Việt Nam, Thái Lan, Philippines đua giảm thuế, thu hút doanh nghiệp ngoại

23/09/2016 20:46 GMT+7

Tờ Nikkei Asian Review cho hay hiện có một cuộc đua giảm thuế giữa một số nước Đông Nam Á với kỳ vọng thu hút công ty nước ngoài.

Philippines có kế hoạch giảm mức thuế tương đối cao 30% xuống còn 25% vào cuối năm 2017 trong nỗ lực cải cách thuế rộng hơn của nước này. Các nhà sản xuất từ Nhật Bản và nhiều nơi khác thường xuyên chọn đặt hoạt động ở Thái Lan, Indonesia thay vì Philippines.
Chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người nhậm chức vào cuối tháng 6 - đang tìm cách thu hút các nhà sản xuất đến những nơi nhỏ hơn để tạo công ăn việc làm. Mục tiêu cuối cùng của nước này là thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa thủ đô và các vùng còn lại.
Việt Nam đang suy nghĩ về việc giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng vừa thừa nhận rằng mức thuế 20% hiện hành là quá cao so với các doanh nghiệp loại này. Mức thuế mới có thể ở ngưỡng 15% đến 17%. Đối với những doanh nghiệp trong các làng và thành phố nhỏ hơn, mức thuế 10% có thể được áp dụng. Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh nỗ lực, hướng tới mục tiêu biến đất nước thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020.
Trong khi đó, Thái Lan cũng vừa hạ mức thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn từ 30% xuống 20% trong tháng 3, biến đợt giảm thuế tạm thời được cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra giới thiệu vào năm 2013 thành vĩnh viễn.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Nhật Bản ở Bangkok Tsuyoshi Inoue cho hay giới doanh nghiệp giờ đây không còn phải lo về việc thuế tăng đến 30%. Phòng hiện có 1.700 công ty thành viên. Chủ tịch mảng hoạt động ở Thái Lan Yoshikazu Konishi của nhà sản xuất phụ tùng ô tô Jtekt bày tỏ hy vọng rằng các ưu đãi đầu tư của nước này vẫn sẽ có tính cạnh tranh với nhiều nước láng giềng.
Xa hơn về phía nam, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi cũng đang tiến hành các bước để củng cố thuế gián tiếp, thay đổi từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, vào loại thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia. Luật pháp về điều này được phê duyệt hồi tháng 8. Sự phê duyệt của các tiểu bang và vùng lãnh thổ cũng đang có vẻ khả thi. Thuế hàng hóa và dịch vụ được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản phẩm quốc nội của quốc gia Nam Á lên 0,5 điểm phần trăm. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc đại tu hệ thống thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.