Hằng năm, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1933 có trụ sở tại Mỹ, mang mục tiêu cung cấp hỗ trợ nhân đạo toàn cầu, sẽ đưa ra bản Danh sách theo dõi tình trạng khẩn cấp, trong đó xác định những quốc gia và khu vực có khả năng phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang trong năm tới. Danh sách này xét đến khả năng xảy ra và tác động của xung đột, bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu.
Dưới đây là tốp 10 quốc gia và vùng lãnh thổ được IRC đưa vào danh sách theo dõi khẩn cấp, với những dự báo tình trạng khủng hoảng có thể tiếp diễn hoặc trầm trọng thêm trong năm 2025.
1. Somalia
Somalia có năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện trong tốp 10 nơi cần chú ý tình trạng khẩn cấp của IRC. Trung tâm bất ổn tại nước này đến từ các cuộc tấn công của nhóm vũ trang đối lập al-Shabaab chống lại chính phủ Somalia. Trong 9 tháng đầu năm 2024, al-Shabaab thực hiện hơn 120 cuộc tấn công và dần mở rộng ảnh hưởng, trong khi phái bộ của Liên minh châu Phi (AU) được cử đến để duy trì ổn định đang phải rút dần khỏi Somalia. Ngoài ra, các cuộc xung đột giữa những nhóm sắc tộc còn làm trầm trọng thêm bất ổn.
Trong năm 2025, chính phủ nước này có thể đối mặt với các cuộc giao tranh leo thang, trong khi viện trợ quốc tế giảm dần. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng La Nina, có thể đảo ngược nỗ lực khôi phục nền nông nghiệp. Dự kiến có khoảng 1,6 triệu trẻ em Somalia bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2025, hạn chế khả năng phát triển và xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
2. Mali
Nạn đói ở Mali đang trở nên tồi tệ hơn do cuộc xung đột leo thang đã diễn ra trong 12 năm. Nhiều thành phố đang mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa chính quyền quân sự Mali liên minh với nhóm lính đánh thuê Wagner, đối đầu với các nhóm vũ trang đối lập như lực lượng Tuareg và Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM).
Việc Pháp rút hỗ trợ quân sự khỏi Mali cũng gây nguy cơ gia tăng thương vong của thường dân vướng vào giao tranh. Theo dự báo, năm 2025 sẽ là thách thức với chính quyền Mali khi các nhóm đối lập có thể kiểm soát nhiều khu vực hơn. Ngoài ra, nguy cơ khủng hoảng lương thực trầm trọng hiện hữu khi phe đối lập tấn công các xe chở ngũ cốc và chặn tuyến tiếp tế, trong khi lũ lụt đã phá hoại mùa màng. Hơn 2.500 người tại Mali có nguy cơ gặp nạn đói và con số này có thể tăng.
3. Haiti
Kể từ sau vụ ám sát cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise năm 2021, nước này chìm sâu vào khủng hoảng với các cuộc đụng độ giữa những băng nhóm, với quy mô ngày càng tăng. Các cuộc tấn công bạo lực gần đây vào tháng 12.2024 đã khiến khoảng 200 thường dân thiệt mạng.
Việc các băng nhóm mở rộng quyền kiểm soát đặt hàng triệu người dân Haiti vào nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, bắt cóc và tống tiền, qua đó cản trở hoạt động nhân đạo và nỗ lực phục hồi kinh tế. Cơ sở hạ tầng kém và dễ tổn thương trước thiên tai cũng gây đe dọa người dân nước này khi xảy ra bão hoặc động đất.
4. Burkina Faso
Hoạt động của nhóm vũ trang JNIM và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trải dài trên các quốc gia vùng Sahel ở châu Phi, bao gồm Burkina Faso. Các nhóm vũ trang đối lập từ chỗ chỉ cô lập 1 thị trấn vào năm 2021, đến năm 2024 đã kiểm soát gần 40 thị trấn, khiến gần 2 triệu người bị cô lập và cản trở các nguồn viện trợ.
Đã có hơn 1.800 thường dân thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Burkina Faso năm 2024. Ngoài ra, nạn đói tại nước này đã ở mức 43% và Burkina Faso dần nhận ít viện trợ hơn từ các tổ chức quốc tế. Lũ lụt và dịch sốt xuất huyết cũng là mối đe dọa với người dân tại đây.
5. Li Băng
Đây là lần đầu tiên Li băng xuất hiện trong tốp 10 danh sách cần chú ý khẩn cấp của IRC, liên quan những cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah đã kéo dài hơn 1 năm. Một lệnh ngừng bắn được ký kết tháng 11.2024 không thể lập tức giải quyết nhu cầu viện trợ nhân đạo tại Li băng, khi xung đột đã khiến hơn 1,4 triệu người phải bỏ nhà cửa.
Nền kinh tế Li Băng đối mặt với loạt khó khăn khi đồng tiền nước này đã giảm 98% giá trị kể từ năm 2019, trong khi giá lương thực đã tăng 350%. Khoảng 80% dân số đối diện với mất an ninh lương thực.
6. Nam Sudan
Đất nước này phải đối mặt với các mối hiểm họa khi nước láng giềng Sudan cũng đang xảy ra xung đột nghiêm trọng. Ngoài ra, bất ổn chính trị và khủng hoảng khí hậu, với tình trạng lũ lụt hằng năm gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất lương thực. Những bất ổn tại Sudan cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan, một trong những trụ cột nền kinh tế nước này. Giá thực phẩm đã tăng vọt 95% trong một năm.
Một thỏa thuận hòa bình để tạm ngừng xung đột giữa chính quyền và nhóm vũ trang đối lập tại Nam Sudan sẽ kết thúc vào tháng 2.2025 và nếu không được gia hạn, tình trạng bất ổn sẽ còn thêm trầm trọng. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán rằng hơn 2,1 triệu trẻ em ở Nam Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2025, khi nông nghiệp nước này chịu lũ lụt triền miên và hoạt động cứu trợ bị cản trở do xung đột.
7. Syria
Sau sự kiện lực lượng đối lập lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad đầu tháng 12.2024, giới quan sát vẫn chờ xem liệu người dân Syria sẽ bắt đầu ổn định cuộc sống, hay sẽ tiếp tục xuất hiện các cuộc xung đột.
Sau gần 14 năm đối đầu giữa lực lượng ông al-Assad và các nhóm đối lập, khoảng 16,7 triệu người Syria, tương đương 72% dân số, phải phụ thuộc vào các nguồn viện trợ. Tình trạng siêu lạm phát đẩy giá lương thực tăng vọt và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức báo động. Hạn hán có thể khiến nguồn nước càng trở nên khan hiếm, tạo điều kiện cho dịch tả lây lan ở các trại tị nạn. Có khoảng một nửa cơ sở y tế tại Syria hiện không hoạt động và 1/3 bệnh viện công đóng cửa một phần hoặc toàn bộ.
8. Myanmar
IRC dự báo các cuộc đụng độ giữa chính quyền quân sự Myanmar và lực lượng đối lập sẽ tiếp diễn khi các lệnh ngừng bắn ngắn hạn sụp đổ. Thiên tai như bão lũ, cùng các loại dịch bệnh, có thể đe dọa đến những cộng đồng dễ bị tổn thương tại Myanmar. Nước này cũng chỉ nhận được 0,25% số tiền từ ngân sách tài trợ khí hậu toàn cầu, khiến nỗ lực phục hồi thêm khó khăn.
9. Gaza
Hơn 1 năm kể từ cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas, Dải Gaza liên tục hứng chịu các cuộc tấn công từ Tel Aviv và giới chức y tế Gaza cuối tháng 12.2024 thông báo đã có hơn 45.000 người thiệt mạng kể từ ngày 7.10.2023, thời điểm Hamas phát động tấn công Israel và Tel Aviv đáp trả.
Gần như toàn bộ dân số Gaza chịu cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng và tình hình có thể nghiêm trọng nếu Israel và Hamas không thể nhất trí một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Các chuyên gia cảnh báo nạn đói có thể xuất hiện ở khắp dải đất này nếu công tác cứu trợ nhân đạo bị cản trở. Hạ tầng y tế và dịch vụ bị hư hại do cuộc chiến cũng sẽ gây khó khăn cho người dân Gaza trong những nhu cầu cơ bản.
10. Sudan
Trong 2 năm liên tiếp, Sudan đứng đầu danh sách của IRC, khi cuộc nội chiến tại nước này vẫn tiếp diễn. IRC cho biết Sudan hiện là quốc gia phải chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất được ghi nhận. Cuộc chiến giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đối lập gây ra tác động nghiêm trọng đến thường dân. Bạo lực tình dục và tình trạng tuyển mộ trẻ em trở thành tay súng đã trở nên phổ biến.
Nội chiến được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2025 khi không bên nào có ý định tìm giải pháp ngoại giao. Hệ thống y tế bị tê liệt cũng khiến người dân không được điều trị những loại bệnh như dịch tả và dự báo sẽ có nhiều đợt bùng dịch trong năm 2025. Theo IRC, nếu không có biện pháp bảo vệ nhân viên cứu trợ nhân đạo, người dân Sudan có thể tiếp tục không được hỗ trợ.
Bình luận (0)