‘Siêu ban’ ngàn người xin ngân sách trả lương

11/10/2017 06:32 GMT+7

Câu chuyện 5 ban quản lý dự án thuộc UBND TP.Hà Nội với gần cả ngàn người nhưng hoạt động kém hiệu quả, cho thấy việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn mang tính cơ học, thiếu thực chất.

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Hà Nội mới đây, cùng với sự sắp xếp bộ máy từ Văn phòng UBND TP, các sở ngành, cuối năm 2016, Hà Nội đã sáp nhập 26 ban quản lý dự án (BQLDA) trực thuộc TP và các sở, ngành thành 5 BQLDA trực thuộc TP, gồm: Ban QLDA giao thông, Ban QLDA văn hóa xã hội, Ban QLDA dân dụng và công nghiệp, Ban QLDA NN-PTNT và Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường. 5 “siêu” BQLDA được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản. Đây là lý do tổng số cán bộ của 5 ban lên tới 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.
Việc “ép cơ học” về mặt đầu mối chỉ nên thực hiện trong 1 - 2 tháng, sau đó phải sàng lọc luôn, kiên quyết sắp xếp lại nhân sự, ai không đạt hiệu quả thì chuyển đi làm việc khác. Ghép nhưng sàng lọc thì bộ máy mới tinh giản
Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Người đông, việc ít
Sau sáp nhập, hoạt động của các “siêu” ban này vẫn kém hiệu quả. Cụ thể, nhân sự thì đông nhưng việc triển khai, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 ở các ban lại rất chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, tính đến cuối tháng 8.2017, số giải ngân mới chỉ đạt 1.625 tỉ đồng/6.524 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, bằng 25% kế hoạch. Trong đó, BQLDA văn hóa xã hội giải ngân đạt tỷ lệ thấp nhất, chỉ bằng 16% kế hoạch.
Nguyên nhân thiếu hiệu quả trong triển khai các dự án do nhiều yếu tố như: không thực hiện hết kế hoạch vốn đã giao trong khi công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, thời gian triển khai kéo dài... Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn đến từ sắp xếp việc làm trong chính các “siêu ban” này. Theo Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Hà Nội, số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao. Chưa kể, tính chuyên nghiệp của các BQLDA, trình độ của cán bộ tham mưu chưa đồng đều.
Xin ngân sách để trả lương
Hệ quả từ việc bộ máy cồng kềnh, trong khi việc ít, kém hiệu quả là các BQLDA gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tự chủ, tự đảm bảo kinh phí cho hoạt động. Có BQLDA chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017, phải trình UBND TP.Hà Nội ứng trước ngân sách. Như BQLDA NN-PTNT đã được UBND TP hỗ trợ 1,4 tỉ đồng và tạm ứng ngân sách TP 6,2 tỉ đồng. Còn BQLDA giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017.
Theo bà Hồ Vân Nga, Phó ban Kinh tế ngân sách, chi phí hoạt động của các ban được tính trên phần trăm công việc dự án được giao quản lý, vì thế số lượng công việc đạt càng thấp, chi phí càng giảm. Qua khảo sát, đa số các ban đều trong tình trạng duy trì hoạt động hoặc dự kiến phải ứng ngân sách để chi lương.

tin liên quan

Đà Nẵng quyết giảm 2.000 biên chế
Theo đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập giai đoạn 2017 - 2020, TP.Đà Nẵng quyết tâm đến 2020 giảm ít nhất 2.000 biên chế (gần 10%) cùng với 21 ĐVSN.
“Có nhiều nguyên nhân như thủ tục dự án chậm, giao vốn kế hoạch không kịp… có thể khiến sang năm vẫn không đủ tiền để chi hoạt động tại một số ban”, bà Nga nói và cho biết: “Ban Kinh tế ngân sách đã kiến nghị TP một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các BQLDA, đặc biệt đề nghị các đơn vị này phải tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị; xây dựng bộ máy tổ chức đảm bảo gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động”.
Trụ sở hoành tráng của các ban: Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp HN (hình 1), Ban Quản lý dự án xã hội HN (hình 2), Ban Quản lý dự án NN-PTNT HN (hình 3) Ảnh: Ngọc Thắng
“Chảy máu” thuế của dân
Theo khảo sát của Ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội, Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở và tương đương. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo cấp sở và cấp phòng, ban trực thuộc đã tinh gọn hơn trước, giảm được 46/204 phòng với tỷ lệ giảm 22,5%. Về bộ máy các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành TP giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, tương ứng 30,2%. Kết quả sắp xếp lại và hợp nhất thành 5 BQLDA từ 26 ban trước đây đã giảm 73/108 phòng, đạt tỷ lệ 67,6%; giảm 177/308 lãnh đạo trưởng, phó đơn vị, trưởng phó phòng, đạt tỷ lệ 57,5%; giảm được 7/23 trụ sở làm việc với tỷ lệ 30,4%.

Trên thực tế, năm 2016 khi sáp nhập các phòng thuộc Văn phòng UBND TP.Hà Nội, từng có tình trạng lãnh đạo trưởng, phó phòng nhiều hơn chuyên viên. Cụ thể, phòng đô thị (từ 3 phòng quy hoạch kiến trúc, xây dựng giao thông, tài nguyên môi trường) có 1 trưởng phòng và 16 phó phòng, trong khi chỉ có 4 chuyên viên. Phòng kinh tế sau khi sáp nhập cũng có 1 trưởng phòng, 12 phó phòng và 4 chuyên viên. Tuy nhiên, theo UBND TP.Hà Nội, đây chỉ là phó phòng trên danh nghĩa, thực tế mỗi phòng thuộc UBND TP chỉ có 1 trưởng phòng và 3 phó phòng điều hành. Các phó phòng còn lại chỉ mang hàm, không điều hành trực tiếp mà làm công tác như chuyên viên. Sau 24 tháng, nếu không bố trí làm lãnh đạo điều hành, số phó phòng này sẽ trở về làm chuyên viên.
Đánh giá về cách làm của Hà Nội, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, cho rằng 2 năm trở lại đây, Hà Nội đã sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khá hiệu quả. Tuy nhiên, thực trạng sau sắp xếp bộ máy tại nhiều đơn vị vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Cụ thể, theo bà An, có rất nhiều hệ lụy từ tình trạng “người nhiều việc ít”, ngoài việc không hiệu quả, còn gây lãng phí rất lớn vì ban vẫn đang được trả lương bằng ngân sách, chính là tiền thuế của dân. Nếu hoạt động hiệu quả, ban có thể “tự nuôi” lấy mình, trong khi hiện nay đang phải ứng thêm ngân sách để chi lương. Bên cạnh đó, dễ nảy sinh vấn đề nội bộ, chất lượng công việc kém, hoạt động của cơ quan rệu rã, èo uột, nhiều người không làm việc sẽ cản trở những cán bộ làm việc nghiêm chỉnh. Thực tế kết quả giám sát cho thấy đã có tình trạng “chảy máu chất xám” khi viên chức, cán bộ hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm tại một số ban chuyển công tác.
“Sắp xếp bộ máy thời gian qua của Hà Nội tốt, nhưng tới đây phải kiên quyết làm đến cùng. TP.Hà Nội đã có đề án vị trí việc làm thì phải quyết liệt triển khai, dựa vào đó để đánh giá hiệu suất lao động thực sự của từng người. Việc “ép cơ học” về mặt đầu mối chỉ nên thực hiện trong 1 - 2 tháng, sau đó phải sàng lọc luôn, kiên quyết sắp xếp lại nhân sự, ai không đạt hiệu quả thì chuyển đi làm việc khác. Ghép nhưng sàng lọc thì bộ máy mới tinh giản. Chỉ ghép cơ học thì không thể tinh giản bộ máy, tinh giản con người”, bà An nói.
Cũng theo bà An, trước đây Hà Nội đã có phương án giải quyết khi sắp xếp bộ máy như chuyển công việc khác, hoặc động viên cán bộ tình nguyện nghỉ trước tuổi... “Nếu làm minh bạch, có mục tiêu rõ ràng thì ai cũng thoải mái, những người đuối sức tự không thấy đáp ứng được công việc sẽ phải xin thôi hoặc chuyển công việc khác”, bà An phân tích.
Ý kiến
Nên cho tư nhân đấu thầu dịch vụ công
       Ảnh: Cẩm Giang
Có một nghịch lý là càng “cải cách”, bộ máy của chúng ta càng phình to ra. Có 3 vấn đề nổi rõ lên: Thứ nhất, sáp nhập mang tính cơ học. Thứ hai, sáp nhập rồi, nhưng trong từng bộ, ngành, cơ quan lại tiếp tục “đẻ” ra nhiều đơn vị chức năng trong lòng nó một cách không hợp lý. Thứ ba, chồng lấn về chức năng.
Việc “đẻ” thêm nhiều đơn vị “con, cháu” có thể nhìn rõ qua gia tăng số lượng đơn vị chức năng trong từng cơ quan. Chẳng hạn, UBND ở nhiều tỉnh có phòng kinh tế ngành "giẫm chân" lên vai trò cấp sở. Khi các sở chuyên môn đề xuất một chính sách lên UBND, phòng này sẽ xem xét, thẩm định trước, sau đó mới trình ra UBND. Trong khi vai trò của sở là để phục vụ UBND trong lĩnh vực chính sách ngành. Vậy nếu đã có sở, tại sao lại cần phòng kinh tế ngành? Còn nếu UBND tỉnh đã có phòng này; chức năng làm chính sách, quản lý của sở có còn cần thiết? Chính những điều này tạo nên sự cồng kềnh, chồng lấn của bộ máy hành chính nhà nước. Không bắt đầu từ nhận thức về chức năng, sắp xếp lại sẽ không hợp lý.
Cải cách bao giờ cũng là tiến trình “đau đớn”, sẽ có nhiều lực cản. Sẽ có những nhóm lao động lẫn lãnh đạo trong khu vực công bị ảnh hưởng và họ sẽ phản ứng lại với cải cách. Vì thế, cần tìm một “mắt xích” yếu, nơi “lực cản” cải cách là yếu nhất để bắt đầu. Trong bộ máy nhà nước, bắt đầu từ khối viên chức, từ các đơn vị sự nghiệp công là điểm khởi đầu hợp lý. Từ các tổ chức đoàn thể, nên bắt đầu với các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Với các bộ ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước sẽ là nơi phức tạp nhất. Theo tôi, với nhóm bộ ngành, phải bắt đầu trước từ nhận thức về vai trò nhà nước - vai trò thị trường. Phân vai và nhận thức hợp lý về chức năng trước, sau đó mới có thể nói về tổ chức bộ máy.
Nếu nhận thức một cách sâu sắc về vai trò, chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước, cần giao các dịch vụ công cho các đơn vị tư nhân có đủ năng lực theo hình thức đấu thầu một cách công khai. Như vậy, nhà nước chỉ đảm bảo những dịch vụ thiết yếu mà tư nhân không làm được, chứ không phải là để tự chủ hay tự chủ một phần. Còn nếu không tự chủ được thì hãy để cho các đơn vị này phá sản.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công
Lấy hiệu quả công việc làm trung tâm
Cần có căn cứ khoa học về tổ chức bộ máy và nêu ra các giải pháp cụ thể trong công tác tinh giản biên chế. Thứ nhất, phải nắm vững nguyên tắc không phải cơ quan T.Ư có vị trí nào thì địa phương phải có cơ quan đó. T.Ư có nhiều việc phải quản lý ở tầm vĩ mô, hay quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, hiện có thực trạng cấp huyện có bộ máy như thế nào thì cấp xã lại có bộ máy như thế đó, càng xuống dưới cơ sở càng phình to khi phải hứng các dòng chảy công việc từ huyện, tỉnh xuống.
Thứ hai, tính hợp lý của các cơ quan tổ chức cần được xem xét, cơ quan đó ra đời có rõ chức năng nhiệm vụ không. Cần sắp xếp bộ máy trên nguyên tắc từ công việc tìm mô hình và chọn người, chứ không phải từ người để sắp xếp tổ chức.
Thứ ba, cần nghiên cứu một cơ quan làm nhiều việc, chứ bây giờ có hiện tượng nhiều cơ quan cùng làm một việc. Như vậy, sẽ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai làm.
Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng ta cần khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ năm, đổi mới công tác thi tuyển công chức. Biên chế tăng do tuyển chọn công chức dễ dàng, không theo quy hoạch. Cần nâng cao công tác đánh giá cán bộ công chức khi việc đánh giá thiếu định lượng.
Thực tế 86,25% đối tượng thuộc diện tinh giản nhưng thực chất là những cán bộ chỉ còn 2 - 3 năm công tác là nghỉ hưu, chưa loại bỏ được cán bộ có năng lực yếu, kém.
PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Cẩm Giang - Thiên Lam (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.