Quốc ca không thể đùa

21/10/2015 05:30 GMT+7

Các chuyên gia văn hóa cho rằng các bài hát chế có thể được thông cảm bỏ qua, nhưng với những bài mang tính biểu tượng thì tuyệt đối không.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng các bài hát chế có thể được thông cảm bỏ qua, nhưng với những bài mang tính biểu tượng thì tuyệt đối không.

Thanh niên thủ đô hát Quốc ca trong chương trình Tôi yêu Tổ quốc tôi - Ảnh: Đông HàThanh niên thủ đô hát Quốc ca trong chương trình Tôi yêu Tổ quốc tôi - Ảnh: Đông Hà
Đừng xúc phạm những điều thiêng liêng
Nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Nguyễn Hùng Vĩ - giảng viên Khoa Văn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - không lạ lùng gì với các bài hát chế lời. Đó là một phần của văn hóa dân gian. Tuy nhiên, theo ông Vỹ, không thể tùy tiện cái gì cũng chế lời được. “Quan điểm thì sẽ xét trên từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, Quốc ca, Quốc huy, tiền mặt... có những quy định riêng để đối xử với nó. Những đối tượng này tuyệt đối không được vi phạm”, ông nói.
Ông Vĩ cũng nhắc tới bài hát Quảng Bình quê ta ơi có câu “Khoan khoan hò khoan”. Để nói về thiếu thốn lương thực trong một giai đoạn cũng có câu chế là “Khoai khoai toàn khoai”. “Đó là một bài hát bình thường. Nó không phải là một biểu tượng. Tất cả các bài đều có thể chế được, trừ những bài có liên quan đến Quốc ca, Quốc huy, tiền mặt... Có cái không thành luật nhưng cũng nên tránh là thánh ca của các tôn giáo. Về mặt văn hóa không nên, và không được như vậy” - ông nói.
Với trường hợp cụ thể của “Cen ca”, ông Vĩ cho rằng rất khó chấp nhận. “Thiếu gì cách để có thể tạo ra đơn vị ca, công ty ca mà không ảnh hưởng đến những điều thiêng liêng. Không nên đùa với những điều đã trở thành thiêng liêng. Thượng tôn những biểu tượng của quốc gia phải được đặt lên hàng đầu”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho rằng việc chế Quốc ca là điều không thể chấp nhận. “Quốc ca không được động đến. Bất kỳ bài nào cũng chế được nhưng Quốc ca không được chế”, ông Kha nói.
Ngày 20.10, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, cơ quan an ninh của Công an TP.HCM đang tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ về việc một công ty bất động sản tổ chức cho nhân viên hát chế lời của bài Quốc ca trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập công ty tại khu du lịch Bình Quới 1 (Q.Bình Thạnh). Trong tuần này, cơ quan an ninh sẽ mời lãnh đạo của đơn vị tổ chức hát lên truy hỏi nhằm xác định nguồn gốc xuất phát cũng như tác giả của bài hát "chế" để có cơ sở xử lý.
Đàm Huy
Một chuyên gia thương hiệu cho biết, từ góc độ nhãn hàng và văn hóa doanh nghiệp, hành động chế Quốc ca làm bài hát của doanh nghiệp là điều không thể chấp nhận được. “Nếu căn cứ từ góc độ quảng cáo và văn hóa doanh nghiệp thì đây là hành động thiếu văn hóa. Vì khi quảng cáo người ta cũng tránh va chạm đến các biểu tượng, các giá trị được tôn trọng của cộng đồng. Quốc ca là một biểu tượng như vậy. Điều này rất dễ gây phản ứng của công chúng”, chuyên gia thương hiệu này cho biết. Trên thực tế, chính người chứng kiến đã bất bình mà cung cấp clip quay việc hát chế Quốc ca phản cảm cho Báo Thanh Niên.
“Tự dưng sao Quốc ca thành đơn vị ca được. Cái đó về quyền tác giả là xâm phạm quyền tác giả đấy. Mà với quốc gia đó là bêu rếu. Rõ ràng đây là một hành vi vô văn hóa”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nói.
Sẽ bổ sung tội danh xúc phạm quốc ca
Một TS luật hình sự, cựu giảng viên luật hình sự của Đại học Luật Hà Nội cho biết theo Hiến pháp 2013, điều 13 quy định về cả Quốc ca, Quốc kỳ và Quốc huy. Trong đó “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.
Mặc dù vậy, theo TS này, tại luật Hình sự hiện hành, không có quy định cụ thể về việc cố ý xúc phạm Quốc ca. Tuy nhiên, tại điều 276 có quy định tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy. Theo đó, luật quy định người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. “Tôi nghĩ cả Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca đều là những biểu tượng thiêng liêng của đất nước”, ông nói.
Tuy nhiên, vị TS này cũng cho biết thêm, tại dự thảo luật Hình sự sửa đổi bổ sung, dự kiến sẽ trình vào cuối năm nay, tội danh xúc phạm Quốc ca cũng đã được bổ sung.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết: “Việc chế lời Quốc ca, hát ở nơi công cộng, chắc chắn sẽ bị xử phạt”. Cũng theo ông Phúc, có hai căn cứ để có thể xử phạt hành vi này vì hành vi xuyên tạc lời ca. Đó là Nghị định 79, Nghị định 158.
Thận trọng và cẩu thả với Quốc ca
- Ngày 21.1.2013, nữ danh ca Beyoncé có màn trình diễn quốc ca Mỹ một cách “hoàn hảo” trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama. Nhưng một thành viên của ban nhạc chơi tại sự kiện trên đã tiết lộ rằng cô chỉ nhép môi theo phần thu âm sẵn của ca khúc, khiến người hâm mộ rất thất vọng. Sau đó trong một cuộc họp báo, Beyoncé đã hát vang bài quốc ca một cách đầy tự tin và thừa nhận việc hát nhép trong sự kiện nói trên; cô giải thích rằng cô đã cật lực tập luyện bài hát nhưng do không đủ thời gian tập với ban nhạc và kiểm tra âm thanh nên đã quyết định hát nhép để tránh rủi ro cho một sự kiện quan trọng. Lời giải thích của cô đã xoa dịu được người hâm mộ.
- Tháng 3.2012, tại giải vô địch bắn súng ở Kuwait, nữ vận động viên Maria Dmitrienko (người Kazakhstan) đã phải đứng “chết trân chịu trận” khi BTC giải thay vì phát quốc ca Kazakhstan đã phát một... bản nhạc chế quốc ca nước này, trong đó có những lời lẽ hết sức thô tục phản cảm. BTC đã giải thích rằng bản nhạc chế kia được họ... tải trên mạng xuống.
Xuyên Vân (tổng hợp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.