Xung quanh đề xuất giảm mức phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội

08/04/2024 06:15 GMT+7

TAND tối cao đề xuất giảm mức phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong trường hợp điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.

Giảm hình phạt với tội danh có khung chung thân, tử hình

Điều 101 bộ luật Hình sự năm 2015 đang có hiệu lực quy định đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không quá 12 năm tù.

Tại dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên đang lấy ý kiến, TAND tối cao đề xuất sửa đổi theo hướng giảm mức hình phạt đối với 2 nhóm đối tượng nói trên xuống còn 15 năm và 9 năm tù. Trường hợp phạm nhiều tội, nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không vượt quá 2 mốc này.

Xung quanh đề xuất giảm mức phạt với người dưới 18 tuổi phạm tội- Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất xây dựng luật Tư pháp người chưa thành niên (ảnh minh họa)

Phúc Bình

Trình bày tại dự thảo tờ trình, TAND tối cao cho rằng nhận thức và quan điểm về việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật hiện vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội để sửa chữa, cải thiện hành vi. Vì thế, việc thay đổi các chính sách pháp luật về tố tụng với người chưa thành niên, trong đó có việc giảm mức phạt tù, sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người chưa thành niên, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do có sự thay đổi, TAND tối cao đề xuất bãi bỏ chương 12 của bộ luật Hình sự năm 2015 (quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội), chương 28 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi) và một số điều tại luật Thi hành án hình sự năm 2019, để áp dụng thống nhất theo luật mới.

Ủng hộ đề xuất của cơ quan soạn thảo, luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng xu thế chung của thế giới là giảm mức độ trừng trị với trẻ vị thành niên phạm tội, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ, giáo dục để trẻ sửa chữa sai lầm, thay đổi nhận thức.

Về bản chất, trẻ vị thành niên là những người chưa hoàn thiện về nhân cách, nhận thức hạn chế hơn rất nhiều so với người trưởng thành. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bản thân trẻ có thể không nhận thức đầy đủ về pháp luật cũng như hậu quả pháp lý sẽ phải gánh chịu. Bởi lẽ đó, yếu tố khoan hồng luôn được đặt lên hàng đầu khi xử lý hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên, việc áp dụng hình phạt tù chỉ là biện pháp cuối cùng.

Lo ngại giảm tính răn đe, phòng ngừa

Thực tế cho thấy bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định riêng về mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Nếu điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm hoặc 12 năm tù như đã nêu. Trường hợp còn lại, mức hình phạt cao nhất áp dụng không quá 3/4 hoặc 1/2 so với người trưởng thành, tùy vào độ tuổi người phạm tội.

Theo ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội, các mức hình phạt đối với người chưa thành niên như nói trên là đã phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm vừa đảm bảo tính nhân văn, giáo dục.

Đề cập tình trạng "trẻ hóa tội phạm", ông Toàn nhận định số lượng người chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng và phức tạp, nhất là nhóm tội về xâm phạm an toàn, trật tự xã hội (gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, giết người…). Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có mức hình phạt chưa đủ sức răn đe. "Bây giờ nếu giảm nữa, e rằng tính phòng ngừa sẽ càng ít hiệu quả hơn", vị nguyên thẩm phán lo ngại.

Từ đó, ông Toàn đề nghị giữ nguyên quy định đang được áp dụng, một là để đảm bảo sự răn đe như đã nói, hai là tránh xáo trộn, thay đổi hệ thống pháp luật hình sự. Sau này, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, nhận thức của người dân, nhất là trẻ vị thành niên được nâng cao, lúc đó tính toán giảm mức hình phạt cũng không muộn.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ủng hộ sự cần thiết xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp đối với người chưa thành niên. Tuy vậy, ông cho rằng không nên giảm mức hình phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Đề xuất giảm mức phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội của TAND tối cao chỉ áp dụng trong trường hợp điều luật có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Theo ông Hòa, điều này không phù hợp, vì những tội danh đến mức phải áp dụng khung hình phạt như trên đều là tội đặc biệt nghiêm trọng. "Tôi thấy cần nghiên cứu, cân nhắc tăng mức hình phạt để răn đe hơn nữa, chứ đừng nói là giảm", vị đại biểu nêu ý kiến.

Gốc rễ là giáo dục, đạo đức

Tiếp tục phân tích, đại biểu Phạm Văn Hòa nói hiện nay một số vụ án cướp của, giết người, ma túy… có sự tham gia của người chưa thành niên. Ông cho rằng việc tăng hay giảm hình phạt mới chỉ là phần ngọn, gốc rễ phải tìm giải pháp để ngăn chặn họ không phạm tội.

Theo thượng tá, tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, tình trạng người chưa thành niên gây án, thậm chí án mạng, cho thấy những điều bất thường đang nảy sinh trong xã hội. Một trong những biểu hiện là nhân cách của trẻ chứa đựng những đặc điểm tiêu cực như thái độ hỗn hào, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức hoặc lối sống phóng túng, ích kỷ, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân…

Cạnh đó, giới trẻ đang bị bủa vây từ trò chơi bạo lực, ấn phẩm phản văn hóa trên không gian mạng và phim ảnh. Môi trường gia đình hiện cũng có nhiều vấn đề tác động đến trẻ. Do áp lực cuộc sống, nhiều cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo; hay như việc tỷ lệ ly hôn ngày càng cao; có gia đình thiếu hòa khí, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh nhau…

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, ngoài việc sử dụng các biện pháp trừng trị theo pháp luật, thượng tá Hiếu cho rằng giải pháp căn cơ nhất là giáo dục. Triết lý giáo dục cần thay đổi, hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách thay vì chăm chăm nhồi nhét kiến thức. "Nếu thiếu vắng đi việc dạy làm người, sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt", ông Hiếu nói.

Theo vị tiến sĩ, thay vì dạy bảo trẻ theo khuôn mẫu giáo điều, người lớn phải nêu gương từ hành động của chính mình. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách tích cực, tiến bộ, nhân văn; phát huy truyền thống đạo đức của gia đình VN, duy trì gia phong, gia đạo… 

11 biện pháp xử lý chuyển hướng

Một nội dung quan trọng khác tại dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định về xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, người dưới 18 tuổi sẽ được áp dụng một trong 3 biện pháp giám sát, giáo dục sau: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, TAND tối cao cho rằng tên gọi các biện pháp giám sát, giáo dục không còn phù hợp. Cơ quan soạn thảo đề xuất thay thế bằng các biện pháp xử lý chuyển hướng, tách bạch hoàn toàn với quy trình tố tụng hình sự thông thường. Việc này nhằm mục đích chính là giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên chứ không phải trừng phạt.

TAND tối cao đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Cùng với đó là bổ sung 6 biện pháp xử lý chuyển hướng mới: tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.

Dự thảo cũng chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.