Xe cũ nát lọt 'lỗ kim' đăng kiểm: Có dấu hiệu 'bảo kê'

12/07/2017 06:33 GMT+7

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết Cục cũng đã nhận thấy những vấn đề bất thường trong quá trình đăng kiểm ở một số trung tâm, thậm chí một số ĐKV còn có dấu hiệu 'bảo kê' cho các doanh nghiệp vận tải.

Liên quan đến loạt bài Xe cũ nát lọt “lỗ kim” đăng kiểm, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Cương, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT), cho biết Cục từng phát hiện trường hợp đăng kiểm viên sử dụng kết quả của xe đạt gắn vào xe không đạt và một số đăng kiểm viên có dấu hiệu “bảo kê” doanh nghiệp vận tải có nhiều phương tiện...

tin liên quan

Xe cũ nát lọt 'lỗ kim' đăng kiểm
Xe ben, xe tải 'lâm bệnh nặng' không đủ điều kiện lưu thông vẫn có thể chui lọt 'lỗ kim' đăng kiểm dù dây chuyền kiểm tra hiện đại, gắt gao.
 Trong 6 tháng đầu năm 2017, đoàn kiểm tra của Cục Đăng kiểm VN kiểm tra đột xuất 57 đợt đã ra quyết định đình chỉ có thời hạn đối với 25 ĐKV sai phạm. Trước đó, năm 2016, Cục thực hiện 130 đợt kiểm tra đột xuất, phát hiện và đình chỉ từ 1 - 3 tháng đối với 83 ĐKV vi phạm. Đặc biệt, trong thời gian này, Cục buộc dừng hoạt động 7 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vì vi phạm quy trình đăng kiểm
“Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Xe cũ nát lọt “lỗ kim” đăng kiểm, lãnh đạo Cục lập tức gửi báo cáo cho Bộ GTVT về việc lập đoàn kiểm tra do tôi làm trưởng đoàn, trực tiếp làm việc với báo để ghi nhận thông tin, chứng cứ nhằm xử lý sai phạm; đồng thời sẽ tiến hành họp toàn thể cán bộ nhân viên ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50 - 07V (QL1, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM) về việc trực tiếp kiểm tra, phúc tra các sai phạm”, ông Cương nói.
Tại khu vực đăng kiểm có gắn camera giám sát kết nối với lãnh đạo trung tâm đăng kiểm và Cục Đăng kiểm nhưng xe cũ nát vẫn lọt “lỗ kim” đăng kiểm, phải chăng đăng kiểm viên (ĐKV) móc nối với lãnh đạo để tiêu cực?
Đúng là chúng tôi ngồi ở Hà Nội vẫn có thể nhìn thấy các hoạt động đăng kiểm ở tất cả các trung tâm trên cả nước. Tại trụ sở Cục mỗi ngày đều có cán bộ trực theo dõi, giám sát các hoạt động qua camera và một số trung tâm đăng kiểm cũng cử người đứng ở dây chuyền đầu tiên để kiểm tra, yêu cầu tài xế không bỏ tài sản trên cabin, nhưng tình trạng ĐKV làm sai quy trình vẫn diễn ra. Một phần do cán bộ theo dõi camera không thể cùng lúc kiểm tra màn hình ở 144 trung tâm trên cả nước. Một phần do tài xế chủ động bỏ tiền từ 300.000 - 1 triệu đồng (tùy theo mức độ “bệnh” của xe - PV) trên cabin, tác động đến tư tưởng của ĐKV khiến họ làm sai quy trình. Nếu ĐKV xuống kiểm tra xe mà làm nhanh quá hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần thì qua camera chúng tôi sẽ gọi điện nhắc nhở. Nếu tái diễn nhiều lần như vậy chúng tôi sẽ âm thầm lập đoàn kiểm tra, xử lý. Vì những thao tác như vậy là có vấn đề.

tin liên quan

'Cò' móc nối đăng kiểm tung hoành
Bên trong lẫn bên ngoài Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 50 - 07V (QL1, Q.Bình Tân, TP.HCM), dễ dàng thấy “cò” đăng kiểm, bảo vệ móc nối với đăng kiểm viên hoạt động dịch vụ, "bao đậu" xe "bệnh".
Vậy các trường hợp sai phạm mà Báo Thanh Niên phản ánh, qua hệ thống camera, lãnh đạo Cục, trung tâm đăng kiểm có phát hiện?
Đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ cấp dưới về việc phát hiện các trường hợp sai phạm như báo phản ánh qua camera giám sát.
Nói như vậy camera giám sát chưa phát huy tác dụng và việc gắn camera giám sát vẫn chưa “đủ” để phòng ngừa tiêu cực?
Quá trình giám sát qua camera và từ thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng hoặc số điện thoại của lãnh đạo, Cục lập tổ kiểm tra theo dõi, bắt quả tang và xử lý hàng loạt ĐKV làm sai quy trình đăng kiểm, “bảo kê” cho xe vi phạm. Thực tế, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, trước khi Báo Thanh Niên phản ánh thì Cục cũng đã nhận thấy những vấn đề bất thường trong quá trình đăng kiểm ở một số trung tâm, nhất là hiện tượng ĐKV buông lỏng quy trình, nhận tiền để bỏ qua vi phạm; thậm chí một số ĐKV còn có dấu hiệu “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải có hàng chục phương tiện. Cục đã triệu tập tất cả các lãnh đạo trung tâm để phổ biến những vấn đề bất thường trong quá trình đăng kiểm, gây bức xúc xã hội và gửi văn bản đến các trung tâm yêu cầu tự chấn chỉnh; đồng thời thông tin rộng rãi đến các trung tâm về các trường hợp ĐKV bị kỷ luật để răn đe. Các ĐKV vi phạm sẽ bị kỷ luật, tạm đình chỉ từ 1 - 6 tháng, thậm chí dừng hẳn công việc đăng kiểm, thu hồi giấy công nhận ĐKV vĩnh viễn.
Nhiều ý kiến cho rằng máy móc đăng kiểm hiện đại, ĐKV nếu không sử dụng mánh khóe can thiệp vào máy móc thì xe cũ nát không thể lọt lưới? Ông nói gì về ý kiến này?
Trong quá trình kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra nhiều lần phát hiện dữ liệu trong máy trùng khớp với nhau. Khi kiểm tra lại thì một phần là do máy trục trặc và cũng có 5 - 6 trường hợp phương tiện kiểm tra trong 1 ngày các chỉ số trùng nhau. Các trường hợp này do ĐKV dùng mánh khóe lấy kết quả kiểm tra, số liệu khí xả của các công đoạn xe đạt gắn vào xe không đạt. Cụ thể, ở một tỉnh phía bắc, trong quá trình đăng kiểm cho xe khách, ĐKV chụp hình xe khách có đủ 6 cái búa thoát hiểm, dụng cụ y tế để gắn vào xe khách thiếu những vật dụng trên nhằm lấy tiền “bôi trơn”. Khi Cục đến kiểm tra hình ảnh và thực tế thì phát hiện cần số của 2 xe khác nhau và ngay sau đó lập biên bản kỷ luật ĐKV vi phạm.
Tới đây Cục có những biện pháp gì để phòng chống tiêu cực trong đăng kiểm?
Thời gian tới, Cục sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất hoạt động đăng kiểm của các trung tâm trên cả nước; đồng thời lên kế hoạch lắp đặt camera ở từng công đoạn đăng kiểm trong dây chuyền để giám sát hiệu quả hơn quá trình đăng kiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.