Với đà phát triển về hạ tầng công nghệ và viễn thông, cũng như số lượng người sử dụng các thiết bị công nghệ cao (smartphone, tablet…) gia tăng đến mức chóng mặt, thật dễ hiểu khi Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Trong bài viết này, Thanh Niên Game xin được điểm qua danh sách 10 doanh nghiệp được cho là thành công nhất trong số các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp trong thời gian qua. Tiêu chí để đưa vào Top là các doanh nghiệp phải vượt qua con số 1 triệu người dùng.
1. Greengar
Greengar hiện là một trong những công ty phát triển phần mềm di động (app) thành công nhất Việt Nam. Khởi đầu là một studio nhỏ phát triển hàng loạt app, từ tiện ích cho đến game. Bước ngoặt đến với Greengar khi họ gia nhập chương trình 500 Startups tại Thung lũng Silicon, và chuyên tâm vào app thành công nhất của mình: Whiteboard. Phần mềm này cho phép người dùng sử dụng và chia sẻ một tấm bảng trắng ảo để viết và vẽ vời thông tin, ý tưởng lên đó. Đối tượng chính của Whiteboard là môi trường giáo dục, nhưng CEO của công ty, một trong những nữ lãnh đạo công ty công nghệ hiếm hoi, khẳng định phần mềm này hoàn toàn có thể ứng dụng được trong môi trường doanh nghiệp.
2. Not A Basement
Công ty có cái tên ngộ nghĩnh này là một hiện tượng trên AppStore của Apple với phần mềm sáng tạo chỉnh sửa ảnh chụp Fuzel. Công ty đã tạo được tiếng vang khi không đi theo cách truyền thống là nâng cấp phiên bản cũ mà tung ra một phần mềm hoàn toàn mới. Điều đó là khiến app Fuzel mới “bay” lên thẳng khu vực “Best New Apps” trên AppStore. Phiên bản Fuzel cũ đã đạt mốc 1 triệu lượt tải. Một app khác của họ, Mangarock, chuyên dùng để xem manga, cũng đã đạt thành tích tương tự.
3. Senspark
Senspark tập trung vào phát triển game mobile chạy trên nền các hệ điều hành iOS và Android. Sản phẩm thành công nhất của họ hiện là Gold miner. Công ty có trụ sở tại TP.HCM này vừa cho ra mắt sản phẩm mới trong tháng 11.2013 là Jewels. Senspark cũng tự hào đạt 1 triệu người dùng và khi khởi nghiệp họ không cần một nguồn đầu tư lớn nào.
4. Divmob
Được xem là một trong những “ngôi sao sáng” trong làng phát triển game mobile, “tài sản” của Divmob hiện đã có hơn 10 game trên cả 2 nền tảng iOS và Android. Sản phẩm “đỉnh nhất” của họ là Ninja revenge, đạt 1 triệu lượt tải chỉ trong vòng 21 ngày. Con số này nhảy lên 2 triệu trong tháng đầu tiên và hiện đã đạt 4 triệu lượt tải. Một sản phẩm đáng chú ý khác của Divmob là Zombie age, một game hành động đề tài diệt zombie.
5. Nhóm Mua
Đây là trường hợp duy nhất trong Top 10 thực sự là… một câu chuyện buồn. Thành lập bởi đội ngũ người Việt cùng các Việt kiều Mỹ, Nhóm mua từng là website kinh doanh mua hàng theo nhóm (deal) số 1 Việt Nam. Số lượng khách hàng tăng chóng mặt và doanh số công ty đạt đến 2 triệu đô la một tháng (theo một thông tin không công bố). Thế rồi đáng tiếc thay, công ty vướng vào một loạt rắc rối dẫn đến sự ra đi của cả Nhà sáng lập và CEO, cùng với sự “tan đàn xẻ nghé” của ban giám đốc. Điều này đã khiến lòng tin của khách hàng vào công ty giảm sút trầm trọng, và thị phần của Nhóm mua bị “xâu xé” bởi hàng loạt đối thủ khác. Hiện nay, Nhóm mua vẫn còn hoạt động nhưng quy mô đã không bằng như khi xưa.
6. AppVL
Trang web chia sẻ hình ảnh vui HàiVL đã có sự tăng trưởng kỷ lục trong vòng 1 năm mà gần như không tốn chi phí đáng kể nào cho marketing. HàiVL học tập theo ý tưởng từ 9gag, trang web hài hước hàng đầu thế giới, đã khởi đầu quảng bá tên tuổi của mình từ Facebook. Chỉ trong vòng 1 năm, HàiVL đạt đến 2,5 triệu người truy cập thực sự (unique visitors) một ngày. Ấn tượng hơn, một nửa trong số đó đến một cách trực tiếp bằng cách gõ địa chỉ HàiVL vào trình duyệt. Thành công của HàiVL đã tạo ra một loạt trang web “ăn theo” tại Việt Nam. Nhưng với vị thế hiện tại, sẽ rất lâu mới có thể có một đối thủ xứng tầm có thể đe dọa HàiVL. Vị CEO mới 22 tuổi của doanh nghiệp này còn bày tỏ tham vọng HàiVL sẽ đạt đến 10 triệu lượt truy cập mỗi ngày trong vài năm tới.
7. Project Lana
Webtrẻthơ là diễn đàn lớn nhất Việt Nam dành cha các bậc phụ huynh, tập trung chủ yếu vào các bà mẹ trẻ, hiện cũng đã có hơn 1 triệu người dùng. Với lượng người dùng lớn và trung thành, Webtrẻthơ bắt đầu chuyển mình sang các dự án thương mại điện tử lớn và được đầu tư bởi IDG Ventures Vietnam, với cái tên chung Project Lana. Hiện đã có 3 trang web thương mại điện tử xuất hiện, gồm Bé yêu, Làm điệu và Foreva. Trong đó, Bé yêu là trang bán hàng dành cho bà mẹ-trẻ em; Làm điệu tập trung vào các sản phẩm thời trang và phụ kiện; còn Foreva chuyên về trang phục lót. Hiện tại, Project Lana là một trong những dự án thương mại điện tử lớn nhất của IDG Ventures Vietnam.
8. Money Lover
Money Lover có sản phẩm cùng tên là một app trợ giúp người dùng quản lý tài chính cá nhân qua thiết bị di động. Đây là một app được đánh giá là thiết kế đẹp và dễ sử dụng, hiện đã đạt khoảng 1,5 triệu lượt tải về. Mặc dù luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các phần mềm quản lý tài chính, và chưa đạt được đến tầm của những app nổi tiếng hơn như Mint hay Money management, Money lover đã có được sự tăng trưởng tốt với lượng người dùng trải khắp toàn cầu.
9. MCCorp
Lại thêm một công ty game nữa đạt được nhiều thành công tại thị trường Việt Nam. Các sản phẩm game của MC Corp rất đa dạng, từ game thủ thành, game bào, nhập vai, giải đố cho đến hành động. Tập trung mạnh vào các game online chạy được trên cả PC và thiết bị di động, các sản phẩm đáng chú ý của MC Corp gồm Tào tháo truyện, Tinh binh và mới đây nhất là Bất bại online, dự kiến sẽ chính thức ra mắt từ ngày 18.12.2013.
10. Colorbox
Mặc dù khá “im hơi lặng tiếng” trong thời gian gần đây, Colorbox từ lâu đã được xem là một trong những công ty thành công nhất Việt Nam trong lĩnh vực game mobile. Game nổi tiếng nhất cùa họ là Dalton, cùng nhiều game khác như Wave, A.I.R. defense, v.v. Các thành viên sáng lập Colorbox đều xuất thâm từ công ty Gameloft, nhà sản xuất/phát hành game di động hàng đầu thế giới.
Thay lời kết, Thanh Niên Game muốn đề cập đến một tên tuổi rất quen thuộc, đó là Zalo. Chắc bạn đọc cũng hiểu vì sao Zalo không được đưa vào Top 10, vì đơn giản đây là một sản phẩm của VNG, một công ty không còn thuộc dạng “khởi nghiệp” mà đã là “ông trùm” số 1 Việt Nam trong lĩnh vực Internet. Nhưng dù sao, không nhắc đến Zalo là một thiếu sót khi đây là ứng dụng gọi điện-nhắn tin OTT (Over-the-top) duy nhất tại Đông Nam Á có thể sánh vai cùng những app nổi tiếng như Whatsapp, Viber, Line, Kakaotalk và Wechat.
Bình luận (0)