7 ngày). Nội dung người dân phản ánh trên Cổng góp ý rất đa dạng, từ vĩ mô như hiến kế xây dựng, quản lý thành phố văn minh, hiện đại, cho đến phản ánh thái độ tiếp công dân của cán bộ, thậm chí cả những chuyện đời thường như bị hàng xóm “tra tấn” karaoke, chó thả rông...
Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.