Thu phí cao tốc phải minh bạch

10/01/2023 08:07 GMT+7

Người dân bức xúc về việc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thu phí với thuế giá trị gia tăng (VAT) trở lại mức 10% nhưng cho ra giá cao hơn trước.

Bạn đọc cho rằng VEC và cơ quan quản lý phải làm minh bạch vấn đề này.

Nhiều tài xế cho biết giá vé cao tốc của VEC sau khi điều chỉnh VAT từ 8% lên 10% lại cao hơn thời điểm VAT 10% trước đây. Cụ thể, giá vé ô tô con đoạn cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình trước năm 2022 là 105.000 đồng/xe (VAT là 10%), sau khi giảm về 8% thì mức phí còn 103.000 đồng, nhưng khi VAT trở lại 10% từ đầu năm 2022 thì bất ngờ tăng lên thành 110.000 đồng/xe, cao hơn 5.000 đồng/xe. Chặng Nội Bài - Lào Cai, đoạn Km 6 đến IC7, giá vé ô tô con khi VAT 8% là 69.000 đồng/xe, nhưng khi VAT về lại 10% đã tăng lên 73.000 đồng/xe.

Trước năm 2022, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giá vé 100.000 đồng toàn tuyến (thuế VAT 10%). Đầu năm 2022 khi VAT về lại 8%, giá phí giảm còn 98.000 đồng/xe con, nhưng từ 1.1.2023 khi VAT điều chỉnh lại từ 8% lên 10%, giá thu phí trên tuyến này tăng lên thành 102.000 đồng.

Một trạm thu phí không dừng của VEC trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, ở tuyến cao tốc khác là Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) làm chủ đầu tư, mức phí trên tuyến này khi VAT 8% là 206.000 đồng, khi VAT về lại 10% là 210.000 đồng/xe, tức chỉ tăng đúng 2% VAT.

Vì sao nơi tăng, nơi không ?

Bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự khó hiểu về việc VEC áp lại mức thuế VAT 10% như cũ, nhưng giá cho ra không còn như cũ. “Tăng vài nghìn đồng một lượt qua trạm thì không lớn nếu tính đơn lẻ, kể cả một ngày đóng vài ba lượt. Nhưng đây là chuyện biểu giá áp dụng cho hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xe qua trạm. Có điều gì đó không rõ ràng. Cùng mức thuế nhưng tài xế bị trừ tiền nhiều hơn trước thì không thể hiểu được”, BĐ Hồng Phong nêu ý kiến.

BĐ duongtuan88 cho rằng cánh tài xế là những người chịu thiệt trước tiên nhưng không nhận được thông tin hoặc lời giải thích. “Thuế từ 8% trở lại 10% như lâu nay thì được báo trước, nhưng vì sao quy ra mức tiền khác đi lại không thấy ai nói. Những tài xế thường xuyên sử dụng cao tốc do VEC quản lý thì còn biết, người thỉnh thoảng mới đi qua làm sao biết”, BĐ này bình luận.

“Tôi đọc đi đọc lại cách giải thích của VEC mà vẫn không hình dung được lý do tăng ở chỗ nào. Đơn vị khác cũng dùng mức phí đó nhưng giá tiền đâu có tăng thêm đồng nào, chẳng lẽ họ chịu lỗ?”, BĐ blackpoint nhận xét khi đặt sự lý giải mức phí tăng của VEC bên cạnh thông tin mức phí giữ nguyên của đơn vị khác.

Trong khi đó, BĐ Xuan Phu chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng đóng thêm vài nghìn đồng nếu đường sá tốt hơn, giúp đơn vị quản lý sao cho cao tốc an toàn hơn. Nhưng với điều kiện mọi chuyện phải rõ ràng”.

Cần sớm làm rõ việc tăng phí

BĐ cho rằng hạ tầng giao thông giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tự cân đối thu chi, phải trên tinh thần tuân thủ luật định. “Doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện, cung cấp dịch vụ đường cao tốc thì không có nghĩa tùy tiện muốn làm gì làm, muốn thu bao nhiêu thu. Tất cả cần phải căn cứ theo luật, anh ép giá khi khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, họ phản ứng thì phải xem lại anh đã làm đúng chưa”, BĐ luongvuong nhìn nhận.

“Mỗi xe qua cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình bị tăng lên 5.000 đồng một lượt, vậy thử hỏi một ngày có bao nhiêu xe đi qua hai chiều, và số tiền chênh lệch 5.000 đồng kia nhân lên sẽ là bao nhiêu tỉ đồng?”, BĐ lamhaqv1976 nêu câu hỏi.

BĐ Lão Nông đưa ra góc nhìn: “Đọc thông tin thấy lãnh đạo Cục Cao tốc (Bộ GTVT) trả lời rằng việc tăng phí phải hỏi Vụ Tài chính quản lý thuế, giá, còn đại diện Bộ GTVT nói rằng VEC phải chịu trách nhiệm việc tăng giá phí, doanh nghiệp này được phép điều chỉnh giá trong phạm vi nhất định và báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Việc tăng giá phí có hợp lý hay không cần bên thứ 3 độc lập là kiểm toán, thanh tra vào cuộc đánh giá. Giống như trái bóng được chuyền từ tiền vệ về hậu vệ xong phát lên, thấy phát nản. Người dân hiện nay đâu còn như thời nào đâu mà nhập nhằng được với họ, cho dù đó là một đồng”.

“Cơ quan chức năng nào phải kiểm tra, công bố minh bạch vụ nhập nhèm này? Nếu có lèm nhèm thì cơ quan nào xử lý, chế tài, thậm chí là khởi tố? Nếu có trách nhiệm với dân thì phải làm ngay”, BĐ Anh Dung Nguyen đề nghị.

Nếu đã không minh bạch thì Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc, phát hiện vi phạm phải xử lý theo pháp luật và hoàn trả tiền chênh lệch cho dân.

Hồ Thị Hồng Hà

Làm tròn vài nghìn với một vài xe tưởng ít, nhưng hàng triệu lượt xe thì sẽ là không nhỏ. Và vấn đề là khoản này có vào ngân sách hay không ?

trinh cuong

Đề nghị cần có sự đổi mới trong quản lý phí của các trạm BOT, không để nhập nhèm chuyện thu phí.

Thuan Nguyen Van

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.