Cô gái và tuyến hỏa xa
Chiếc đầu tàu tiến mãi tiến mãi về phía trước trong một tỷ lệ “vàng” trên bức vẽ quảng cáo đường sắt Đông Dương. Đó là trang bìa của tập quảng cáo 16 trang về tuyến đường sắt và công ty hỏa xa mà danh họa Tô Ngọc Vân vẽ khi ông mới chỉ là sinh viên năm thứ hai Trường Mỹ thuật Đông Dương. Hình trang bìa này được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong chuyên đề về Trường Mỹ thuật Đông Dương và mỹ thuật ứng dụng đầu thế kỷ 20.
Cũng trong trưng bày, ông Tô Ngọc Vân còn có một phiên bản tranh là Hai thiếu nữ và em bé. “Nó cho thấy một Tô Ngọc Vân khác của thiết kế đồ họa. Ông không chỉ có những bức sơn dầu nổi tiếng mà còn có những sản phẩm đồ họa quảng cáo từ rất sớm”, nhà nghiên cứu Phạm Long, thành viên nhóm tổ chức trưng bày, nói.
Cũng theo ông Long, cùng với Trường Mỹ thuật Đông Dương và rất nhiều họa sĩ là thầy giáo, sinh viên, mỹ thuật công nghiệp VN đã có những bước tiến thú vị. Nó tác động đến đời sống, khiến lối sống người dân cũng thay đổi. Chẳng hạn, các sản phẩm quảng cáo xuất hiện nhiều hơn. Một đoạn quảng cáo cho quảng cáo trên Báo Phong Hóa cũng được trưng bày. Quảng cáo viết: “Hội chợ Hà Nội lần thứ 12. Về phương diện quảng cáo không gì hiệu nghiệm bằng nhờ phòng C.P.A trần thiết cửa hàng và trưng bày hàng hóa. Vì C.P.A có những nhà chuyên môn trông nom như ông Nguyễn Cao Luyện, kiến trúc sư và hai ông Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường. Xin mời lại thương lượng với M.Nguyễn Trọng Trạc”.
Bên cạnh quảng cáo, ông Long còn cho biết một cú hích quan trọng với đời sống kinh tế là các hội chợ đấu xảo tại Hà Nội hoặc Paris. Đây là một hội chợ - triển lãm tầm vóc quốc tế, diễn ra với mục đích quảng bá các sản phẩm thương mại khu vực châu Á. Bản thân các giảng viên, sinh viên Trường Mỹ thật Đông Dương cũng tham gia việc thực hiện hội chợ.
Nội thất đặt hàng cá nhân
Trong khi đó, một họa sĩ của trường là ông Trịnh Hữu Ngọc lại có cách riêng để thay đổi đời sống đô thị Hà Nội khi ấy. “Trước đó, người dân thường quen dùng sập gụ, tủ chè chạm trổ theo lối cũ. Nhưng cụ Trịnh Hữu Ngọc đã thay đổi điều đó. Ông có những thiết kế hiện đại mà vẫn phù hợp với tỷ lệ nhân chủng học của người VN. Và đồ đạc trong nhà nhiều người đã thay đổi, thời kỳ đầu, chủ yếu là người giàu”, ông Long chia sẻ. Công chúng có thể chiêm ngưỡng nhiều mẫu thiết kế của ông Ngọc tại triển lãm.
Cuốn sách về ông Trịnh Hữu Ngọc do gia đình xuất bản cho biết, năm 1939, ông Ngọc bắt đầu quyết định sinh sống bằng trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ quý. Khi đó, ông mở xưởng thiết kế nho nhỏ ở 47 Hàng Đậu và chỉ có 2 thợ. Rồi ông dọn về khu đất số 19 Rue Jean Soler, bây giờ là 78 Bông Nhuộm. Ông Ngọc cũng vay tiền ngân hàng xây dựng khu đất hơn ngàn mét vuông thành một quần thể nhà ở gia đình và xưởng mộc lớn với đầy đủ máy móc nhập từ Pháp sang và gần hai chục người thợ tinh tuyển. Ông đặt tên xưởng là MÉMO Ébénisterue. Đây là nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ kiểu mới đầu tiên ở VN do một họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khởi xướng. “MÉMO là ở chữ mémoire, muốn nói rằng ai đã dùng đồ của mình là sẽ nhớ mãi”, ông Ngọc khi đó xác định. Những người thợ mộc nhà MÉMO có thợ cả phụ trách là cai Tường, sau này là nghệ nhân mộc của Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Cũng có đồ dùng mà ông Ngọc thiết kế đã đi vào lịch sử. Theo tư liệu gia đình, năm 1945, ông làm toàn bộ nội thất đồ gỗ nhà 48 Hàng Ngang cho thân chủ Trịnh Văn Bô, vừa lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về đó ở và viết bản Tuyên ngôn độc lập cho nước VN Dân chủ Cộng hòa. Theo đề nghị của ông Nguyễn Hữu Đang và Ngô Huy Quỳnh, ông Ngọc cũng đóng góp gỗ và thợ của xưởng MÉMO để dựng lễ đài tuyên bố VN độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945.
Bình luận (0)