Tình người đảo xa

16/10/2022 11:00 GMT+7

Tôi là một nông dân, quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vậy nên suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn với mảnh vườn, miếng ruộng chứ nào có biết đi đâu.

May mắn tôi được làm quen với chú Tư làm nghề điện tử, do là mối quen nên lâu dần thành bạn. Vợ chú là giáo viên nhưng do thân thiết nên tôi coi chú thím như em út trong gia đình.

Hè này tôi may mắn được cùng chú thím đi ra đảo Thổ Châu để thăm người nhà là vợ chồng người em gái sinh sống ở đó. Mẹ ruột của chú cũng đang ở đây để tiếp con gái chăm cháu. Tôi rất náo nức với chuyến đi này vì lần đầu tiên được đi biển mà lại là đến một đảo tiền tiêu xa nhất đất liền. Để đến được Thổ Châu, chúng tôi di chuyển bằng xe Honda từ Cần Thơ đến bến tàu Rạch Giá. Sau đó từ Rạch Giá đi tàu đến Phú Quốc. Chúng tôi dừng chân ở Phú Quốc để tham quan một số điểm nổi bật như: nhà tù Phú Quốc, Dinh Cậu, suối Tranh… Đặc biệt là chúng tôi không thể bỏ qua Grand World được mệnh danh là thành phố không ngủ.

Bộ đội biên phòng giúp dân ở đảo Thổ Châu lợp lại mái nhà sau cơn dông ngày 12.7.2022

tgcc

Sáng hôm sau, nhóm chúng tôi có mặt lúc mười giờ ở bến tàu Bãi Vòng - thành phố Phú Quốc để khởi hành ra đảo Thổ Châu. Đảo Thổ Châu còn được biết tới với tên Thổ Chu là xã biên giới hải đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Với vị trí gần với đường biển quốc tế, đảo có vị trí quân sự vô cùng quan trọng nên được lực lượng biên phòng bảo vệ nghiêm ngặt để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có lẽ vì sự nghiêm ngặt này mà nơi đây chưa có các hoạt động du lịch chuyên nghiệp. Tuy nhiên nhờ đó mà Thổ Châu giữ lại được cho mình vẻ đẹp hoang sơ nhất mà những hòn đảo khác không có.

Khoảng gần ba giờ chiều chúng tôi mới đến đảo. Tàu vừa thả neo thì đã có em rể của chú Tư đón đợi sẵn ở đò để rước chúng tôi vào bờ. Nơi này là bãi Ngự và nghe nói là người dân sống ở đây phải di chuyển nhà mỗi năm hai lần. Vào mùa gió Tây Nam từ tháng tư đến tháng tám hàng năm, người dân chuyển sang ở bãi Dong; vào mùa gió Đông Bắc từ tháng chín đến tháng ba năm sau, họ lại quay về bãi Ngự. Vậy nên chúng tôi sẽ nghỉ tạm ở bãi Ngự và sau đó sẽ di chuyển bằng xe máy đến gia đình ở bãi Dong.

Điều mà chúng tôi cảm nhận đầu tiên là sự gần gũi, dễ mến không chỉ từ gia đình mà cả những người dân nơi đây. Họ đón chúng tôi bằng nụ cười và ánh mắt thân thiện. Mẹ và em gái của chú Tư đã chuẩn bị mâm cơm với thức ăn toàn hải sản như: lẩu cá đuối, cá xanh xương kho tộ, mực trứng xào. Rau quả trên đảo này khan hiếm và rất đắt do phải vận chuyển từ đất liền vào. Tuy nhiên, mẹ của chú Tư là một phụ nữ chịu khó đã tự trồng những loại rau thông thường trong những thùng xốp nên vẫn đủ để phục vụ nhu cầu hằng ngày như: rau muống, cải xanh, hẹ, hành, quế… Muốn ăn thêm thì qua khu vườn các anh bộ đội. Hải sản thì khỏi nói, do em rể chú Tư làm nghề đưa khách từ tàu vào bờ nên một mớ mực, cá, ghẹ hay các loại ốc biển người ta cho không đáng kể và dùng không hết, có khi phải muối nước đá hoặc phơi khô để dành.

Hầu như tất cả người dân về đây lập nghiệp đều là quê ở các tỉnh miền Tây như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long… Trong những ngày ở đây, tôi còn làm quen được với những người làm ở trạm khí tượng tên Hùng quê ở Ninh Bình, Toàn ở Đắc Lắc, Xá ở Huế; một số anh em là lính biên phòng là Thạch Hền quê ở Kiên Giang, Nam quê Thanh Hóa. Thú vị nhất là chúng tôi biết được em Lê Đình Phúc quê Cầu Giấy, Hà Nội khi được đón tiếp rất niềm nở. Phúc làm làm việc trạm hải đăng. Ngày hôm đó không có ca trực nên em tiếp chuyện với chúng tôi rất nhiệt tình và thoải mái qua những ấm chè xanh cứ chăm liên tục. Em tâm sự về đời tư, về công việc và cả gia đình. Vì đặc thù công việc nên những người làm công tác ở hải đảo như các anh em ở đây, có khi hai ba năm mới có dịp về quê. Câu nói mà tôi ấn tượng nhất là “Con thì gọi cha bằng chú; chó thấy chủ thì sủa gâu gâu” vì các anh em xa nhà quá lâu. Tuy là mọi người cười vui vẻ vì câu nói đó nhưng sao nghe thương cảm trong lòng!

Theo dự tính, chúng tôi sẽ ở đảo khoảng năm ngày rồi trở về đất liền. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước trong mùa dông bão nhưng thời gian vẫn nhiều hơn dự liệu. Biển động mạnh nên tàu không thể rời bến. Chúng tôi đành làm những người khách tạm trú bất đắc dĩ. Cũng may là việc ăn ngủ đã có người thân của chú Tư lo. Người dân ở nơi đây quen biết chủ nhà, cứ nằng nặc thay nhau mời chúng tôi ghé nhà dùng cơm. Cũng có khi gia đình đang dùng cơm thì có khách ghé ngang qua. Nói tiếng khách chứ thật ra họ là các anh em làm ở trạm khí tượng, là bộ đội biên phòng, là dân ở đảo mỗi ngày tới lui gặp mặt nhau như người trong nhà. Có khi gặp bữa thì họ cứ ngồi xuống ăn chung như cùng một gia đình.

Những ngày dông bão, tàu thuyền không được ra khơi. Người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Vậy nên những ngày này họ tranh thủ vá lưới, làm việc nhà. Buổi tối thì họ tụm lại tán gẫu và cùng nhâm nhi vài ly rượu sim với mớ khô mực, khô khoai dự trữ. Họ cũng hướng dẫn chúng tôi giết thời gian bằng việc khám phá hết các nơi cần đi trên đảo. Tìm thú vui bằng cách đi câu cá, câu mực, bắt ốc biển, lặn biển ngắm san hô, tìm hiểu về đời sống của người dân ở đây.

Ngày thứ năm kể từ khi chúng tôi đến, bão bắt đầu mạnh lên. Hậu quả là gần ba mươi căn nhà bị thiệt hại nặng. Điều mà tôi ấn tượng và ngưỡng mộ là tinh thần làm việc của các chiến sĩ sống trên hải đảo. Từ sáng sớm đồn Biên phòng Thổ Châu đã nhanh chóng huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa dông gây ra. Nhìn thái độ làm việc của các chiến sĩ cứ liên tục kéo hết những chiếc thuyền của ngư dân bị chìm do ảnh hưởng của gió lốc như chính tài sản của mình tôi thật sự khâm phục họ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở dưới nước, những người bộ đội biên phòng quay lên bờ giúp dân lợp lại các mái nhà bị tốc. Điều đáng quý ở họ là trong quá trình làm việc, họ tự trang bị cũng như chuẩn bị nước uống chứ không có chút gì chờ đợi hay đòi hỏi ở người dân. Thân tình hơn khi tôi chứng kiến các người lính biên phòng phân phát nước uống cho những đứa trẻ trên đảo như những người anh quan tâm đến các em mình.

Vậy là hơn nửa tháng chúng tôi sống trên đảo trong sự chăm lo chu đáo trong gia đình chú Tư. Bão đã qua, ngày về cũng đã đến. Chúng tôi, không ai nói ra nhưng đều bịn rịn. Người dân ở đây cũng đến để chia tay với chúng tôi. Tôi rất mong mọi người hãy một lần đến với đảo Thổ Châu để cảm nhận một cuộc sống rất khác ở trên một xã đảo cách xa đất liền - Đảo xa rất tình người là điều mà chúng tôi cảm nhận khi đến nơi đây!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.