Từ vụ bắt bà Hàn Ni, người trẻ thắc mắc: Điều 331 bộ luật Hình sự là gì?

27/02/2023 13:05 GMT+7

Gần đây, nhiều trường hợp bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 bộ luật Hình sự. Từ đây, nhiều ý kiến bày tỏ thắc mắc Điều 331 bộ luật Hình sự được quy định cụ thể như thế nào?

Bị khởi tố về tội danh theo Điều 331 bộ luật Hình sự

Như Thanh Niên đã thông tin, vào ngày 24.2, Công an TP.HCM đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 bộ luật Hình sự.

Tại sao nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và đồng phạm bị bắt tạm giam?

Đến tối 25.2, Công an TP.HCM cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) khi người này có hành vi đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự.

Cũng trong tối 25.2, Công an TP.HCM đã khởi tố, tạm giam luật sư Trần Văn Sỹ (từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long) để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 bộ luật Hình sự. 

Trước đó, nhiều người "tai tiếng" trên mạng xã hội cũng đã bị khởi tố về tội danh theo Điều 331 bộ luật Hình sự như: bà Nguyễn Phương Hằng, Trương Châu Hữu Danh, Đặng Như Quỳnh... 

Để rồi từ đây, không ít người, trong đó có người trẻ, thắc mắc Điều 331 bộ luật Hình sự là gì mà nhiều người vi phạm và "cái kết" là phải vô tù?

Người trẻ thắc mắc: điều 331 Bộ luật hình sự là gì? - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Hàn Ni và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân bị khởi tố về tội danh theo Điều 331 bộ luật Hình sự

C.T.V

Coi chừng bị phạt tù đến 7 năm

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết tại Điều 25 Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền tự do của công dân. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

"Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định, đảm bảo không được gây tổn hại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác", luật sư Bình nói.

Còn căn cứ theo quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. 

Theo luật sư Bình, hiện nay công dân có đầy đủ các quyền tự do được hiến pháp ghi nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo sử dụng các quyền tự do đó một cách hợp pháp và không gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.

Người trẻ thắc mắc: điều 331 Bộ luật hình sự là gì? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình

PHONG LINH

Vị luật sư này nói thêm trong xã hội hiện đại, tự do ngôn luận, tự do báo chí được coi là biểu hiện của quyền bình đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, vẫn cần phải làm rõ quyền tự do ngôn luận và việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận với ý đồ xấu.

Quyền tự do biểu đạt của mỗi con người, cá nhân phải gắn với trách nhiệm. Không thể có quyền tự do biểu đạt mà không quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh, không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, quốc gia và dân tộc.

Cũng theo Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, ngày nay mạng xã hội xuất hiện như một công cụ để mọi người liên lạc, chia sẻ, tìm hiểu, trao đổi thông tin trong phạm vi ảnh hưởng rộng lớn thông qua các dịch vụ như bày tỏ trên trang cá nhân hướng tới công chúng; diễn đàn; trò chuyện trực tuyến; âm thanh, hình ảnh… 

Và chắc hẳn rằng mạng xã hội không hoàn toàn là thế giới giải trí ảo nữa mà đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Nó phản ánh tư tưởng, quan điểm của cá nhân đối với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và là làn sóng tác động mạnh mẽ đến một vấn đề chung. Mạng xã hội trở thành phương tiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận thời nay.

Bởi vì tính chất cộng đồng, có sự tương tác cao và khả năng truyền tải, lưu trữ thông tin khổng lồ khó kiểm duyệt nên sẽ xảy ra trường hợp lạm dụng quyền con người để gây hại như: xúc phạm, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến an ninh, đạo đức, lợi ích cộng đồng... 

"Chính vì vậy, cần nhìn nhận đúng đắn về cách thức sử dụng quyền một cách đúng đắn. Ngược lại, có thể vi phạm Điều 331 bộ luật Hình sự", luật sư Bình nói.

Xem nhanh 12h: Cấp tập đối phó cúm A/H5N1 | Hành trình vướng lao lý của tiến sĩ luật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.