Các hạch bạch huyết là thành phần quan trọng của hệ bạch huyết. Ngoài hạch bạch huyết, hệ bạch huyết còn có hệ thống các mạch máu, cơ quan trải khắp cơ thể, tập trung chủ yếu ở cổ, đầu, cánh tay, bụng và háng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nếu hạch bạch huyết sưng sau 7 đến 10 ngày mà không hết thì cần phải đến khám bác sĩ |
SHUTTERSTOCK |
Hệ bạch huyết đóng vai trò rất quan trọng với chức năng miễn dịch của cơ thể. Chúng hoạt động giống như bộ lọc giúp loại bỏ virus, vi khuẩn và bất kỳ tác nhân nào có thể gây bệnh.
Trong hầu hết các trường hợp, hạch bạch huyết sưng lên ở vùng cổ là do phản ứng với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra. Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn và virus.
Vết sưng là do các tế bào máu tích tụ nhiều ở vị trí bị nhiễm trùng để chống lại mầm bệnh. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do viêm xoang, viêm họng do liên cầu khuẩn và tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Các hạch bạch huyết bị sưng có thể sẽ trở lại bình thường mà không cần phải điều trị. Đó cũng là lúc tình trạng viêm nhiễm của cơ thể đã khỏi.
“Chữa khỏi được căn bệnh do virus, vi khuẩn gây ra hoặc khắc phục được nguyên nhân viêm nhiễm sẽ giúp triệu chứng sưng hạch bạch huyết được thuyên giảm”, bác sĩ Amy Zack tại phòng khám Cleveland Clinic (Mỹ) giải thích.
Tuy nhiên, nếu sưng hạch bạch huyết lâu ngày vẫn không khỏi hoặc chúng ngày càng lớn hơn, vết sưng rộng hơn 2,5 cm, gây đau đớn kèm theo các triệu chứng khác như sốt thì cần phải đến bác sĩ kiểm tra ngay. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư, theo Healthline.
“Dù đã qua 7 đến 10 ngày nhưng các hạch bạch huyết ở cổ vẫn sưng, người bệnh bị sưng mà không có triệu chứng của cảm lạnh hay viêm nhiễm gì thì họ cần phải đi khám để tìm ra nguyên nhân”, bác sĩ Zack khuyến cáo.
Bình luận (0)