Trung Quốc nỗ lực vực dậy dân số

20/03/2024 07:15 GMT+7

Chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã có nhiều chính sách nhằm ngăn chặn xu hướng già hóa và suy giảm dân số ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Dân số Trung Quốc giảm?

Bộ Nội vụ Trung Quốc vừa qua công bố dữ liệu mới cho thấy số lượng các cặp đôi kết hôn ở Trung Quốc năm 2023 là 7,68 triệu, tăng 12,4% so với một năm trước đó, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài gần một thập niên.

Người dân xem múa rồng tại Bắc Kinh gần đâyẢnh: AFP

Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tỷ suất sinh

AFP

Sự phục hồi này được cho là xuất phát từ việc đời sống của người dân và nền kinh tế đất nước đã trở lại quỹ đạo sau khi kết thúc đại dịch Covid-19. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời giới quan sát nhận định rằng sự dịch chuyển này còn cho thấy việc thi hành các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con trong những năm gần đây đã phát huy hiệu quả.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thái độ của thế hệ trẻ Trung Quốc đối với việc kết hôn và sinh con cũng thay đổi nhanh chóng. Theo Hoàn Cầu thời báo, quan niệm về việc sinh ít con, nhưng đảm bảo trẻ được nuôi dưỡng và giáo dục chất lượng cao đã trở thành quan điểm xã hội chính thống. 

Số lượng cặp đôi đăng ký kết hôn tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013 với 13,46 triệu cặp và liên tục giảm trong những năm tiếp theo. Dữ liệu chính thức những năm gần đây cho thấy tỷ suất sinh, tức số lượng con mà mỗi phụ nữ sinh ra, đã giảm xuống dưới mức 1,3. Năm ngoái, chỉ có khoảng 9 triệu trẻ được sinh ra tại Trung Quốc, mức thấp nhất từ năm 1949. Dân số nước này trong năm 2023 cũng giảm xuống trong năm thứ 2 liên tiếp, còn 1,4 tỉ người. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động (từ 16 - 59 tuổi) sau khi đạt đỉnh vào năm 2011 đã tiếp tục giảm xuống, chiếm 61,3% tổng dân số, trong khi hơn 20% dân số là người từ 60 tuổi trở lên.

Nhiều biện pháp khuyến khích

Việc dân số già hóa và suy giảm đã đặt ra những lo ngại về gánh nặng xã hội và khả năng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế. Việc tăng tỷ suất sinh là ưu tiên của chính quyền Trung Quốc những năm gần đây.

Năm 2015, nước này bãi bỏ chính sách "một con" và ngày nay, các cặp vợ chồng được phép có đến 3 con. Chính quyền trung ương lẫn nhiều địa phương cũng thực hiện các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con khi đến tuổi phù hợp như miễn thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cấm các công ty dạy thêm tư nhân dạy các môn học chính và mở lớp vào ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ.

Các vấn đề về việc làm cho giới trẻ, kết hôn, sinh con, nhà ở và chăm sóc y tế thu hút sự quan tâm lớn tại kỳ họp "lưỡng hội" vừa diễn ra trong tháng này tại Bắc Kinh. Theo Hoàn Cầu thời báo, các đại biểu đã gợi ý nhiều chính sách như tích hợp dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ vào hệ thống dịch vụ công, ban hành chính sách thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho người lao động. Trong năm nay, nhiều địa phương cũng đã đề xuất thêm các chính sách để thúc đẩy việc sinh con.

Ông Vương Bồi An, Chủ tịch Ủy ban hàn lâm của Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển y tế và dân số quốc gia Trung Quốc, cho rằng dù dân số được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm con rồng, xu hướng tỷ suất sinh nhiều khả năng tiếp tục ở mức thấp trong tương lai gần. "Chỉ có cách thúc đẩy tỷ suất sinh mới có thể đạt được mục tiêu phát triển dân số cân bằng lâu dài và giảm nhẹ tác động cấu trúc đối với phát triển kinh tế và xã hội", ông Vương, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và y tế quốc gia, nhận định.

Tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc lần đầu tăng sau 12 năm

Tổ chức thống kê Statistics Korea của chính phủ Hàn Quốc hôm qua công bố dữ liệu cho thấy có khoảng 194.000 cặp đôi kết hôn trong năm 2023, tăng 1% so với năm trước đó, theo Hãng tin Yonhap.

Đây là mức tăng đầu tiên từ năm 2011. Sự thay đổi diễn ra khi Hàn Quốc bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội sau đại dịch Covid-19. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc trong quý 4/2023 giảm xuống mức thấp kỷ lục là 0,65 con/phụ nữ. Theo Reuters, khảo sát cho thấy hầu hết người Hàn Quốc nói rằng chi phí nhà ở là trở ngại lớn nhất cho việc kết hôn, trong khi lo ngại về việc thăng tiến trong sự nghiệp và chi phí nuôi con khiến phụ nữ hoãn hoặc không sinh con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.