Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xử lý mạnh tay các vụ vi phạm, lấn chiếm quốc lộ, thậm chí cần quy định người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, tương tự xử lý xe quá tải, mới có thể xóa bỏ tình trạng này.
Rất dễ bắt gặp cảnh nhà cửa, hàng quán sát QL như thế này - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN), nguyên nhân khiến các vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ không những gia tăng, mà tồn tại kéo dài, khó xử lý một phần do ý thức người dân, nhưng phần lớn do chính quyền địa phương chưa quyết liệt.
“Thói quen bám mặt đường để sinh sống”
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, TP nếu để xảy ra tình trạng đường bộ bị lấn chiếm, gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Thời gian qua, Ban ATGT và lãnh đạo UBND TP.HCM chủ yếu dùng biện pháp nhắc nhở là chính chứ chưa có trường hợp chủ tịch quận, huyện bị phê bình vì để xảy ra mất trật tự an toàn giao thông.
|
Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ, cho rằng khó khăn ở chỗ người dân có thói quen bám mặt đường để sinh sống, buôn bán. Thêm vào đó là quy hoạch chưa đồng bộ của nhiều địa phương giữa phát triển các cụm công nghiệp, cụm tuyến dân cư với quy hoạch giao thông chung, dẫn tới áp lực dân đẩy ra sinh sống sát hai bên đường. Nhiều nơi cấp đất cho dân xây nhà, xây các công trình đấu nối thẳng ra đường bộ.
Đơn cử như QL1A, theo quy định hành lang hai bên đường tối thiểu rộng 13 m. Tùy những đoạn tuyến chạy qua đô thị, hành lang sẽ phụ thuộc vào chỉ giới quy hoạch đô thị do địa phương quy định. Tuy nhiên, đa số các đoạn tuyến QL1A qua vùng đô thị mật độ dân cư đông đều bị vi phạm, lấn chiếm. Đáng nói, nếu trước đây các tỉnh đồng bằng vi phạm thì hiện tại những tỉnh nhiều khu vực rừng núi như Tây nguyên cũng vi phạm.
Năm 2015, kinh phí dành cho công tác rà soát, cưỡng chế các công trình nằm trong hành lang đường bộ mà không còn sổ đỏ là 130 tỉ đồng. Nhưng theo ông Điệp, con số này mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ các vụ vi phạm.
Khẩn trương có biện pháp mạnh
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đề nghị các cấp thẩm quyền phải khẩn trương có những biện pháp mạnh lập lại an toàn trên các tuyến quốc lộ (QL). Theo ông Chung, hiện kinh phí để đầu tư mở rộng các tuyến QL rất lớn, nhưng sau đó lại bị lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không chỉ gây mất an toàn mà còn gây lãng phí lớn.
Về giải pháp, ông Chung cho rằng cần có cả hệ thống cơ quan, ban ngành vào cuộc với nhiều biện pháp. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định về hành lang an toàn giao thông đường bộ, mà còn phải xử phạt hành chính thật nghiêm. Mặt khác, cần quy trách nhiệm cá nhân với chủ tịch UBND cấp cơ sở trực tiếp quản lý tuyến đường.
Trong khi đó, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề xuất: “Phải làm quyết liệt như xử lý xe quá tải. Bộ GTVT phải đứng ra chủ trì, thậm chí Thủ tướng, hoặc phó thủ tướng đứng ra làm trưởng ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống vào cuộc thì may ra mới có hiệu quả. Còn nếu cứ để tình trạng lấn chiếm diễn ra như hiện nay thì dù đường sá có được mở rộng bao nhiêu cũng thấy thiếu hoài”.
Với ông Nguyễn Minh Đồng (chuyên gia giao thông, Việt kiều Đức đang sinh sống tại TP.HCM), việc quan trọng nhất hiện nay là giáo dục về ATGT cho người dân ở hai bên đường và giới tài xế. Bên cạnh đó là giải pháp phân luồng giao thông. Ông Đồng cho rằng, hai bên tuyến QL cần thiết có đường song hành cho xe lưu thông 2 chiều để không xảy ra tình trạng người dân chạy ngược chiều tự phát như hiện nay.
Tạo hành lang khi xây dựng đường
Về tổng thể, theo một chuyên gia, cần phải có giải pháp làm giãn áp lực dân hai bên đường. “Người VN có thói quen kinh tế mặt tiền, đường càng mở rộng dân cư càng bám sát mặt đường để buôn bán, sinh sống. Kinh nghiệm từ các nước phát triển như Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào, Campuchia cho thấy việc quy hoạch đồng bộ giao thông - đô thị rất quan trọng khi xây dựng đường, tạo hành lang hai bên đường đảm bảo tiêu chuẩn. Áp lực dân số bám đường để sinh sống, buôn bán ở VN rất cao. Vì vậy, vai trò của địa phương trong thực hiện triệt để quy hoạch là rất quan trọng”, chuyên gia này chia sẻ.
Bình luận (0)