Nhóm PV Thanh Niên đã vào vai một người thuê viết bài báo khoa học và nhờ hỗ trợ công bố quốc tế... từ đó phát hiện ra những sự việc không thể ngờ có thể tồn tại trong một bộ phận được cho là giới trí thức, học thuật.
Đột nhiên viết hàng chục bài báo khoa học
Theo thông tin trong loạt bài điều tra “Thị trường ngầm” mua bán bài báo khoa học, PV đã liên lạc với các nhóm nhận làm rất nhiều dịch vụ: viết thuê tiểu luận chuyên ngành, đề cương, thu thập dữ liệu trực tuyến, viết thuê luận văn thạc sĩ, chỉnh sửa dữ liệu... Dịch vụ “độc đáo” nhất nhóm này nhận làm là hỗ trợ công bố quốc tế Scopus. Nói “dịch vụ độc đáo”, bởi hiện nay, có 2 nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên thế giới là Viện Thông tin khoa học Mỹ (ISI) và Scopus (Hà Lan). Do vậy, ở Việt Nam, khi nói tới xét phong giáo sư, phó giáo sư thường đưa ra tiêu chuẩn về số bài báo đăng trên ISI hay Scopus. Tùy theo yêu cầu của “khách hàng”, mỗi bài báo khách thuê viết và công bố theo xếp hạng tạp chí (trong nước, nước ngoài) có giá từ 8 triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng...
Bạn đọc (BĐ) Thanh Long nhận định: “Nhiều vị cả đời chẳng viết được bài nào kể cả khi làm nghiên cứu sinh. Đột nhiên viết hàng chục bài để làm giáo sư này nọ còn khiếp hơn cả giáo sư hàng đầu...”.
Một hiện tượng cũng được cho là “lạ” khác được BĐ Nguyễn Tùng chỉ ra: “Có vị nộp hồ sơ xét phó giáo sư, giáo sư mà chỉ 6 tháng đầu năm 2020 có gần chục bài Scopus Q4 được xuất bản; mà tìm không thấy bài ISI nào. Có vị học ở Nga, khai báo nói tốt tiếng Nga, nhưng nói được tiếng Nga mới lạ; tiếng Anh thì tiếng có tiếng không; không tin thì thành viên hội đồng kiểm tra sẽ rõ ngay. Thử đặt câu hỏi: Nhiều giảng viên, nhà khoa học không biết tiếng Anh, làm sao có bài báo quốc tế?”.
|
BĐ Nguyen Van Hoang lý giải hiện tượng trên “cũng từ hám danh mà ra”. “Một vị thiền sư nổi tiếng nói đại ý là: “Vướng kẹt vào tiện nghi tinh thần khó thoát ra hơn vướng kẹt vào tiện nghi vật chất”. Nói trắng ra, “hám danh” khó trị hơn “hám lợi”. Ngẫm thấy nó đúng vô cùng!”, BĐ Nguyen Van Hoang chia sẻ.
Tạo ra nhiều nhà khoa học “ảo”
“Phải thẳng thắn thừa nhận, thời gian dài vừa qua, chính trong bộ máy quản lý của chúng ta quá coi trọng bằng cấp, mà bỏ qua chất lượng và hiệu quả hoạt động thực sự của đội ngũ cán bộ, nên đã “vô tình” tạo ra nhiều nhà khoa học “ảo”, có học vị nhưng sự đóng góp thật sự có hiệu quả không cao, thậm chí đưa tới những sai lầm đáng tiếc trong công tác điều hành quản lý. Vấn đề này cần phải được chấm dứt sớm, nếu không hệ lụy sẽ là tụt hậu của sự phát triển đất nước”, BĐ Minh Bạch thẳng thắn.
Nguyễn Lũy, một BĐ am hiểu về lĩnh vực này nhận định: “Chủ đề này, Báo Thanh Niên viết rất hay, đã phơi bày một phần nổi trong tảng băng chìm của cái gọi là “ngụy tạo khoa học”. Ngay cả khi rất nhiều nhà khoa học tự đăng bài trên các tạp chí Scopus Open Access (mở), đóng tiền cũng là hình thức mua bài báo. Trên internet người ta đã thống kê và đưa ra danh sách các tạp chí “săn mồi” mà rất nhiều tạp chí Scopus nằm trong đó. Chỉ cần gõ từ khóa “predatory journal” vào Google là có ngay kết quả. Tuy nhiên nhiều trường đại học và các hội đồng chức danh ở Việt Nam cũng không dám thẳng thắn đề cập đến vấn đề này. Thậm chí có trường còn thưởng tiền rất cao cho các giảng viên có công bố trên các tạp chí này. Từ đó, nếu không có biện pháp thì “ngụy công bố”, “ngụy khoa học” sẽ mãi mãi còn là mảnh đất màu mỡ để trục lợi”.
Các chuyên gia giỏi, các nhà lãnh đạo, quản lý cần chặt chẽ trong kiểm tra, kiểm soát vấn đề này.
Thuận Lộc
Hết trọng bằng cấp giờ thì trong khoa học là trọng bài báo này nọ, nhưng cái quan trọng là làm ra sản phẩm thực phục vụ cuộc sống thì không thấy.
Thanh Long
Thời nay kiểm tra các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hay không thật dễ dàng. Kiểm tra các bài viết khoa học có sao chép, đạo văn hay không cũng không khó. Vấn đề là người được giao nhiệm vụ kiểm tra có làm nghiêm túc hay không thôi.
Nguyễn Văn Hải
|
Bình luận (0)