Ma túy biến hình - Kỳ 2: Cạm bẫy 'cỏ Mỹ'

26/09/2016 09:00 GMT+7

Ít ai biết tác hại khủng khiếp của 'cỏ Mỹ' - một loại ma túy biến hình.

VIDEO: Ma túy biến hình - Kỳ 2: Cạm bẫy "cỏ Mỹ"
- THỰC HIỆN: Truyền hình Báo Thanh Niên
'Cỏ Mỹ' được quảng cáo là 'thảo dược' thần kỳ. Một số bạn trẻ vô tư sử dụng vì nghĩ nó không gây nghiện. Tuy nhiên, thực tế ít ai biết tác hại khủng khiếp của loại ma túy này.
"Trào lưu cỏ Mỹ"
"Bạn có cần không?". "Hàng tươi xanh thơm lừng bao phê". Không khó để tìm những dòng quảng cáo thế này trên mạng. Thậm chí chỉ cần gõ từ khóa "cỏ Mỹ" là trên facebook hiện ra fanpage quảng cáo chuyên buôn bán "cỏ Mỹ".
"Trào lưu" chơi "cỏ Mỹ" tấn công Việt Nam trong vài năm gần đây. Điều đáng lo ngại là nó được giới thiệu là "thần dược" tạo hưng phấn. Chỉ cần một nhúm cỏ, gói lại và hút như thuốc rê là người chơi có thể được kích thích sáng tạo. Điều đặc biệt, nó cũng được quảng cáo là không gây nghiện.
Với vỏ bọc này, "cỏ Mỹ" thu hút nhiều bạn trẻ. Đặc biệt một số người còn sử dụng nó như một chất kích thích sáng tạo khi làm việc.
Ngày 23.9, trinh sát Phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ập vào quán cà phê nhà H5 thuộc Khu nhà ở Đại An (phường 9, TP.Vũng Tàu) bắt quả tang Nguyễn Minh Phúc (24 tuổi) đang bán "cỏ Mỹ". Tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ còn thu giữ 0,5 kg “cỏ Mỹ" được Phúc gói trong giấy báo và 19 túi ni lông chứa “cỏ Mỹ” đã được phân chia sẵn, một con dao tự chế, súng bắn đạn bi cùng nhiều dụng cụ dùng để sử dụng loại cỏ này.
Chiều 23.9, kiểm tra nhà Phúc trên đường Thống Nhất, TP.Vũng Tàu, lực lượng làm nhiệm vụ thu thêm một lượng lớn “cỏ Mỹ”.
Phúc khai nhận từng học đại học nhưng bỏ ngang, rơi vào nghiện ngập. Bản thân Phúc cũng nghiện "cỏ Mỹ" và khách hàng của Phúc có nhiều học sinh.
Nguy hiểm hơn cần sa
Những gói cỏ Mỹ lực lượng phòng chống ma túy thu được tại Bà Rịa - Vũng Tàu
ẢNH CHỤP TỪ CLIP
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa Tâm thần 3, Bệnh viện Tâm thần Lê Minh Xuân (TP.HCM), thông tin: "Cỏ Mỹ còn được gọi là cỏ Úc, cỏ Canada là từ lóng để chỉ một loại cần sa mới (mặc dù xuất xứ có thể từ Trung Quốc hay vùng Tam giác vàng). Trên thị trường, cỏ Mỹ được bán như một hỗn hợp lá của nhiều loại thực vật và được tẩm các hoạt chất kích thích thần kinh. Trên bao bì thường ghi K2/spice. Thành phần trong cỏ Mỹ sẽ thay đổi tùy theo thị trường. Nếu thị trường là một quốc gia nào đó ngăn cấm cần sa thì họ sẽ thay thảo mộc bằng loại lá khác (thường là lá khat) và được tẩm cần sa tổng hợp sao cho người sử dụng không dương tính với que thử cần sa hay que thử methamphetamine".
"Có thể xem cỏ Mỹ là hỗn hợp ma túy và có tác động dược lý giống cần sa (nhưng mạnh hơn) cộng với tác động giống hàng đá (ma túy đá - PV). Do đó, đây là một loại ma túy mới rất nguy hiểm", bác sĩ Hiển khẳng định.
Nghị định số 126/2015/NĐ-CP sửa đổi đã đưa "cỏ Mỹ" vào danh mục các chất ma tuý và tiền chất, cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép loại ma túy này.
Hàng tấn lá khat núp bóng lá chè từng bị bắt tại Việt Nam

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất, ngày 4.6, lực lượng phối hợp phát hiện một lô hàng lá khat với trọng lượng 336 kg. Lô hàng này được Công ty TNHH MTV XNK S.T.K (trụ sở ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhập khẩu từ Kenya (châu Phi) về VN. Công ty này vận chuyển số hàng trên về bằng đường hàng hóa, khai báo là trà xanh. Trước đó, công ty này nhập về VN 170 kg lá khat cũng bị lực lượng phối hợp bắt giữ vào ngày 25.5.
Tinh vi hơn, ngày 17.5, Công ty TNHH ĐT và XTTM quốc tế S. (trụ sở ở Q.1, TP.HCM) nhập về 270 kg lá khat được ngụy trang bằng cách ủ men đóng gói sẵn, và khai báo là chè đen. Điều tra mở rộng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 100 kg.
Liên tục bị bắt giữ, các đường dây nhập khẩu lá khat chuyển qua thủ đoạn mới là gửi bằng hình thức quà biếu. Ngày 29.5, ông V.Đ.H (ngụ Đồng Nai) đến kho hàng sân bay Tân Sơn Nhất nhận “lô hàng” quà biếu từ Kenya gửi về thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện bên trong có 290 kg lá khat.
Sau khi lá khat được đưa lậu vào VN, một lượng không nhỏ được “phù phép” mang tên loại lá cây khác, có xuất xứ VN để xuất khẩu đi các nước khác. Điển hình, ngày 18.5, Công ty TNHH XNK C.G (trụ sở tại Q.7) làm thủ tục xuất khẩu 34 kg lá khat đi Mỹ, nhưng khai báo “lá henna” đã sấy khô dùng để chế tạo “mực xăm henna”.
Đáng chú ý, số lượng lá khat trên đã qua mặt Cục Kiểm dịch thực vật (Bộ NN-PTNT) và được cơ quan này cấp giấy phép xuất khẩu đi Mỹ. Do khai báo gian dối cộng với giấy phép chứng nhận lá khô sử dụng chế tạo mực nên lô hàng này được phân bổ vào luồng xanh miễn kiểm tra. Tuy nhiên, lực lượng phối hợp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ kịp thời.
"Khat", còn có tên catha, là một loại cây có hoa được trồng nhiều ở vùng Sừng châu Phi, bán đảo Ả Rập, Trung Đông. Lá khat có chứa chất kích thích cathinone(*).
(*) Năm 2010, cathinone xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là ở Anh. Lúc đó, Liên minh châu Âu xếp cathinone vào nhóm bất hợp pháp. Sau đó tại Úc, Mỹ, New Zealand, cathinone cũng được xem là hợp chất nguy hiểm và được kiểm soát chặt chẽ. Năm 2012, một con nghiện ở Mỹ sau khi dùng ma túy cathinone đã cắn nát mặt một người đàn ông.
Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.