Xuất hiện cục u sau vành tai, khi nào cần phải lo lắng?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
08/05/2023 08:11 GMT+7

Các cục u dù xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều sẽ khiến người bệnh lo lắng. Cục u này là dấu hiệu cho thấy vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Khi cục u xuất hiện ở vị trí sau vành tai, đó có thể là do nhiều nguyên nhân.

Cục u trên cơ thể có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc về kích thước, hình dạng, kết cấu và vị trí. Chúng có thể là lành tính hoặc ác tính, tức ung thư, theo chuyên trang Medical News Today (Anh).

Xuất hiện cục u sau vành tai, khi nào cần phải lo lắng ? - Ảnh 1.

Nếu cục u xuất hiện sau vành tai kèm theo triệu chứng đau, khó chịu, sốt hay ớn lạnh thì cần phải đến bác sĩ kiểm tra ngay

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Khối u lành tính có thể xuất hiện ở bất cứ đâu. Dù không phải ung thư nhưng các khối u lành tính có thể gây khó chịu và ảnh hưởng về thẩm mỹ. Có nhiều yếu tố dẫn đến u lành tính, trong đó có di truyền và phơi nhiễm hóa chất. Các loại khối u lành tính phổ biến là u mỡ, u xơ và u nang.

Trong khi đó, khối u ác tính là sự phát triển của tế bào ung thư, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong cơ thể. Một số loại u ác tính phổ biến là sarcoma và ung thư biểu mô.

Với cục u xuất hiện sau tai, nguyên nhân thường thấy nhất là do sưng hạch bạch huyết. Hạch bạch huyết là cấu trúc nhỏ bằng hạt đậu thuộc hệ bạch huyết và nằm ở khắp nơi trên cơ thể.

Hạch bạch huyết ở sau tai nếu bị sưng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể xảy ra khi người bệnh đang mắc cúm hay cảm lạnh. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, sưng hạch bạch huyết có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như ung thư hạch hay bệnh bạch cầu.

Một nguyên nhân khác gây khối u sau tai là u nang. U nang là một túi chất lỏng có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trên da. Hầu hết các u nang không cần điều trị. Thế nhưng, một số trường hợp u nang có thể nhiễm trùng và cần phải được loại bỏ.

Cục u sau tai cũng có thể là do áp xe, tức bọc mủ hình thành do vi khuẩn. Áp xe sẽ gây đau và cảm thấy ấm khi chạm vào. Những nguyên nhân khác là u mỡ, viêm xương chũm hay mụn trứng cá.

Khi xuất hiện cục u sau tai thì cần phải đến bác sĩ khám, đặc biệt là nếu cục u gây đau và khó chịu. Khi đó, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, kiểm tra tiền sử bệnh và xét nghiệm sâu hơn để xác định nguyên nhân cơ bản gây ra cục u.

Trường hợp cục u ngày càng cứng và to dần hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh thì cũng phải đi khám ngay. Khả năng cao là cục u đang bị nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị cục u sau tai sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Bác sĩ chỉ yêu cầu nghỉ ngơi nhưng cũng có khi phải dùng thuốc, truyền dịch, dẫn lưu, phẫu thuật và một số phương pháp khác, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.