Hà Nội đã giảm được 347 cấp trưởng, phó phòng

27/05/2017 19:28 GMT+7

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm qua dù bộ máy các sở ban ngành, quận huyện tinh giản nhiều nhất, sắp xếp lại lớn nhất nhưng ổn định, không có đơn thư, thắc mắc.

Chiều nay 27.5, đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã làm việc với Hà Nội về việc đổi mới cơ quan quản lý, tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, sau sắp xếp lại bộ máy, Hà Nội đã giảm được 231 cấp trưởng, 116 phó trưởng phòng, tiến tới sễ tiếp tục có lộ trình giảm dần số phó, đảm bảo minh bạch, không kiện cáo gì.
Tuy nhiên, số lượng biên chế trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập lại tăng lên từ 111.000 người năm 2011 lên 133.000 người năm 2016. Theo ông Chung, số lượng biên chế tăng lên hơn 12.000 người do cơ chế, ví dụ như từ trường bán công lên công lập cũng làm gia tăng số lượng công chức.
Lãnh đạo Hà Nội cũng cho rằng, để các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được về kinh phí, thì phải áp dụng giá dịch vụ, nhà nước chỉ quản lý về mặt cơ chế và chính sách. Hà Nội cũng đồng thuận với chủ trương bỏ quyền chủ quản của các bộ ban ngành. Ông Chung cũng cho hay, năm 2016, thành phố phối hợp với Bộ Y tế sang thăm, khảo sát y tế của Paris, Franfurt đều không phân cấp T.Ư, địa phương, mà chỉ có 1 tiêu chuẩn bệnh viện với quy mô to nhỏ khác nhau, do tỉnh trưởng quản lý, Bộ Y tế chỉ quản lý về chính sách. Cơ chế hiện nay đang tạo ra mô hình cấp T.Ư, tuyến trên được đầu tư hơn, người dân dồn về T.Ư ra quá tải.
Ngoài ra, khi sắp xếp lại các đơn vị dôi dư cơ sở nhà đất, chủ trương của Hà Nội nếu cần thì bàn giao lại, không thì sẽ tiến hành đấu giá. Cụ thể sau sắp xếp, cổ phần hóa, Hà Nội đã thu được gần 100 điểm đất đai về Trung tâm phát triển quỹ đất, sẽ tiến hành đấu giá để tăng thu cho thành phố.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã làm rất tốt việc sắp xếp lại. Nhưng cũng như cả nước, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, kết quả của Hà Nội cũng như cả nước rất hạn chế. Mới 2,96% số đơn vị tự chủ được chi phí thường xuyên (70/2.600 đơn vị). Theo Phó thủ tướng, tăng cường tự chủ tài chính phụ thuộc nhiều yếu tố như phải xác định danh mục công thuộc nhà nước cấp phát, chi trả. Chuyển từ phí sang giá, lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành trong giá, phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân và khả năng chịu đựng của ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.