Xem nhanh: Ngày 364 chiến dịch, Mỹ nghi Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí; nội bộ quân Nga rạn nứt?

Xem nhanh: Ngày 364 chiến dịch, Mỹ nghi Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí; nội bộ quân Nga rạn nứt?

23/02/2023 23:29 GMT+7

Ngày 22.2, phiên họp đặc biệt lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã diễn ra để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine.

Tại đây, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Âu đang sử dụng Ukraine để kiềm chế Nga và duy trì quyền lực toàn cầu, bất chấp nguy cơ ”nhấn chìm cả thế giới xuống vực thẳm chiến tranh".

Ông Nebenzya nói các biện pháp cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga thực chất tác động nặng nề nhất đến các nước đang phát triển.

Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đã bác bỏ tuyên bố của Đại sứ Nga. Ông Borrell cho rằng cuộc xung đột “không phải là "vấn đề của châu Âu", cũng không phải việc "phương Tây chống lại Nga" mà liên quan đến tất cả mọi người ở phía bắc, phía nam, phía đông và phía tây".

Quan ngại đang ngày càng dâng cao khi cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ lan rộng thành cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, đặc biệt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21.2 quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ.

Một ngày sau đó, ông Putin tuyên bố Nga sẽ tập trung củng cố và phát triển bộ ba hạt nhân của nước này.

Tại phiên họp đặc biệt lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua cũng như diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc trong tìm kiếm giải pháp. Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.

Thưa quý vị, cũng tại Đại hội đồng LHQ hôm 22.2, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết người đồng cấp Trung Quốc Vương nghị đã chia sẻ các điểm chính trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh trong cuộc gặp của họ ở Đức vào hồi đầu tuần.

Ông Kuleba cho biết Ukraine sẵn sàng đối thoại về vấn đề này. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng kế hoạch hòa bình phải tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương LHQ, bao gồm cả việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ở một diễn biến liên quan, mới đây Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Moscow trong thời gian tới.

Chuyến đi được chuẩn bị trong lúc Trung Quốc tìm cách thể hiện vai trò chủ động hơn trong việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Các nguồn tin cho hay Chủ tịch Tập có thể sẽ thúc đẩy Tổng thống Putin tham gia đối thoại hòa bình đa phương và kêu gọi không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hãng tin AP dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 22.2 cho biết liên minh quân sự này nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói NATO đã cảnh báo Bắc Kinh không nên ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Còn báo The Wall Street Journal thì đưa tin chính quyền Mỹ đang cần nhắc công bố thông tin tình báo cho thấy giới chức Trung Quốc đã có xem xét khả năng hỗ trợ vật chất cho Nga.

Ngày hôm nay 23.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bác bỏ cáo buộc nước này có ý định cấp vũ khí cho Nga. Ông Uông nói mọi thông tin tình báo của Mỹ nếu có về vấn đề này "chỉ là suy đoán", và là “sự suy đoán và bôi nhọ nhằm vào Trung Quốc".

Về tình hình giao tranh thì như quý vị đã biết, thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine nhiều tháng nay là tâm điểm giao tranh dữ dội. Lực lượng phòng thủ Ukraine đã kháng cự quyết liệt nhiều đợt tấn công của lực lượng Nga, mà tiên phong là các tay súng thuộc công ty quân sự tự nhân Wagner. Báo cáo đánh giá từ giới tình báo Ukraine nhiều lần cho rằng Nga tìm cách bao vây thành phố.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) trong một bản tin mới đây cho rằng Nga dường như đã từ bỏ kế hoạch đó. Theo viện này, việc cố gắng bao vây đánh chiếm Bakhmut có thể sẽ rất chậm và tốn quân tốn của do “môi trường đô thị và hệ thống công sự dày đặc của Ukraine bên trong Bakhmut".

ISW cũng cho biết những ngày gần đây, các lực lượng Nga tiếp tục đạt được một số bước tiến ở trong và xung quanh thành phố Bakhmut, bao gồm việc tiến quân về hướng đông bắc cũng như hướng tây nam của thành phố.

Theo cập nhật tình hình chiến sự mới của Bộ Quốc phòng Anh, thị trấn Vuhledar thuộc tỉnh Donetsk lại hứng chịu đợt pháo kích dữ dội.

Bộ này sáng 23.2 cho biết: "Có khả năng thực tế là Nga đang chuẩn bị cho một nỗ lực tấn công khác trong khu vực này bất chấp các cuộc tấn công thất bại vào đầu tháng 2 và cuối năm 2022".

Trong một thông tin khác, hãng thông tấn RIA của Nga ngày 23.2 dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công để đổ vấy trách nhiệm cho lực lượng Nga ở Transnistria, từ đó lấy cớ tiến hành xâm chiếm khu vực ly khai này. Nga đã duy trì lực lượng duy trì hòa bình ở đây từ những năm 1990.

Phản ứng trước thông tin trên, chính phủ Moldova đưa ra tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram, cho biết giới chức nước này "không thừa nhận" cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga.

Triển lãm quốc phòng Quốc tế đang diễn ra tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) là lần đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu mà có mặt cả công ty từ Nga và Ukraine.

Nga, quốc gia có ngành công nghiệp vũ khí đang là mục tiêu cấm vận chính của phương Tây, năm nay có sự hiện diện lớn hơn dự đoán tại triển lãm.

Sự hiện diện của các công ty Nga tại Abu Dhabi cho thấy cách các công ty và quan chức chính phủ Nga đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia bên ngoài châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.