Một người Trung Quốc viết tin giả về Nga suốt nhiều năm trên Wikipedia

Khánh An
Khánh An
14/07/2022 21:32 GMT+7

Một phụ nữ Trung Quốc đã mất nhiều năm viết vô số nội dung giả về nước Nga thời Trung cổ trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Hàng loạt bài viết về nước Nga thời Trung cổ trên trang Wikipedia vừa bị phát hiện là nội dung giả

ảnh chụp màn hình engadget

Theo trang Engadget ngày 14.7, bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Hoa có bộ sưu tập nhiều bài viết chi tiết và mang tính am hiểu tường tận về nước Nga thời Trung cổ, nhờ một người viết là Zhemao, tự xưng là con gái của một nhà ngoại giao Trung Quốc tại Nga.

Tác giả này đã viết 206 bài viết trên trang này kể từ năm 2019, trong đó bài viết dài nhất tương đương hàng trăm trang sách. Bài viết mô tả cuộc nổi dậy Tartar vào thế kỷ thứ 17, kèm theo bản đồ nước Nga vào thời đó.

Trong một bài khác, Zhemao chia sẻ những hình ảnh hiếm về đồng xu cổ của Nga, được cho là của những nhà khảo cổ học.

Những bài viết do tác giả này đóng góp được viết rất tốt cho đến khi bị phát hiện là một trong những cú chơi khăm lớn nhất trên nền tảng chia sẻ kiến thức mở này.

Tiểu thuyết gia người Trung Quốc Phạm Y là một trong những người đưa những tin giả này ra ánh sáng. Cô tình cờ đọc một trong những bài viết của Zhemao mô tả một mỏ bạc ở Nga vào thế kỷ thứ 14 và 15, khi tìm tư liệu cho một quyển sách mới.

Bài viết rất chi tiết, với thông tin về thành phần đất, cấu trúc mỏ và quy trình tinh luyện bạc. Tuy nhiên, khi kiểm chứng với những thông tin tham khảo từ những Nga, cô Phạm mới phát hiện những trang hay quyển sách mà Zhemao trích dẫn không hề tồn tại.

Một nhóm tình nguyện viên sau đó xem xét các bài viết của Zhemao và phát hiện rằng các trích dẫn không bổ trợ nội dung hoặc tác giả đã thêu dệt thông tin từ những nguồn hợp pháp nhưng ít phổ biến và những người thường khó kiểm chứng.

Do là trang bách khoa toàn thư mở, Wikipedia tin tưởng vào những người đóng góp. Trong một bài viết về mức độ tin cậy, Wikipedia cho biết trang này duy trì ngưỡng “có thể xác nhận được, không phải sự thật”.

Một biên tập viên tình nguyện đã giúp xóa các bài viết của Zhemao cho biết họ thường chỉ kiểm tra việc đạo văn và đảm bảo trích dẫn đúng cách.

Trong một bài viết trên trang tiểu sử, tác giả Zhemao sau đó thừa nhận đã giả tạo toàn bộ thông tin cá nhân, cũng như thêu dệt thông tin. Người này thừa nhận không sống tại Nga và chồng là người Trung Quốc chứ không phải người Nga.

Ngoài ra, cô còn thừa nhận không có bằng tiến sĩ lịch sử thế giới tại Đại học Moscow như đã tự giới thiệu, mà chỉ là một người nội trợ với bằng tốt nghiệp trung học.

Dựa trên những nội dung Zhemao viết, trang Vice cho rằng cô này đã tức giận vì không hiểu các bài viết tiếng Nga và tiếng Anh. Dường như cô ta đã dịch trên mạng để hiểu những bài viết có sẵn và dùng trí tưởng tượng để thêm thắt.

Zhemao đã bị trang Wikipedia cấm vĩnh viễn, nhưng không có gì đảm bảo rằng người này có thể tìm một nền tảng khác để đăng các bài viết không đúng sự thật.

Trước đó đã có trường hợp tự xưng là chuyên gia trên trang Wikipedia. Vào năm 2007, một người viết nội dung trên trang này tự xưng là giáo sư đại học trước khi bị phát hiện là một thanh niên 24 tuổi tại Kentucky chưa từng có bằng cấp giáo dục bậc cao nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.