Việt Nam đã có liên hoan phim đúng nghĩa?

Ngọc An
Ngọc An
18/07/2020 06:15 GMT+7

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là liên hoan phim quốc tế duy nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, liên hoan phim này vẫn chưa thực sự đúng nghĩa.

Buổi tọa đàm trực tuyến Liên hoan phim như một không gian văn hóa sáng tạo - kinh nghiệm tại Việt Nam và trên thế giới, do Hội đồng Anh tổ chức chiều 17.7 với sự tham gia của diễn giả - đạo diễn Phan Đăng Di. “Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội có mô hình ban đầu khá bài bản và chắc chắn, nhưng để nói đúng nghĩa là LHP quốc tế thì chưa. Bởi một LHP quốc tế không thể chuyên nghiệp khi mà 2 năm mới tổ chức một lần”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận.
Anh lý giải: “Một trong những điều quan trọng với LHP là phải tạo ra sự gắn kết liên tục, để từ đó tìm giải pháp cho điện ảnh, cũng như tìm kiếm, theo dõi, hỗ trợ tài năng phát triển”.
Hiện nay, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) là đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức LHP quốc tế Hà Nội. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, Cục Điện ảnh chưa đủ nhân sự có kinh nghiệm trong việc tổ chức LHP quốc tế, vốn là sự kiện văn hóa đòi hỏi khả năng quản lý cao mới đảm trách được. Bên cạnh lý do không được tổ chức thường niên, LHP quốc tế Hà Nội chưa phát triển, mở rộng giao lưu với thế giới vì vướng nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tồn tại trong thời gian dài là kiểm duyệt. Trong khi đó, muốn tổ chức LHP quốc tế thu hút tiếng nói điện ảnh từ khắp nơi đến đây thì cần có sự tôn trọng tối thiểu với những tác phẩm điện ảnh nguyên bản. “LHP cần là nơi khuyến khích sáng tạo, tự do biểu đạt, đồng thời tạo nguồn, nuôi dưỡng tài năng”, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ.
Hiện trên thế giới có hàng nghìn LHP quốc tế. Trong khi đó, đến giờ, Việt Nam mới chỉ có một LHP quốc tế. “Do xuất phát điện ảnh Việt Nam phụ thuộc vào nhà nước, bên cạnh đó chúng ta chưa có luật, hay chính sách rõ ràng để khuyến khích, thúc đẩy việc tổ chức LHP”, đạo diễn Phan Đăng Di nói. Khóa học Gặp gỡ mùa thu mà Phan Đăng Di là một trong những người khởi xướng, là nơi bước ra của nhiều nhà làm phim thuộc thế hệ mới được nhìn nhận ở nhiều LHP quốc tế danh tiếng như Phạm Ngọc Lân, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bảo… Nhiều nhà giám tuyển từ những LHP lớn của khu vực và thế giới cũng đến đây để kiếm tìm tài năng, những dự án xuất sắc. Tuy vậy, theo đạo diễn Phan Đăng Di, rất khó để Gặp gỡ mùa thu trở thành LHP. Anh cho rằng một trong những yếu tố cần là sự ủng hộ từ nhà nước.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, LHP quốc tế Hà Nội theo dự kiến diễn ra cuối năm nay đã phải hoãn lại và lùi sang năm 2022. Nhà tổ chức Gặp gỡ mùa thu cũng gần như không thể thực hiện khóa học trong năm nay. Có vẻ như đến giờ, sự kiện điện ảnh gần như chắc chắn là LHP Việt Nam lần thứ 22 sẽ diễn ra tại TP.Huế trong năm sau.
Vừa qua, hội thảo Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam đã diễn ra tại TP.HCM. Trong đó, nhiều nghệ sĩ đã không ngại nhìn thẳng vào những tồn tại của LHP Việt Nam. Đạo diễn Leon Quang Lê, người đã nhận giải Bông sen vàng cho bộ phim Song Lang, rất tâm tư khi cả người trong lẫn ngoài nghề đều không xem trọng giải thưởng này. Đạo diễn Hồng Ánh thừa nhận 10 năm trở lại đây chị cũng như nhiều người trong giới làm phim không còn hào hứng với Bông sen (giải thưởng LHP Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức) hay Cánh diều (giải thưởng do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức).
Có nhiều vấn đề cần làm với việc tổ chức một LHP trong nước cũng như LHP quốc tế tại Việt Nam. Nhà tổ chức - mà ở đây là cơ quan quản lý văn hóa - cần hiểu: “LHP không chỉ là chỗ giới thiệu điện ảnh, nơi các bộ phim tranh giải, mà ở đó còn phản ánh chiến lược dài hơi trong phát triển điện ảnh, văn hóa”, như ý kiến bày tỏ của đạo diễn Phan Đăng Di.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.