Vì sao châu Âu rúng động vì biểu tình, đình công?

Vì sao châu Âu rúng động vì biểu tình, đình công?

09/04/2023 09:25 GMT+7

Các nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã phải chi hàng tỉ USD để làm giảm nhẹ khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, điều này vẫn là chưa đủ để ngăn chặn những xung đột chính trị, xã hội và công nghiệp lan rộng nhất sau nhiều thập niên.

Nước Pháp đang sống thêm những ngày mệt mỏi vì biểu tình trên đường phố và đình công rộng khắp, chủ yếu nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.

Còn tại Đức, vào tháng 3 máy bay, xe lửa và cả xe buýt đều ngừng hoạt động vì ngày đình công quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên.

Giá lương thực và năng lượng tăng cao đã góp phần đẩy mạnh lạm phát và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người dân châu Âu cũng như những nơi khác. Ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng với những người thu nhập thấp. 

Ông Gregory Claey thuộc tổ chức tư vấn kinh tế Brugel có trụ sở tại Bỉ cho rằng: "Nếu bạn thuộc nhóm người có thu nhập thấp thì mức độ lạm phát ảnh hưởng bạn sẽ cao hơn. Bởi vì bạn sẽ phải tiêu nhiều tiền hơn vào những mặt hàng đã bị tăng giá lên rất cao như năng lượng và thực phẩm…"

Các cuộc biểu tình lớn gần đây cho thấy nhiều người lao động châu Âu đã quyết định đấu tranh để duy trì lợi ích của mình trong chiếc bánh kinh tế vốn đang bị "teo tóp".

Chính phủ một số quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức như dân số già, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc xung đột tại Ukraine và chấm dứt lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Tất cả những điều này đã khiến giới lãnh đạo không mặn mà với việc tăng lương trong các lĩnh vực công.

Nhưng các nghiệp đoàn cho rằng châu Âu vẫn tạo ra đủ của cải để giữ cho tiền lương đuổi kịp lạm phát.

Ông Owen Tudor, phó Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Quốc tế tại Brussels (Bỉ), nói: "Tiền lương giờ đây không đuổi kịp chi phí sinh hoạt và như vậy một số công nhân đã bắt đầu hành động. Họ vừa mới thoát khỏi thời gian đại dịch khó khăn. Họ lại phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Vì vậy, người lao động thời điểm này phải đối mặt với rất nhiều lo lắng trong thị trường lao động".

Việc đảm bảo tăng lương bền vững đã là bài toán khó đối với người lao động tại châu Âu nếu so sánh với Mỹ, nơi tình trạng thiếu lao động sau dịch Covid-19 đã tạo lợi thế cho người lao động.

Ông Gregory Claeys cho rằng: "Sẽ thật sự khó khăn hơn, chẳng hạn như một người lao động tại Ý, Tây Ban Nha hay Hy Lạp sẽ khó đòi hỏi tăng lương hơn trong khi ngoài kia vẫn còn nhiều người đang thất nghiệp. Đây không phải là chuyện đang xảy ra với người lao động tại Mỹ, vì ở Mỹ người lao động đang có lợi thế đàm phán lương cao hơn. Ở châu Âu thì không như vậy, vì thế nó bộc phát ra thành tình trạng bất ổn xã hội hiện nay".

Sự gia tăng lợi nhuận của các công ty châu Âu và lợi ích của cổ đông cũng làm trầm trọng thêm cảm giác bất bình đẳng trong xã hội.

Những người ủng hộ công đoàn như ông Owen Tudor nói rằng chính phủ các nước châu Âu có thể dễ dàng tái cân bằng ngân sách bằng cách áp dụng những biện pháp mà về chính trị thường không được ưa chuộng, như tăng thuế đối với người giàu.

Ông Owen Tudor nhận xét rằng: "Các chính phủ dường như vẫn bị mắc kẹt trong hệ tư tưởng rằng họ không thể tăng thuế đáng kể và do đó họ tự áp đặt cho mình một sự hạn chế giả tạo đối với khả năng trả lương cao hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn quan ngại trong một số nhóm chính trị về mức chi tiêu công, mức thuế, mức dịch vụ công. Vì vậy, chúng ta vẫn đang chứng kiến những nỗ lực làm giảm tiền lương xã hội. Trong trường hợp của nước Pháp, là về quyền lợi lương hưu. Pháp là một quốc gia giàu có và nhờ năng suất lao động tăng trong 10 năm qua, Pháp có thể dễ dàng duy trì chế độ lương hưu ở mức hiện tại mà không cần phải làm những gì mà Tổng thống Macron đang cố gắng làm. Điều đó chỉ làm tăng gấp đôi cơn phẫn nộ từ những người lao động".

Và điều đó có thể đồng nghĩa với việc sẽ ngày càng có nhiều cuộc đình công hơn ở Đức và Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.