1 thập niên Forbes 'điểm danh' tỉ phú Việt

13/10/2023 18:02 GMT+7

Hơn 10 năm trước, danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố vào đầu tháng 3.2013 đã xuất hiện tên ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Việt Nam chỉ có 7 tỉ phú USD

Khi đó, ông Phạm Nhật Vượng là tỉ phú USD đầu tiên và duy nhất của VN lọt vào bảng xếp hạng với giá trị tài sản được ghi nhận 1,5 tỉ USD và đứng ở thứ 974 trong danh sách. Trong 3 năm liên tiếp sau đó, VN cũng chỉ có mình tỉ phú USD Phạm Nhật Vượng có mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Đến năm 2017, cùng với ông Phạm Nhật Vượng thì VN có thêm nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Hãng hàng không Vietjet, với tài sản trị giá 1,2 tỉ USD có mặt trong danh sách của Forbes. Nữ tỉ phú USD duy nhất của VN xuất hiện sau khi cổ phiếu của hãng hàng không này chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 2.2017.

Năm 2019, danh sách của Forbes ghi nhận VN có 4 tỉ phú USD, sau 2 gương mặt nêu trên thì có thêm ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải. Liên tiếp những năm sau, danh sách tỉ phú USD của VN ghi nhận thêm một số gương mặt mới như Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang. Tháng 4.2022, Forbes ghi nhận VN có đến 7 tỉ phú USD. Ngoài 6 tỉ phú nêu trên, Forbes ghi thêm tên ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Nova Group. Nhưng đến đầu năm 2023, danh sách tỉ phú USD của VN chỉ còn 6 người khi tài sản ông Bùi Thành Nhơn giảm mạnh còn dưới 1 tỉ USD.

1 thập niên Forbes “điểm danh” tỉ phú Việt - Ảnh 1.

NHẬT THỊNH

Trên thế giới, biến động của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán chịu nhiều ảnh hưởng khiến có nhiều thay đổi ở các vị trí xếp hạng người giàu của Forbes trong năm 2023. Tài sản của các tỉ phú thế giới cũng bốc hơi nhiều tỉ USD. Ví dụ, khối tài sản của các tỉ phú Mỹ năm 2023 đã mất 200 tỉ USD so với năm trước đó. Hay như tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2022 là Elon Musk của hãng xe điện Tesla đã bị ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault (Pháp) vượt mặt…

Trong bối cảnh đó, số lượng tỉ phú VN sụt giảm cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, nếu so với lần đầu tiên được xếp hạng là tỉ phú USD, đến nay tài sản của tất cả tỉ phú VN đều nhiều hơn và vị trí xếp hạng cũng tăng cao. Ví dụ, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng gần 3 lần lên 4,3 tỉ USD; hay của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng gần gấp đôi, đạt 2,2 tỉ USD…

Thế nhưng, số lượng tỉ phú VN vẫn chỉ loanh quanh ở những gương mặt cũ cho thấy thị trường chứng khoán chưa có sự tăng trưởng mạnh hay đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp mới, quy mô lớn lên sàn, đặc biệt nếu so với số lượng tỉ phú của nhiều quốc gia vẫn liên tục gia tăng trong những năm vừa qua.

Tỉ phú USD hiếm nhưng triệu phú USD tăng nhanh

Nền kinh tế toàn cầu đã có sự phát triển mạnh trong những năm qua. Điều đó được minh chứng qua số lượng tỉ phú USD trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes tăng vọt cả về số lượng lẫn giá trị tài sản. Cụ thể, năm 2013 khi VN lần đầu có tỉ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng thì thế giới có tổng cộng 1.426 tỉ phú với khối tài sản trị giá 5.400 tỉ USD. Số lượng tỉ phú nhiều nhất tập trung tại Mỹ với 442 người, châu Âu có 366 người và Trung Quốc đóng góp 122 người. 

Năm 2023, tạp chí Forbes ghi nhận thế giới có 2.640 tỉ phú với tài sản trị giá 12.200 tỉ USD, tăng gần gấp đôi về số lượng tỉ phú và tăng 2,25 lần về tài sản. Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều tỉ phú nhất với 735 thành viên trong danh sách, sở hữu khối tài sản trị giá 4.500 tỉ USD. Số lượng tỉ phú Mỹ cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm. Tương tự, Trung Quốc đứng thứ 2 với 562 người giàu nhất hành tinh, sở hữu khối tài sản trị giá 2.000 tỉ USD, gấp 5 lần số tỉ phú USD của nước này vào năm 2013. Ấn Độ có 169 tỉ phú trong danh sách, sở hữu khối tài sản trị giá 675 tỉ USD…

Riêng số tỉ phú USD của VN vẫn chưa thể vượt lên 2 chữ số và có thể sẽ còn rất lâu mới đạt đến.

1 thập niên Forbes “điểm danh” tỉ phú Việt - Ảnh 2.

Số lượng tỉ phú USD của VN còn hiếm khi vắng bóng doanh nghiệp vốn hóa tỉ USD trên sàn chứng khoán

NHẬT THỊNH

Trong khi số lượng tỉ phú USD khá hiếm thì số lượng triệu phú USD của VN đã gia tăng nhanh chóng. Theo ấn bản mới nhất của Báo cáo Thịnh vượng do Công ty Knight Frank phát hành cuối tháng 5 vừa qua, số lượng người siêu giàu - người sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD - tại VN đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2022.

Cụ thể, từ 583 cá nhân siêu giàu vào năm 2017, đến cuối năm 2022 con số này đã lên đến 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm. Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300 người, tương đương tăng thêm 22% so với hiện tại, tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm. Không chỉ vậy, số người giàu là những cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên của VN cũng tăng 70% trong 5 năm qua và dự kiến sẽ tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm từ 2017 - 2027.

Số lượng người giàu và siêu giàu gia tăng có thể lý giải do quy mô nền kinh tế VN cũng tăng cao trong các năm vừa qua. Tổng cục Thống kê công bố quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỉ đồng, tương đương 409 tỉ USD. Có thể thấy, quy mô nền kinh tế VN đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Như vậy, GDP bình quân đầu người ở nước ta đã tăng gấp nhiều lần sau 20 năm. Trên thế giới, VN là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế.

Các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi quản trị, nâng tầm chuẩn mực, công khai minh bạch để nắm lấy cơ hội hiện nay và đẩy mạnh việc huy động vốn quốc tế. Khi đó VN sẽ thật sự có những tỉ phú USD như nhiều tỉ phú khác trên thế giới.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Mặc dù số lượng tỉ phú USD của VN còn hiếm nhưng bù lại vào giữa tháng 8 vừa qua, tỉ phú USD đầu tiên của VN là ông Phạm Nhật Vượng đã vào top 30 người giàu nhất thế giới sau khi hãng xe hơi thương hiệu Việt VinFast chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Đây được xem là cột mốc không chỉ cho VinFast mà còn mang lại niềm hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt nói chung trên thị trường quốc tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là điều cần khuyến khích để có thêm nhiều doanh nghiệp như VinFast mạnh dạn bước ra các thị trường tài chính thế giới. Khi đất nước càng có nhiều người giàu, nhiều tỉ phú USD, chứng tỏ nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Sẽ có thêm tỉ phú USD mới ?

Ngoài danh cách các tỉ phú USD do Forbes bình chọn, trên sàn chứng khoán hiện tại cũng chỉ có một doanh nhân với giá trị tài sản ngấp nghé tỉ USD. Đó là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Phát triển Sunshine Homes (mã chứng khoán SSH), với giá trị tài sản ước tính hơn 23.000 tỉ đồng. Ngoài SSH, ông Đỗ Anh Tuấn cũng đang nắm giữ lượng lớn các cổ phiếu như KSF (Công ty CP Tập đoàn Real Tech), SCG (Công ty CP Xây dựng SCG)...

Số những người giàu tiếp theo trên sàn chứng khoán thì tài sản vẫn còn thua xa tỉ USD. Chẳng hạn bà Vũ Thị Hiền, vợ tỉ phú Trần Đình Long, có giá trị tài sản gần 12.000 tỉ đồng; bà Phạm Thu Hương, vợ tỉ phú Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup, ước tính có giá trị tài sản khoảng 8.500 tỉ đồng; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, có tài sản gần 7.500 tỉ đồng; ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty bất động sản Phát Đạt có tài sản hơn 7.000 tỉ đồng…

Vắng bóng doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán

Việc đánh giá, xếp hạng những người siêu giàu của các tổ chức nước ngoài chủ yếu dựa trên giá trị tài sản thông qua cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì vậy số lượng tỉ phú USD khá hiếm cho thấy số doanh nghiệp quy mô lớn trên sàn VN chưa nhiều, nhất là các công ty tư nhân. Một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn đang niêm yết do xuất phát là công ty nhà nước nên ít có cổ đông lớn bên ngoài. Đó là chưa kể sở hữu của nhà nước tại nhiều công ty vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, số lượng công ty lên sàn với quy mô lớn như Vingroup, Hòa Phát, Masan hay Vietjet trong thời gian gần đây hầu như không có.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc bán vốn do nhà nước sở hữu gần đây đang diễn ra chậm. Nhiều tập đoàn lớn như dầu khí, viễn thông, khai thác khoáng sản… vẫn chưa được cổ phần hóa. Riêng các ngân hàng hay những đơn vị đã chuyển sang cổ phần hóa và được niêm yết như nhà máy lọc dầu, công ty phát điện thì sở hữu của nhà nước vẫn chiếm đa số. Vì vậy không có cổ đông lớn nào bên ngoài sở hữu lên 20 - 30% vốn. Trong khi đó, số doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ thực sự phát triển chưa được 30 năm và xuất thân từ quy mô nhỏ nên chưa thể có nhiều tập đoàn lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Kinh tế VN đã phát triển nhiều về quy mô nhưng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm đa số. Thị trường chứng khoán VN ra đời hơn 22 năm cũng tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tăng quy mô nhanh hơn, tài sản nhiều doanh nhân cũng nhờ đó lên cao khi giá cổ phiếu đi lên. Đó là nguyên nhân khi số lượng người giàu tại VN tăng nhanh là dễ hiểu. Nhưng để có công ty đạt đến quy mô vốn hóa tỉ USD trên sàn chứng khoán thì cũng chưa nhiều và số cá nhân nắm tỷ lệ vốn cao để trở thành tỉ phú USD càng ít hơn. Do đó để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, góp phần hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, Nhà nước phải tăng cường thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở những công ty không thuộc lĩnh vực hạn chế tư nhân tham gia. Điều đó sẽ thu hút thêm dòng vốn trong và ngoài nước tham gia, tạo cơ hội cho chính các doanh nhân Việt gia tăng đầu tư, mở rộng hoạt động để VN xuất hiện nhiều doanh nghiệp tỉ USD hơn.

Vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm trên 92% GDP

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 8.2023, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 8,2 triệu tỉ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Vốn hóa thị trường chứng khoán hiện tương đương 92,58% GDP năm 2022. Thị trường đang có gần 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu; 17 chứng chỉ quỹ cùng các loại trái phiếu, chứng chỉ giao dịch trên thị trường phái sinh. Tính đến hết tháng 8, đã có hơn 7,6 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước và 44.431 tài khoản giao dịch nước ngoài.

Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng cần phải khuyến khích dòng vốn tư nhân phát triển mạnh hơn nữa. Đặc biệt hiện nay sau khi quan hệ đối tác giữa VN và Mỹ được nâng lên tầm cao mới thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt có thể ra sàn chứng khoán quốc tế để phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn. Nhìn gần nhất là Trung Quốc, chỉ trong vòng 8 năm qua sau khi nâng tầm quan hệ đối tác với Mỹ, đã có gần 150 doanh nghiệp nước này thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế mà nhiều nhất là ở Mỹ. Thậm chí, không chỉ các tập đoàn lớn mà chỉ một chuỗi cà phê cũng có thể IPO và huy động được gần 650 triệu USD để phát triển, mở rộng hoạt động. Khi có rủi ro thì các nhà đầu tư quốc tế cũng chia sẻ thay vì chỉ huy động vốn trên sàn chứng khoán trong nước.

"Các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi quản trị, nâng tầm chuẩn mực, công khai minh bạch để nắm lấy cơ hội hiện nay và đẩy mạnh việc huy động vốn quốc tế. Khi đó VN sẽ thật sự có những tỉ phú USD như nhiều tỉ phú khác trên thế giới", TS Lê Đạt Chí nói.

Dân số siêu giàu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo của Knight Frank, sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại VN cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng dân số siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm qua (tính đến 2022). Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong vòng 5 năm tới, nhưng đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng phồn vinh thịnh vượng.

Bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank, chia sẻ: "Theo số liệu từ Báo cáo Thịnh vượng mới nhất của Knight Frank, sau mức tăng kỷ lục 7,5% năm 2021 thì dân số siêu giàu châu Á - Thái Bình Dương lại giảm 5,7% trong năm 2022. Dù vậy, 3 trong số 10 thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu là các quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia và Malaysia, với mức tăng từ 7 - 9%. Nhìn về lâu dài, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển thịnh vượng, dẫn đầu về lượng dân số siêu giàu và cơ hội phát triển kinh tế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.