Đi đánh bài chòi

25/07/2020 06:25 GMT+7

Nhà tôi thuộc cái xóm nhỏ, gần sông Bàn Thạch , đứng ở sân nhà có thể nhìn thấy núi Đá Bia.

Xóm được chục nóc nhà, làm ruộng nuôi bò, quanh năm thấp thỏm miếng cơm manh áo nhưng tết đến rộn ràng phải biết - vì có bài chòi.
Thực ra, miền Trung không phải chỉ tết mới có bài chòi nhưng ở xã tôi, muốn đánh bài chòi phải đợi tết. Ký ức của tôi là những ngày giáp tết, lũ con nít cứ chộn rộn, lấp ló trước cái sân lẫm (nơi làng thờ cúng) thăm chừng người lớn đã dựng chòi chưa. Ra thăm mà chưa thấy động tĩnh thì bụng dạ bất an, sợ không có bài chòi thì chẳng thành tết. Rồi có một hôm đi học về, bất ngờ thấy mọc lên mấy cái chòi cao ráo thì mừng... dzấp (vấp) té. Reo hò inh ỏi! Cả bọn ào vô, mỗi đứa leo lên một cái chòi ngồi, đủ tư thế. Đứa đạo mạo, đứa chễm chệ, đứa vắt vẻo nhưng điểm chung là không giấu được niềm sung sướng đang phủ phê ra mặt. Chỉ là leo lên chòi ngồi nhưng cảm giác lạ lẫm, trang nghiêm - thấy mình được trọng vọng như một ông hoàng, bà chúa. Đây là cảm giác hoàn toàn có thực mà nếu không được leo lên chòi ngồi thì sẽ khó lòng tin đó là lời nói thật. Sướng mê! Chúng tôi ngất ngây. Đứa nào cũng cười tít mắt, yên chí tết này sẽ vui, rất vui.
Không chỉ con nít mà người lớn cũng thích bài chòi, có khi còn ghiền hơn. Quê tôi có câu “Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc đến lòi rún (rốn) ra”. Ba tôi kể, chuyện thiệt như... bịa. Có nhiều bà mẹ mê bài chòi, nách con nhỏ theo, ngồi chơi mà con cứ nhờ nhợ khóc, không thể nghỉ ngang vậy là lật áo cho bú “tại trận” luôn. Có những cặp vợ chồng cãi nhau vì ai cũng giành đi đánh bài chòi. Cuối cùng phải chia lượt, thay phiên nhau người giữ nhà người đi đánh bài chòi cho công bằng.
Vậy đấy, cái xóm nhỏ lặng lẽ, mỗi khi có hội bài chòi, thiệt là nô nức, ai nấy mặc đồ thiệt đẹp đi phó hội. Những cụ già ngồi chủ trì phía hàng ghế được đặt trong rạp mát, nơi có thể quan sát được tất cả các chòi. Người lớn đăng ký, được ngồi chòi chơi còn lũ nhỏ đứng quanh chân cột, nếu trên chòi có người quen của mình thì hãnh diện bội phần. Tất cả các chòi và khán giả đều nín thở, xem anh Hiệu hai tay ôm lắc ống rồi rút ra một lá, vừa hát vừa làm động tác rồi hô tên con bài như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Tam Quăng, Tứ Cẳng, Ba Gà, Bảy Thưa… ứng với tên được ghi trong thẻ tre phát về các chòi. Chòi nào được ba lá bài đầu tiên thì chòi đó... tới (thắng).
Con nít không được chơi bài chòi mà chỉ đứng coi thì ức lắm. Không cam tâm. Lũ tôi nhân lúc chăn bò, tranh thủ những đám đất trống bên sông, lấy những cành cây to, cắm phập xuống tượng trưng cái chòi, rồi cử một đứa làm anh Hiệu và chơi. Anh Hiệu thay phiên làm, đứa nào cũng thích đóng vai này. Phải cố gắng biểu cảm hết sức, hô cho thiệt hay. Chơi rất nhiệt tình, cực kỳ nghiêm túc và đặc biệt rất vui. Kết quả đứa nào cũng lĩnh thêm một cái tên mới từ trò chơi bài chòi. Thằng Nhu được gọi Ba Gà, con Nhiệm có tên Nhứt Nọc và tôi là Bảy Thưa.
Má kể, có một đêm xuân, khuya má nghe tiếng thút thít. Má hỏi, bé, có chuyện gì mà nằm khóc hoài không chịu ngủ? Tôi khóc òa, trả lời, con thèm được chơi bài chòi. Má kêu nhỏ mà bài chòi gì, vậy là tôi khóc to. Má đành dỗ, thôi ngủ đi, mai tao biểu ổng dẫn đi ngồi chòi cho đỡ thèm! Mỗi lần kể chuyện này má đều mắng, cha con đều nghiện bài chòi, bắt mệt, rồi cười tủm tỉm.
Tôi đã nghĩ đó là mùa xuân đẹp nhất của tuổi thơ. Mùa xuân đó, tôi được mặc chiếc đầm viền bèo nhún, bềnh bồng (mượn của con em kề), đeo cái gương nhựa, cột tóc cây dừa. Lúc bước từng bậc lên chòi, tôi có cảm giác mình là một đại, đại tiểu thư. Lúc được ba đưa tay, bế thốc, bỏ ngồi cạnh trong chòi, tôi có cảm giác mình là công chúa, được ngồi bên vị hoàng đế oai phong lẫm liệt.
Vậy đấy, bài chòi đã cho tuổi thơ tôi những ký ức đẹp đẽ và cái tên Bảy Thưa đã trở thành kỷ niệm không gì tẩy xóa. Đến nỗi bây giờ, thèm được một lần nghe ai đó gọi mình là Bảy Thưa. Để nghe tim mình rạo rực, nhớ đến cảnh được mặc đồ đẹp bước lên chòi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.