Theo thông báo do Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đưa ra hôm qua, giải thưởng trị giá 10 triệu krone (1,4 triệu USD) được chia đều cho ông nhà khoa học Osamu Shimomura, người Nhật, cùng với Martin Chalfie và Roger Tsien, người Mỹ.
Ông Shinomura, thuộc trường Y khoa Đại học Boston, đã cô lập GFP lần đầu tiên từ một con sứa có tên gọi Aequorea Victoria được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Bắc Mỹ và nhận thấy nó phát ánh sáng xanh dưới tia tử ngoại vào năm 1962. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, ông Chalfie, thuộc Đại học Columbia, đã cho thấy giá trị của GFP "như một chuỗi gien phát sáng" trong khi ông Tsien, thuộc Đại học California, đã đóng góp vào "sự hiểu biết chung của chúng ta về việc GFP phát huỳnh quang ra sao", theo nhận định của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Trong thông báo hôm qua, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho rằng công trình trên đã cho phép "các nhà khoa học theo đuổi những quy trình sinh học khác nhau cùng một lúc". Điều đó có nghĩa là các nhà nghiên cứu có thể sử dụng GFP để lần theo dấu vết tổn thương tế bào não do bệnh Alzheimer gây ra hoặc xem xét các tế bào beta sản xuất insulin được tạo ra trong tuyến tụy của một phôi đang tăng trưởng ra sao.
T.Q
Bình luận (0)