Tổng thu ngân sách không đủ chi tiêu và trả nợ

21/03/2016 11:33 GMT+7

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thông tin trên khi thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thông tin trên khi thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ - Ảnh : Ngọc ThắngPhó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ - Ảnh : Ngọc Thắng
quoc-hoi
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp - Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (21.3), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 11,75 (2010) xuống còn 0,6% vào (2015). Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Khắc phục được cơ bản tình trạng sử dụng USD, vàng trong giao dịch thanh toán. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên…

Phó thủ tướng cũng cho hay, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011 - 2015 bằng khoảng 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó chi đầu tư phát triển bằng khoảng 1,7 lần, chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần.

Trong tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64 - 65% (giai đoạn 2006 - 2010 chiếm 55,2%) chủ yếu là tăng chi cho con người, bao gồm cả chi tiền lương và an sinh xã hội; chi đầu tư phát triển giảm mạnh so với các giai đoạn trước từ 30,6% (giai đoạn 2001 - 2005) xuống 28,2% (giai đoạn 2006 - 2010) và còn khoảng 23,6% (giai đoạn 2011 - 2015).

Đáng chú ý, theo báo cáo, cân đối NSNN giai đoạn này gặp nhiều khó khăn do tác động không thuận từ kinh tế thế giới và trong nước, ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, trong khi nhu cầu chi tăng lớn, dẫn đến bội chi NSNN cao hơn mức Quốc hội cho phép  (năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,36% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,69% GDP, năm 2015 khoảng 6,1% GDP). 

Nợ công tăng nhanh

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, như việc kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc. Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối NSNN còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu NSNN chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.

Về vấn đề nợ công, báo cáo của Chính phủ đánh giá tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9%.

Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro… Việc thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra. Nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt, như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế tạo và tỷ trọng nông nghiệp trong GDP...

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD... 

Miễn nhiệm và bầu nhân sự cấp cao Nhà nước

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là kỳ họp có khối lượng công việc khá lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước; xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ qua; xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều dự luật quan trọng, trong đó có luật Tiếp cận thông tin; luật Báo chí (sửa đổi); xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan.

Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.