Tranh luận việc bồi thường cho thân nhân người bị oan

22/04/2017 06:34 GMT+7

Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21.4 thảo luận việc tiếp thu, chỉnh lý dự luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các đại biểu đã tranh luận xung quanh quy định bồi thường thiệt hại tinh thần đối với thân nhân người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. 
Kỳ họp thứ 3 QH khóa 14 dự kiến khai mạc ngày 22.5
Ngày 21.4, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ QH, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc ban hành văn bản thông báo triệu tập kỳ họp thứ 3, QH 14. Kỳ họp dự kiến sẽ khai mạc ngày 22.5 và bế mạc ngày 20.6.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, mức bồi thường có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan.
Chỉ bồi thường khi người bị oan đã chết
Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật, quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại giới hạn chỉ trong trường hợp người đó đã chết. “Nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan nói chung trong hoạt động tố tụng hình sự thì phải làm rõ một số vấn đề như mức bồi thường ra sao, bồi thường một khoản cho tất cả người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người thân thích của người bị oan”, ông Định phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến cho rằng người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng dự luật quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan là không phù hợp với quy định về bồi thường trực tiếp cho người bị hại trong bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo ông Long, cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho hàng thừa kế là không có, luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện hành cũng không quy định về vấn đề này. Hơn nữa, kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định bồi thường cho hàng thừa kế. Vì vậy, nếu quy định như vậy có nghĩa là mở rộng đối tượng bị thiệt hại theo quy định của bộ luật Dân sự và không bình đẳng đối với các trường hợp khác, như xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức, vì nếu suy đến cùng, trong trường hợp này người thân thích cũng bị ảnh hưởng.
Ông Long cũng bày tỏ lo ngại nhà nước phải chi một khoản tiền nhiều hơn cho bồi thường, và đề nghị chỉ trình một phương án bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại chứ không mở rộng đến hàng thừa kế.
Thiệt hại tinh thần không liên quan người bị oan sống hay chết
Phó chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào lại thể hiện quan điểm ngược lại. Theo ông Hào, qua thực tiễn thấy người bị oan không chết nhưng chịu tổn thất về tinh thần, và dù muốn hay không thì người thân của họ cũng bị ảnh hưởng về mặt tinh thần. “Đúng là luật chưa quy định nhưng thực tiễn vừa qua khi giải quyết 2 vụ việc đã bồi thường về mặt tinh thần. Vì vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét cân nhắc”, ông Hào nêu quan điểm.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đồng tình với quy định bồi thường cho người thân thích của người bị oan. “Một người bị làm oan thì gia đình, bố mẹ, vợ con họ còn chịu những hậu quả nghiêm trọng như con cái bỏ học, bỏ việc, thậm chí tự vẫn. Những người đó cũng chịu thiệt hại về tinh thần”, ông Lưu nói. Theo Phó chủ tịch QH, đây là chính sách hình sự của nhà nước, nên nếu đánh giá những người thân thích của người bị oan đó cần được xin lỗi, bồi thường cũng có thể được. Tuy nhiên, do còn 2 luồng ý kiến khác nhau nên phải trình QH xem xét quyết định.
Liên quan một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự luật Nguyễn Khắc Định cho hay việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định này cũng không trái với quy định của luật Ngân sách nhà nước. “Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, để bảo đảm quyền của người bị thiệt hại, dự luật đã bổ sung quy định về những thiệt hại được tạm ứng; sửa quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% thiệt hại được tạm ứng”, ông Định nói.
Thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN về quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nguyên tắc giám sát, phản biện dân chủ, công khai, minh bạch; không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc, lĩnh vực, nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.